Chính sách mới về lao động, giáo dục có hiệu lực từ tháng 9/2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều thay đổi trong đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; mức trợ cấp, phụ cấp mới cho người có công với cách mạng... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 9.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bỏ giấy khen học sinh tiên tiến

Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, có hiệu lực từ ngày 05/9/2021.

Theo đó, sẽ không còn hình thức khen thưởng danh hiệu Học sinh tiên tiến.

Cụ thể, cuối năm học hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.

Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.

Ngoài ra, khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.

Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

(Thông tư 58/2021/TT-BGDĐT, công nhận đạt danh hiệu học sinh tiên tiến học kì hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên và học lực từ loại khá trở lên).

Giáo viên được nghỉ hè 8 tuần

Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/07/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 01/09/2020.

Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Còn đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học thì thời gian nghỉ hè thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Nguồn kinh phí chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục

Thông tư 56/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thường xuyên.

Theo đó, kinh phí chi cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục gồm:

Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

Nguồn thu hoạt động của các cơ sở giáo dục, bao gồm nguồn tài chính hợp pháp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo quy định của pháp luật;

Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật của các cơ sở giáo dục.

Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ.

Việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí để kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thông tư 56/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/9/2021 và thay thế Thông tư liên tịch 125/2014/TTLT-BTC-BGDĐT.

Làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tùy thân

Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.

Khoản 5 điều 11 Thông tư 09 quy định, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được vận hành và kết nối với dữ liệu lĩnh vực đất đai sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn với người dân.

Theo đó, khi người dân nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp sổ đỏ mà có yêu cầu thành phần là: bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân hoặc Giấy chứng minh quân đội hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, người dân sẽ không bị yêu cầu nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân.

Người dân sẽ không bị yêu cầu nộp nhiều giấy tờ để chứng minh nhân thân.

Ngoài ra, mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về sổ đỏ và hồ sơ cấp sổ đỏ, thể hiện dưới cấu trúc MV = MX.MN.ST. Trong đó, MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quyết định của Thủ tướng về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam; trường hợp cấp giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất.

Trường hợp cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì mã MX được thay thế bằng mã của đơn vị hành chính cấp huyện theo quyết định của Thủ tướng về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.

Trường hợp cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh thì có thể ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào trước mã của đơn vị hành chính cấp huyện nơi có đất, đối với cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã.

Quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 15/09/2020, Nghị định 88/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/07/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.

Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

Mức trợ cấp, phụ cấp mới cho người có công với cách mạng

Từ ngày 15/9, Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ về các quy định liên quan đến mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công có hiệu lực.

Nghị định này quy định Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được hưởng mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng là 4.872.000 đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.361.000 đồng; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% trở lên được hưởng trợ cấp từ 1.695.000 đồng đến 4.137.000 đồng, tùy vào tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội, tổ chức chi trả cho 383 đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội và cận nghèo, sáng 18/8. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo Nghị định, thân nhân của liệt sỹ khi đi thăm viếng mộ liệt sỹ sẽ được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho tối đa 3 ngày, mức hỗ trợ được tính là 3.000 đồng/km/người.

Mức hỗ trợ cất bốc hài cốt liệt sỹ được quy định là 4 triệu đồng cho mỗi hài cốt liệt sỹ, nếu thân nhân liệt sỹ không có nguyện vọng an táng hài cốt liệt sỹ trong nghĩa trang liệt sỹ thì được hỗ trợ kinh phí xây mộ liệt sỹ là 10 triệu đồng/mộ.

Đọc thêm