Cái “Đất mũi mù xa” ấy sẽ không thôi thúc mình về nếu không đọc tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư. Văn chương rặt những tình người, tình đất, tình đời lam lũ nhưng có sức ám ảnh thân phận đến lạ.
Ám như một một mùa gió chướng lẩn khuất mãi trong ngõ hồn của cây viết rặt Nam Bộ này. Vậy nên mình cũng đã về tận xóm Mũi nơi chút đất nhoi ra cô đơn và buồn như biển. Nhưng giờ này cũng phải nói lời chia buồn với Nguyễn Ngọc Tư.
|
Hà cớ gì không, chỉ là người dưng không quen biết, mắc mớ chi mà chia buồn? Có buồn gì mà chia? Nhưng tại cái nợ chữ nghĩa mà mình gọi là ám ảnh tình đất, tình người ấy làm nhói lên một nỗi đời giữa cái thực có khi đơn lẻ và trang viết. Trời ơi, vùng đất Mũi chạm đâu cũng rổn rẻng tình người ấy giá mà cứ mãi như không có một chuyện động trời…
Nguyễn Ngọc Tư viết thế này: “Người Đất Mũi sao mà hiền từ, mến khách thấu trời thấu đất vậy không biết, dường như sống giữa bao la trời, bao la biển này, người ta phải học cách thương nhau để khỏi cô độc. Làm sao tay xách nách mang những thứ này được đây, khi em gởi theo ít ba khía muối mang về, ba khía thì mang về được rồi, còn cái tình cái nghĩa của người Đất Mũi đằm sâu vậy, làm sao bỏ vô giỏ xách theo được ?”.
Rồi : “Dường như mọi thứ ở đây đều thắm và đậm. Nắng thì lầm lì thôi là lầm lì, gió cởi mở thôi là cởi mở. Rừng đã xanh là xanh lặc lìa, một màu rời rợi. Biển đã đục là ngầu ngầu phù sa. Nước đã mặn là mặn quéo đầu lưỡi. Người Đất Mũi rặt đã thương là thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng. Hết thảy đều không thể nửa vời. Cho nên khi anh về, đừng có từ chối mà không cạn từng ly rượu đế cay xè, cũng đừng trả giá nửa ly thôi, làm lòng bà con mình buồn nghen…”
Đó, đọc tới đó sao mà không thương, sao mà không muốn một lần đến Đất Mũi để khi về mang theo không đặng cái tình người xứ này. Nhưng bên đìa tôm kia, có chuyện hết biết về tình người. Gió chướng có thấy không có người Cà Mau hành hạ dã man một bé trai 14 tuổi. Thôi không còn hình hài. Thôi không còn phản kháng. Thôi không còn nghĩa tình khi mà nỗi đau xát muối lên da non trong tâm hồn của bé Hào Anh, không biết đến chừng nào mới thôi ám ảnh về những trận roi đòn?
|
Bà con lối xóm và cả chánh quyền sao vô cảm thế, vô cảm như thể không phải là cái chất của con người Đất Mũi với “rặt đã thương là thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng. Hết thảy đều không thể nửa vời?”. Hay phải bổ sung thêm vào câu này cho Nguyễn Ngọc Tư, rằng đã…hành hạ thì phải hành hạ cho đến tận cùng thù hận?
Nguyễn Ngọc Tư không muốn vậy, người Đất Mũi không muốn vậy nhưng một hình ảnh phản đề đau đớn đã ít nhiều làm phai đi cái tình Đất Mũi. Và chỉ riêng điều này thôi, đáng và đủ để chia buồn với Nguyễn Ngọc Tư. Đừng nói là Tư không buồn à nghen? Mình không phải người Đất Mũi còn buồn thúi ruột gan huống hồ là chị…
Hay như một dự cảm trong mấy câu cuối tản văn Đất Mũi mù xa, Nguyễn Ngọc Tư viết: “Nhưng anh biết không, đi với anh dưới ánh nắng vàng dãi, len lỏi trong những mảng rừng loang lổ, nhìn về cái bãi đất bồi hoang vắng, nếu thấy em tôi vui cười chơi chơi vậy, chưa chắc em đang thật đâu, với em tôi, Đất Mũi ngày xưa sẽ đến một ngày xa mãi.
Nếu em tôi thật sự mệt mỏi buông xuôi rồi, thì tôi biết làm sao đây anh ?”
Thôi đừng buông xuôi, trong cõi đời và cõi người, cái ác vẫn âm thầm hoặc đôi lúc trỗi dậy một cách mạnh mẽ ngoài mong đợi.
Vẫn là Đất Mũi mù xa, không biết Nguyễn Ngọc Tư sau nỗi đau Hào Anh mang tên Đất Mũi có “buông xuôi” khi lại viết về chính vùng… “Đất Mũi thường thôi, rất thường, nhưng hết thảy mọi thứ ở đây đều làm cho người ta nhớ vì lạ, vì thương…”.
Lạ thì lạ rồi, thương thì thương rồi, nhưng quan trọng là sau thương, sao để người ta lại muốn…thương thêm!
Trần Ngọc Hà