“Chợ chiều” trên sàn chứng khoán

Chỉ có một số tài khoản cũ chưa thanh lý hết thì vẫn còn tiếp tục duy trì nhưng các CTCK cũng gia hạn để NĐT xoay xở hơn là bán lỗ CP.

“Chợ chiều” trên sàn chứng khoán ảnh 1
 

Chỉ có một số tài khoản cũ chưa thanh lý hết thì vẫn còn tiếp tục duy trì nhưng các CTCK cũng gia hạn để NĐT xoay xở hơn là bán lỗ CP.

Chán nản, không quan tâm bảng điện tử giao dịch hằng ngày đang là hiện tượng xảy ra ở nhiều nhà đầu tư (NĐT) trên các sàn chứng khoán hiện nay.

Thanh khoản giảm

Số lượng NĐT đến các sàn giao dịch chứng khoán trong những tuần qua chỉ còn rất ít. Một phần do những công cụ giao dịch từ xa như qua điện thoại, qua mạng internet đã phát triển mạnh. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác là nhiều NĐT đã không còn sự lạc quan và niềm tin vào xu hướng tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Điều này khiến khối lượng giao dịch giảm mạnh. Nếu như đầu năm 2010, trị giá giao dịch trung bình của cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội đạt khoảng 2.500 tỉ đồng/phiên thì hiện nay trị giá chỉ còn ở mức 1.000 tỉ đồng/phiên, giảm đến 60%.

Trong tuần qua, một số công ty chứng khoán (CTCK) bắt đầu thông báo giảm hạn mức của dịch vụ margin (dịch vụ cho NĐT vay tiền hợp tác đầu tư) hoặc chỉ hạn chế cho khách hàng VIP sử dụng. Điều này khiến cho nhiều NĐT suy nghĩ theo chiều hướng khá bi quan vì cho rằng, nhiều cổ phiếu (CP) sẽ bị bán mạnh để trả nợ cho CTCK...

Tuy nhiên, theo ông Lê Công Thiện - Giám đốc khối môi giới khách hàng cá nhân CTCK TP.HCM - hiện nay, số lượng NĐT sử dụng dịch vụ margin rất ít. Chỉ có một số tài khoản cũ chưa thanh lý hết thì vẫn còn tiếp tục duy trì nhưng các CTCK cũng gia hạn để NĐT xoay xở hơn là bán lỗ CP.

Trong khi đó, tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM lại nhận xét, việc giảm hạn mức của dịch vụ margin có thể là do các CTCK gia tăng nguồn vốn cho bộ phận tự doanh để đẩy mạnh đầu tư. Bởi theo ông, nhiều CP trên sàn đã giảm mạnh về mức giá khá thấp và cơ hội để tích lũy.

Phá sản phát hành thêm

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) công bố có hơn 9.000 CP phát hành thêm bị NĐT từ chối; Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) thực hiện bán đấu giá gần 15 triệu quyền mua CP của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) nhưng chỉ có 2 NĐT trong nước tham gia đấu giá...

Một số CTCK tại TP.HCM cho biết, nhiều NĐT thông báo sẽ bỏ quyền mua CP phát hành thêm. Ví dụ CTCP Thuận Thảo (GTT) thông báo ngày 8.11 là hạn cuối đóng tiền mua CP phát hành thêm theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/CP.

Tuy nhiên đóng cửa thị trường ngày 22/10, GTT chỉ có giá 10.100 đồng/CP. Nếu đến ngày cuối cùng mà GTT vẫn xoay quanh giá hiện tại thì chắc chắn các cổ đông sẽ không muốn đóng thêm tiền mua CP mới mà thông thường phải hơn 1 tháng mới về đến tài khoản. Thay vào đó họ có thể mua GTT trên sàn và chỉ sau 3 ngày là có CP.

Tương tự có những CP đã gần đến ngày cuối NĐT phải đóng tiền mua thêm như CTCP chứng khoán SME (SME), CTCP phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI)... nhưng giá đã giảm về sát với giá phát hành thêm. Khả năng NĐT bỏ quyền mua khá cao trong điều kiện thị trường giao dịch yếu và chưa có xu hướng tăng trở lại.

Ông Trương Duy Khiêm - Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát CTCK Ngân hàng ACB - nhận định các đợt phát hành thêm CP của doanh nghiệp niêm yết sẽ có nguy cơ không thành. “Khó biết chính xác nguồn vốn đầu tư đã chuyển hẳn sang những tài sản khác hay vẫn đứng chờ cơ hội, nhưng rõ ràng NĐT đã bớt quan tâm hơn đến thị trường chứng khoán và số lượng tài khoản không giao dịch đang gia tăng”, ông Khiêm nói.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng thị trường chứng khoán sẽ chưa thể nhanh chóng thoát khỏi cảnh chợ chiều như hiện nay bởi NĐT vẫn đang lo lắng về các yếu tố vĩ mô như chỉ số giá cả tiêu dùng cả năm, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất cho vay của ngân hàng...

Theo Mai Phương

Thanh niên

Đọc thêm