Hàng nghìn người dân châu Âu đang tuyệt vọng vật lộn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng đã tìm đến các đường dây buôn bán nội tạng người trái phép như một giải pháp “cứu rỗi” về kinh tế, khiến cho thị trường buôn bán nội tạng trái phép phát triển với tốc độ chóng mặt.
|
Một người đàn ông đang chờ bán thận trong tuyệt vọng. Ảnh: NYT |
Pavle Mircov và vợ Daniella run rẩy kiểm tra hòm thư điện tử mỗi 15 phút một lần, tuyệt vọng tìm kiếm một người nào đó sẵn sàng trả gần 40.000 USD cho mỗi quả thận của họ. Cha mẹ của 2 đứa con đang độ tuổi ăn học này đã đăng tin rao bán nội tạng trên một trang web địa phương 6 tháng trước, là thời điểm mà ông Mircov, đã 50 tuổi, mất việc tại một nhà máy chế biến thịt.
Mircov cho biết, ông đã không thể tìm được việc làm. Thậm chí khi cha ông qua đời, cả gia đình đã không thể mua nổi một tấm bia mộ cho người đã khuất! Điện thoại đã bị cắt, cả gia đình giờ chỉ ăn một bữa mỗi ngày với bánh mì và xúc xích. “Đến khi bạn cần có thức ăn để tồn tại thì việc bán đi một quả thận cũng chẳng là việc phải cân nhắc nhiều” – Mircov nói.
Người đàn ông này cũng nói rằng ông không sợ hãi về cuộc phẫu thuật hay các pháp lệnh cấm bán nội tạng nghiêm khắc. “Đó là cơ thể tôi và tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn với nó” – Mircov nói.
Theo các chuyên gia, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, một số người dân tại châu Âu đang tìm mọi cách bán thận, phổi, tủy xương hoặc giác mạc để trang trải cuộc sống. Tại Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Nga, những mẩu quảng cáo rao bán nội tạng, tóc, tinh trùng và cả sữa người tràn lan trên internet, với mức giá rao bán những lá phổi khoảng 250.000 USD.
Các quan chức thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) cho hay, cuối tháng 5 vừa qua, cảnh sát Israel đã bắt giữ 10 thành viên của một đường dây tội phạm quốc tế bị tình nghi buôn bán nội tạng người vào lục địa này. Mục tiêu của đường dây này là những người nghèo khó ở Moldova, Kazakhstan, Nga, Ukraine và Belarus. “Buôn bán nội tạng là một ngành công nghiệp đang tăng trưởng mạnh” – ông Jonathan Ratel – một công tố viên đặc biệt của EU, đang phụ trách vụ việc 7 đối tượng bị cáo buộc lừa những nạn nhân nghèo khó từ Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo bán thận với giá 20.000 USD - nói.
“Các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang săn lùng cả 2 phía trong chuỗi cung ứng: những người đang phải vật lộn với nghèo đói kinh niên và cả những bệnh nhân giàu có đang tuyệt vọng và sẵn sàng làm mọi việc để sống sót” – ông Ratel cho biết thêm.
Nguồn cung chính trong hoạt động buôn bán nội tạng thường là từ các nước như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Philippines. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, châu Âu cũng đang dần trở thành một trong những nguồn cung ngày càng lớn.
Một nhóm nhân quyền chuyên theo dõi các hoạt động buôn bán nội tạng trái phép có trụ sở tại California ước tính, khoảng 15.000 đến 20.000 quả thận đã được bán trái phép trên toàn cầu mỗi năm. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ khoảng 10% nhu cầu ghép nội tạng trên thế giới được đáp ứng.
Với sự tiếp tay của internet, sự thiếu hụt nội tạng để ghép trên toàn cầu và những kẻ buôn bán vô lương tâm, lợi dụng sự kiệt quệ về kinh tế hiện nay đã khiến cho hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp vào châu Âu ngày càng tăng mạnh.
Tại Serbia – một đất nước đã bị chiến tranh tàn phá và đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng tại châu Âu, bất chấp việc buôn bán nội tạng là hành vi bất hợp pháp và có thể bị kết án đến 10 năm tù, những người dân tại Doljevac – một thành phố nghèo với khoảng 19.000 dân – vẫn đăng tin rao bán một phần cơ thể họ.
Violeta Cavac – một người nội trợ - nói rằng tỉ lệ thất nghiệp ở thành phố này là khoảng 50% và hơn 3.000 người dân trong thành phố đã tham gia vào mạng quảng cáo trực tuyến rao bán thận cho các nước láng giềng Bulgari hoặc Kosovo. “Tôi sẽ bán thận, bán gan hoặc làm bất cứ việc gì cần thiết để tồn tại” – bà Cavac nói.
Giới chức Serbia khăng khăng rằng nước này không quá nghèo đến mức người dân phải bán đi một phần cơ thể mình để sống trong khi các quan chức của lực lượng cảnh sát cho biết không có một trường hợp buôn bán nội tạng nào bị truy tố tại Serbia trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia đang nghiên cứu về hoạt động buôn bán nội tạng trái phép khẳng định rằng, các thủ tục tố tụng hiếm khi xảy ra tại nước này vì các cuộc phẫu thuật cắt nội tạng thường được tiến hành tại một nước thứ 3, khiến cho việc theo dõi trở nên khó khăn hơn.
Một người đàn ông Milovan, 52 tuổi thì cho hay, ông đã “tặng” cho một chính trị gia giàu có tại địa phương một quả thận của mình để đổi lấy việc chính trị gia này đưa ông vào biên chế của nhà máy mà ông ta sở hữu. Quả thận đã được lấy ra tại một bệnh viện công ở Belgrade và cả 2 đều sử dụng giấy tờ giả mạo cho thấy họ là anh em.
Tuệ Minh (theo NYT)