Ngay sau khi đại chiến hạm chống tàu ngầm “Đô đốc Shaposhnikov” thuộc Hạm đội Thái Bình Dương cập vào bến cảng Djibouti, trên boong tàu đã diễn ra cuộc gặp của các đại diện lực lượng hải quân Nga, NATO và EU. Tại cuộc gặp này, đã thảo luận về con đường hoàn thiện hợp tác trong đấu tranh chống hải tặc trong khu vực vịnh Aden và Sừng châu Phi.
Nhân đây cũng cần nói, chính Djibouti đã giành cảng của nước mình để làm căn cứ neo đậu cho các tàu chiến Nga đang tiến hành cuộc đấu tranh với bọn cướp biển. Hôm thứ Hai, đại diện chính thức của Hải quân nước Cộng hòa này đã tuyên bố về điều đó trong cuộc tiếp tân tại Đại sứ quán Nga. Quan chức nước sở tại ghi nhận rằng, hiện sẵn có mọi yêu cầu hạ tầng cần thiết giành cho việc đó.
Hải tặc Sômali |
Xin nhắc thêm, hồi đầu tháng Năm chiến hạm Nga “Đô đốc Shaposhnikov” đã thực hiện thành công chiến dịch mau lẹ giải cứu chiếc tàu chở dầu “Đại học Tổng hợp Matxcơva” bị bọn hải tặc Somali chiếm trước đó trong vịnh Aden. Như nhận định của đại diện Hải quân Pháp trong NATO Stephen Fernandes, cuộc giải cứu đã được thực hiện với trình độ tác chiến chuyên nghiệp cao. Kết quả chính tự nó nói lên điều đó: thủy thủ đoàn của tàu chở dầu đã được giải thoát không hề có thương tích thiệt hại gì, còn bọn cướp biển bị tước vũ khí. Đó là hình mẫu kinh điển để học tập, — đại diện cao cấp của Hải quân Pháp trong NATO khẳng định. Trả lời phỏng vấn của Đài "Tiếng nói nước Nga", chuyên viên về luật biển Vasili Gutsulyak nêu ý kiến bình luận về tuyên bố này của đại diện phương Tây:
“Quả thực, chiến dịch giải cứu xuất sắc mà các thủy thủ Nga thực hiện xứng đáng là hình mẫu để noi theo. Bởi xưa nay người ta thường nêu cho chúng ta điển hình là hoạt động của đặc nhiệm Pháp, cũng đã từng giải thoát được các con tin mà không tổn thất. Vừa qua các chiến sĩ hải quân Nga đã cho thấy là trong những tình huống như vậy, họ cũng biết hành động chính xác và thành công. Tuy nhiên nếu coi là hình mẫu chân chính để học tập, thì tôi thấy vẫn chưa hoàn chỉnh. Vì sao vậy? Bởi vì dù sao chăng nữa cần tiến hành chiến dịch một cách trọn vẹn, đến tận chi tiết lô-gic cuối cùng. Tức là cần thực thi phán xét tội phạm, tương ứng với pháp luật của Liên bang Nga. Khi ấy thì mới là trường hợp độc đáo trong lịch sử hiện đại của cuộc đấu tranh chống hải tặc. Nếu làm hoàn chỉnh được như vậy, thì chiến dịch giải cứu sẽ có tiếng vang rộng lớn trong cộng đồng quốc tế”.
Trên thực tế, vì thiếu vắng những thỏa thuận quốc tế nên cuối cùng đã buộc phải thả những tên cướp biển. Chúng bị tước vũ khí, thang dây và phương tiện dẫn đường. Số phận tiếp theo của chúng không ai rõ. Theo một số nguồn tin, những tên cướp này sau đó đã chết chìm trên biển khơi.
Mới đây, Nga đã nêu ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sáng kiến thành lập hệ thống pháp lý quốc tế giành cho cuộc đấu tranh hiệu quả hơn chống bọn hải tặc đang lộng hành ven biển Somali. Như thông báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, sau chừng 3 tháng nữa sẽ đệ trình bản báo cáo thích ứng, nói về lộ trình thiết lập hệ thống như vậy. Theo quan điểm của ông Ban Ki-moon, đã đến lúc phân tích sàng lọc cặn kẽ những nỗ lực chống hải tặc của cộng đồng quốc tế để gạt bỏ những gì không đắc dụng. Trong tương quan này, ông Tổng thư ký thể hiện những hy vọng nghiêm túc vào Hội nghị quốc tế sắp tiến hành ở Istanbul về chuyên đề Somali. Cụ thể, ông Ban Ki-moon nói: Vấn đề hải tặc không thể giải quyết chỉ ngoài biển khơi mà cần giải quyết cả trên đất liền, trong đó kể cả ở nội địa Somali.