Khu chợ mới xây xong, khang trang, rộng rãi lại chịu cảnh hoang vắng, biến thành bãi chăn bò, trái ngược với cảnh sống động, tập nập nơi chợ cũ chật chội. Nghịch lý này đang “nóng” lên từng ngày ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội) vì “lệnh cưỡng chế” đối với bà con tiểu thương.
|
Khu chợ tiền tỷ bỏ hoang trong khi người dân vẫn quyết bám trụ chợ cũ |
Gần 200 hộ tiểu thương tại chợ Cầu, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã lên tiếng phản đối vì cho rằng UBND huyện Ứng Hòa “ép” họ phải vào chợ mới nhằm thu tiền cho thuê ki - ốt, trong khi bà con vẫn buôn bán ổn định ở chợ truyền thống hàng chục năm qua.
Theo công văn số 26/TB-UBND của UBND thị trấn Vân Đình thì kể từ ngày 25/11/2012, các hộ tiểu thương tại chợ Cầu phải tự giác chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh, giao trả mặt bằng cho UBND thị trấn Vân Đình quản lý; nhưng trước đó, kể từ 20/11, UBND thị trấn sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tiến hành cắt điện và tháo dỡ toàn bộ ki ốt.
Ngày 2/12, sau khi chợ Cầu bị ngành điện lực cắt điện vào lúc 5h, hàng trăm hộ dân buôn bán trong chợ đã tập trung phản đối chính quyền địa phương. Nhiều người dâng biểu ngữ đòi không giải tán chợ Cầu, khiến cho đoạn đường đi qua chợ tắc nghẽn giao thông.
Tại sao khu chợ mới xây xong, khang trang, rộng rãi lại chịu cảnh hoang vắng, biến thành bãi chăn bò, trong khi ngôi chợ cũ chật chội, tồi tàn vẫn được các hộ tiểu thương tín nhiệm và nhất quyết “bám trụ”?. Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân không chỉ vì chợ mới cách xa đường lớn, không thuận tiện cho việc buôn bán như chợ cũ. Sở dĩ nhiều người dân chưa đồng thuận, vì cho rằng, phía sau động thái cưỡng chế của chính quyền, còn nhiều điều “khuất tất”.
Nghi vấn “sân sau”
“Họ (UBND huyện Ứng Hòa - PV) giao cho một công ty tư nhân (Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hòa Nam/PV) xây mới chợ trung tâm thị trấn Vân Đình, cách chợ cũ tới gần 2km đã đành, vấn đề là người kinh doanh phải trả với giá 92.000 đồng/1m2/1 tháng nếu muốn thuê ki - ốt, cái giá quá “cắt cổ” so với điều kiện kinh doanh nhỏ của chúng tôi”, một tiểu thương phân trần.
“Công ty Hòa Nam với chúng tôi đều bình đẳng trước pháp luật, sao chính quyền phải cưỡng chế, ép chúng tôi phải thuê mặt bằng của họ và phải thuê với giá cao. Như vậy thì chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi, còn người bán và người mua đều bị thiệt. Không công bằng làm sao chúng tôi nghe được”, một tiểu thưởng khác nói.
Điều tra của phóng viên cho thấy, Công ty Hòa Nam – đơn vị mà các tiểu thương đề cập – là một nhà thầu “quen thuộc” tại huyện Ứng Hòa. Doanh nghiệp này được biết đến khi trúng thầu nhiều công trình lớn tại địa phương này.
Đóng góp nhiều cho địa phương, tuy nhiên công ty này cũng bị nghi vấn là một doanh nghiệp “sân sau”. Từ năm 2010, Báo PLVN đã có bài phản ánh về hàng loạt công trình tại Ứng Hòa bị “rút ruột” và đặt dấu hỏi về sự “bất thường” từ chủ đầu tư là UBND huyện.
Bài viết dẫn kết luận thanh tra cho thấy, dạng "rút ruột" phổ biến trong các công trình bị thanh tra là thi công không đúng thiết kế nhưng vẫn được nghiệm thu và đề nghị thanh toán đủ khối lượng, đúng chất lượng. Trong đó, có công trình Chợ trung tâm đầu mối nông sản thị trấn Vân Đình bị đề nghị giảm giá trị thanh toán tới 877 triệu đồng.
Ngoài công trình này, Công ty Hoà Nam còn liên quan tới sai phạm tại nhiều công trình khác. Từ khi đó, dư luận đã cho rằng không thể loại trừ việc “bắt tay” giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công để nghiệm thu khống khối lượng rồi khi bị phát hiện thì cả A và B lại cùng nhau xin “làm bù”…
Trường Lưu