Chính phủ Thái Lan ngày 18/5 đã từ chối lời đề nghị đàm phán với những người biểu tình “áo đỏ” do các thượng nghị sỹ nước này làm trung gian nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu bạo lực ngày càng gia tăng tại Bangkok.
[links()]
|
Đụng độ vẫn xảy ra nhưng đã bớt căng thẳng hơn.
|
5 ngày đối đầu trên đường phố Bangkok giữa những người biểu tình và quân đội đã khiến 37 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Trước tình hình này, lãnh đạo Thượng viện Thái Lan đã đưa ra lời đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa chính phủ và những người biểu tình.
Các lãnh đạo “áo đỏ” đã chấp nhận đề nghị đàm phán. Thủ lĩnh “áo đỏ” Nattawut Saikua cho biết những người biểu tình ủng hộ đề xuất của lãnh đạo thượng viện vì “nếu để tình hình như hiện nay tiếp diễn, chúng tôi không biết sẽ mất bao nhiêu mạng sống nữa”.
Tuy nhiên chính phủ yêu cầu “áo đỏ” phải rời khỏi nơi chiếm đóng của họ ở trung tâm thành phố trước khi có thể tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.“Tình hình ngày một căng thẳng và những nhóm, những kẻ khủng bố được trang bị vũ khí đang tấn công chính phủ, các binh sỹ và thường dân”, Bộ trưởng nội các Satit Wonghnongtaey cho biết trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
“Tình hình có thể giải quyết và dẫn đến các cuộc thương lượng chỉ khi người biểu tình giải tán”, ông cho hay.
Hai bên, chính phủ và “áo đỏ”, liên tục đưa ra những cáo buộc lẫn nhau. Chính phủ cáo buộc những thành phần chủ chốt của “áo đỏ” dùng phụ nữ và trẻ em làm “lá chắn”. Trong cuộc họp báo ngày 18/5, quân đội đã công bố đoạn hình ảnh cho thấy một người biểu tình ôm một em bé ở bên kia “thành luỹ” của họ.
Trong khi đó, “áo đỏ” cáo buộc quân đội chính phủ bắn vào họ, mặc dù quân đội cho rằng họ chỉ bắn đạn thật để tự vệ.
Vào ngày 18/5, các vụ đụng độ bạo lực vẫn lác đác xảy ra, tuy nhiên có vẻ như đã bớt căng thẳng hơn. Nhưng nhiều ngàn người biểu tình vẫn cố thủ bên trong “trại phòng thủ” của họ ở quận mua sắm tại trung tâm Bangkok, bất chấp chính phủ ra tối hậu thư kêu gọi họ rời đi.
Các trường học, văn phòng chính phủ vẫn tiếp tục đóng cửa, các dịch vụ tàu vẫn tạm ngưng.
Chính phủ kéo dài ngày nghỉ cho tới thứ sáu, để có thời gian giải quyết khủng hoảng.
Cũng trong ngày 18/5, quân đội tổ chức một cuộc họp báo, công bố đoạn hình ảnh mà họ cho rằng người biểu tình “áo đỏ” rất hiếu chiến.
Binh sĩ, xe bọc thép gần điểm biểu tình
Sáng sớm nay, hàng trăm binh sĩ và xe bọc thép đã tập trung tại một quận thương mại ở Bangkok, gần đường dẫn vào khu Rajprasong mà hàng nghìn người “áo đỏ” đang cố thủ.
Đây là đợt chuyển quân lớn nhất kể từ khi quân đội bắt đầu “chiến dịch Rajprasong” từ ngày 13/5.
Động thái trên xuất hiện vào lúc căng thẳng vẫn gia tăng trên nhiều đường phố ở Bangkok, khi người biểu tình vẫn tiếp tục hoạt động chốt chặn các tuyến đường dẫn đến Rajprasong, bất chấp yêu cầu rút về điểm biểu tình chính từ phía chính phủ.
Theo dự đoán mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, kinh tế Thái Lan có thể đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2010 nếu không có những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, GDP của nước này có thể bị giảm từ 0,5-2,3% do bất ổn tại Bangkok – tương đương với thiệt hại từ 53 tỷ baht (1,6 tỷ USD) đến 230 tỷ baht (7,1 tỷ USD).
Vẫn theo trung tâm trên, khu vực du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất và có thể thiệt hại tới 80 tỷ baht (2,4 tỷ USD) vì ít nhất 47 nước đã cảnh báo công dân về tình hình an ninh bất ổn ở Thái Lan. Các khu vực kinh tế khác cũng sẽ phải gánh chịu tác động tiêu vực nếu bế tắc chính trị hiện nay kéo dài.
Theo Phan Anh-Nguyễn Viết
Dân trí