Chính thức hỗ trợ lao động Libya về nước trước hạn

Thủ tướng Chính phủ đã cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở Libya 50% khoản tiền môi giới doanh nghiệp phải hoàn trả cho người lao động. 50% còn lại các doanh nghiệp sẽ phải tự bỏ tiền túi trả lao động nếu như không đòi được từ chủ sử dụng hoặc công ty môi giới.

  [links()]
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở Libya 50% khoản tiền môi giới doanh nghiệp phải hoàn trả cho người lao động. 50% còn lại các doanh nghiệp sẽ phải tự bỏ tiền túi trả lao động nếu như không đòi được từ chủ sử dụng hoặc công ty môi giới.

Lao động đi Lybia về nước trước hạn- ảnh MH

 Hỗ trợ phí môi giới, khoanh nợ cho người lao động

Ngoài khoản hỗ trợ 50% phí môi giới ,Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở Libya các chi phí đưa người lao động về nước, trong trường hợp doanh nghiệp đã chi trực tiếp.

Thủ tướng cũng cho phép hỗ trợ các doanh nghiệp chi phí đưa người lao động về nơi cư trú mức 300.000 đồng/người lao động. Trường hợp doanh nghiệp đã chi phí cao hơn mức trên thì được hỗ trợ theo hóa đơn, chứng từ chi thực tế.

Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh Xã hội sẽ tổng hợp các chi phí trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Người lao động thuộc 62 huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 được hỗ trợ thêm 50% so với mức hỗ trợ cho các đối tượng lao động khác từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Người lao động vay tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội được gia hạn nợ, khoanh nợ đối với khoản vay tín dụng trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội; nếu có nhu cầu được tiếp tục vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

 Dồn khó cho doanh nghiệp?

Do tình hình bất ổn tại Libya, hơn 10.000 người lao động Việt Nam tại Libya đã được đưa về nước an toàn. Đây là rủi ro bất khả kháng, cả doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu và người lao động đều phải chịu thiệt thòi.
 
Tuy nhiên, với phương án hỗ trợ mới được công bố này thì cái khó đang dồn cả lên vai doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có số đông người lao động mới sang Libya làm việc chưa được 1 năm.
 
“Phí môi giới thị trường Libya được Bộ LĐTBXH cho phép thu trước đây là 500 USD, với mức hỗ trợ Chính phủ vừa công bố thì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ 50% của 500 USD nói trên ( theo quy định nếu lao động chưa làm việc được 1 năm thì sẽ được hoàn trả 50% phí môi giới)- nghĩa là nhà nước hỗ trợ 125 USD/ lao động trường hợp này. 125 USD ( 50% còn lại), doanh nghiệp sẽ phải trả cho lao động theo 2 cách: cách 1 : chờ công ty môi giới phía Lybia hoàn trả, cách 2: tự bỏ tiền túi của doanh nghiệp ra trả cho lao động”, ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Sona phân tích.
 
 Phương án đòi được tiền phí môi giới từ phía Lybia là bất khả thi bởi đây là rủi ro bất khả kháng, phía bạn cũng không mong muốn. “ Thực tế, nhiều công ty môi giới của Lybia sau sự kiện trên cũng đã không còn hoạt động, không thể liên lạc được”, ông Nguyễn Vạn Xuân- TGĐ VCT Corp cho biết.

  Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải tự bỏ tiền túi của mình ra “bù” vào 50% phí môi giới phải hoàn trả cho lao động. Đây mới thực sự là “cú sốc” nặng nề với các doanh nghiệp. Ông Thành cho biết, Sona có hơn 2000 “quân” về từ Lybia, và có khoảng 35% trong số đó chưa làm đủ 1 năm. Như vậy, chỉ tính riêng phí môi giới phải hoàn trả lại cho số lao động này, Sona sẽ phải “tự chi” tới gần 3 tỷ đồng.
 
 Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ thanh lý hợp đồng cho người lao động và trả lại phần phí dịch vụ đã thu trước theo nguyên tắc trừ những tháng lao động đã làm việc, số còn lại trả cho người lao động.
 
 Với câu hỏi: ngoài phần phí môi giới và phí dịch vụ được hoàn trả như trên, các doanh nghiệp có hỗ trợ thêm gì lao động hay không? Các doanh nghiệp đều trả lời: chắc là khó. “Đảm bảo chi trả được 2 khoản trên chúng tôi đã rất mệt mỏi rồi, không thể cố hơn được nữa”, ông Thành thẳng thắn chia sẻ.

 Về việc khoanh nợ cho lao động, các doanh nghiệp cho biết căn cứ hướng dẫn của Chính phủ, người lao động sẽ chủ động làm việc với các ngân hàng để được khoanh nợ. Các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm phối hợp, cung cấp văn bản để người lao động làm việc với ngân hàng.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo căn cứ phương án hỗ trợ lao động trở về từ Libya , các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp  phải tích cực triển khai thực hiện.

 Ghi nhận của phóng viên PLVN chiều nay, 28.7 cho thấy, các doanh nghiệp đã rục rịch  lên kế hoạch thanh lý hợp đồng với người lao động. Một số doanh nghiệp đã thanh lý cho lao động đi từ 6 tháng tới dưới 1 năm cho biết sẽ tiếp tục thông báo với người lao động về phương án hỗ trợ của Chính phủ. Người lao động có thể lên công ty trực tiếp nhận khoản hỗ trợ này hoặc công ty sẽ chuyển khoản cho người lao động.

Thanh Lương

Đọc thêm