Chính phủ phải là cơ quan thực thi quyền hành pháp

TS. Phạm Hồng Quang kiến nghị, trong lần sửa đổi này, Hiến pháp nên quy định vị trí của Chính phủ theo hướng Chính phủ là cơ quan thực thi quyền hành pháp và đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

 

Hôm qua (28/5), trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 tại Quảng Ninh.

Chính phủ sẽ không có chức năng hành chính?
Với 9 định hướng của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung HP 1992 cùng 19 đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên – Tổ trưởng Tổ giúp việc, Người phát ngôn của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành HP 1992 của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu sửa đổi HP 1992– khẳng định chủ trương lần này là sửa đổi, bổ sung toàn diện HP 1992.
Cũng theo Thứ trưởng Liên, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì một nội dung rất quan trọng là phải hoàn thiện nguyên tắc thực hiện quyền lực Nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (trong đó có nội dung về chế định Chính phủ).
Theo Điều 109 của HP 1992, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, TS. Tô Văn Hòa (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, vị trí chính xác của Chính phủ trong cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta chỉ nên là “cơ quan chấp hành của Quốc hội”.
Tương ứng với vị trí trên, Chính phủ thực hiện chức năng hành pháp và chức năng hành pháp cần được phân biệt với chức năng hành chính nhà nước do hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thực hiện.
“Chính phủ không có chức năng hành chính, không nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính mà nằm trên hệ thống này, lãnh đạo hệ thống này. Để bảo đảm các chủ trương, chính sách và luật do Quốc hội ban hành được thực hiện một cách hiệu quả và nhất quán trong cả nước thì hoạt động hành chính nhà nước không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo của Chính phủ mà trực tiếp là các thành viên Chính phủ” – ông Hòa nhấn mạnh.
Đại diện nhóm tác giả nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về chế định Chính phủ, TS. Phạm Hồng Quang tán thành với yêu cầu sửa đổi Hiến pháp hiện nay, theo đó nguyên tắc tập trung quyền lực Nhà nước vẫn được duy trì để đảm bảo nguyên tắc quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Quốc hội, Chính phủ và Tòa án vẫn là các cơ quan lập pháp, hành pháp và xét xử cao nhất, đảm bảo sự độc lập nhưng vẫn có sự phân công, phối hợp dựa trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, ông Quang kiến nghị: Trong lần sửa đổi này, Hiến pháp nên quy định vị trí của Chính phủ theo hướng Chính phủ là cơ quan thực thi quyền hành pháp và đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo sự kiểm soát lẫn nhau ở mức độ tương đối để tránh sự lạm quyền của Chính phủ hay bất kể cơ quan nào, cần bổ sung một số quy định như mở rộng thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia trong lĩnh vực hành pháp hay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; các chức vụ trong Chính phủ không thể đồng thời là đại biểu Quốc hội hoặc các đại biểu Quốc hội không thể kiêm nhiệm các chức vụ quản lý; bổ sung những quy định nhằm đảm bảo vai trò giám sát của Quốc hội với hoạt động hành pháp của Chính phủ đi vào thực chất; xây dựng cơ chế kiểm tra và phán quyết đối với các hành vi của Chính phủ thông qua vai trò xét xử của tòa án…
Địa phương tự chủ trong khuôn khổ được phân cấp?
Trong quá trình nghiên cứu cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, đặc biệt là về cơ sở lý luận để duy trì hay không cơ chế đại diện dân cử ở cấp địa phương hoặc duy trì ở cấp chính quyền nào. 
Thay mặt nhóm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung về chính quyền địa phương, chuyên gia Nguyễn Thị Hạnh đề nghị, cần cân nhắc việc xóa bỏ hay không ghi nhận vai trò của hội đồng dân cử ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và dân chủ hóa cũng như chủ trương thực hiện chính sách phân quyền cho chính quyền địa phương ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đánh giá cao việc thực hiện thí điểm, TS. Hoàng Thị Ngân (Văn phòng Chính phủ) điểm lại một số kết quả tích cực như tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối trung gian mà vẫn duy trì hoạt động bình thường của cộng đồng dân cư và tính liên tục của quản lý nhà nước; phân biệt nội dung, phương thức và mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tại địa bàn đô thị và nông thôn, hướng tới tính hiệu quả…
Vì vậy, bà Ngân chia sẻ, sửa đổi Hiến pháp lần này là dịp nghiên cứu xác định hai cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh, nơi tổ chức cả HĐND và UBND là những cơ quan có chung chức năng tổ chức thi hành pháp luật (hành pháp). Chẳng hạn, HĐND là cơ quan đại diện của cộng đồng nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ luật của Trung ương và không tạo thành một hệ thống dọc. “Những công việc của địa phương do HĐND quyết định sẽ được thực hiện theo quy định của Hiến pháp và luật” - bà Ngân nói.
Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho rằng, phải làm rõ vị trí, chức năng của Chính phủ với tư cách là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất thực hiện quyền hành pháp. Điều đó đòi hỏi làm rõ nội hàm của các khái niệm sau: cơ quan chấp hành, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và hành pháp.

Hoàng Thư

Đọc thêm