Chơi chợ, chỉ có ở chợ Hàng

Chợ có một ý nghĩa  quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của người Việt. Tuy nhiên trong thời đại hội nhập và phát triển như hiện nay, ở các thành phố lớn, chợ thường chỉ còn ý nghĩa thương mại. Một điều hiếm có là ngay trong nội thành Hải Phòng, chợ Hàng vẫn được duy trì. Đó là một trong những nơi hiếm hoi trong cả nước, ở thành phố mà vẫn duy trì được chợ phiên.

Đó là một phiên "chợ quê" chỉ họp vào ngày chủ nhật (cạnh đường bao Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân). Ngoài đường bao, xe cộ chạy rầm rập, nhưng trong chợ mọi người "đủng đỉnh cà kê" xem đủ mọi thứ. Anh Nguyễn Hoàng Phan, người Hà Nội, được một người bà con ở Hải Phòng dẫn đi chơi chợ Hàng háo hức mua một cái giậm và một cái vỉ ruồi đan bằng tre mang về Thủ đô "để ngắm cho có không khí quê hương".

 

Mua sắm là việc cần đầu tiên khi đến những trung tâm thương mại và chợ. Nhưng khi đến với chợ Hàng, tâm lý đi chơi phổ biến hơn. Mỗi tuần người dân Hải Phòng lại chen chân đi “chơi” chợ Hàng một lần. Đó là nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt thể hiện ở chợ Hàng.

 

Ở Hà Nội, có chợ Bưởi cũng là một trong những chợ chuyên bán chim chóc, cây cảnh gần như chợ Hàng, tuy nhiên không tấp nập như chợ Hàng. Ở đó hình thành một khu phục vụ nhu cầu riêng về chim, cây cảnh. Nhưng ở chợ Hàng, thật khó để nói rõ một nhu cầu hàng hóa nào người dân quan tâm. Từ thuốc bắc, thuốc nam, chó, mèo, lợn gà, chim chóc, rau, cây trồng, cây cảnh đến cây kim sợi chỉ … gì cũng có.  Không thành phố nào có một phiên chợ đa dạng như ở chợ Hàng. Người ta không nhiều tiền cũng có thể đi chợ cả buổi. Thậm chí chỉ cần 1000 đồng đến 2000 đồng để mua một ít hoa mười giờ về trồng cho vui.

 

Mang những đồ nhà mình thừa đi để trao đổi những vật dụng khác mà nhà mình cần, thiếu là hình thức trao đổi thương mại sơ khai từ khi con người bắt đầu có ý thức tích lũy. Thật kỳ lạ, hình thức trao đổi đó vẫn tồn tại ở chợ Hàng. Bạn có thể không thích nuôi con mèo nhà mình nữa, bạn mang ra chợ Hàng ngồi bán, bán tuần này không được,  tuần sau lại mang ra bán tiếp.

 

Hình thức mua bán hiện đại liên quan đến những chế độ hậu mãi và bảo hành. Người bán sẽ phải bảo đảm mặt hàng đến một thời điểm hợp lý và phải chịu trách nhiệm sửa chữa, thậm chí đổi một món hàng tương tự nếu hàng không bảo đảm chất lượng. Nhưng ở chợ Hàng thì điều đó là may – rủi. Nhất là khi bạn mua cây cảnh.  Nguyễn Trọng Nam , 21 tuổi, sinh viên Đại học Hàng hải đi chơi chợ Hàng nói vui: “Bọn em ví tình yêu với cây cảnh ở chợ Hàng, keo chất lượng tốt thì cây còn sống lâu, không thì cây chóng lộ bản chất là cây giả”. Nam cho biết, cậu mua một chậu xương rồng ghép ở chợ Hàng, thân xanh, hoa đỏ rất đẹp. Mang về mãi mà cái hoa cứ ngày một teo tóp đi. Nhổ cây khỏi chậu thì thấy đó là một mảnh cây thanh long ở dưới ghép với hoa xương rồng ở trên. Hay anh Phạm Hùng Cường, nhân viên quảng cáo của công ty quảng cáo Hùng Anh kể: “Mình mua một đôi cá kiếm rất đẹp về tặng sếp. Từ sáng đến trưa, con cá chết mất”. Mua hàng rủi ro thế nhưng mọi người vẫn thích chơi, thích mua hàng ở chợ Hàng.

 

Bạn có thể bắt gặp một hội xóc đĩa hoặc chơi bài ù ở chợ Hàng. Đây là nơi thể hiện đa chiều những xu hướng văn hóa, xã hội.

 

Hoặc nếu đến chợ Hàng, cũng có thể ngồi ăn vặt ở chợ. Đúng theo kiểu đi chợ là ăn quà của một số  phụ nữ xưa kia. Quán ở chợ là những quán lá, ngon, rẻ, nhưng tất nhiên là không  bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng mọi người vẫn ăn. Đó là vì vui.

 

Chợ Hàng đang được quy hoạch và xây dựng lại. Điều đó đồng nghĩa với một chợ Hàng với gương mặt mới. Nhưng đến chợ Hàng, chơi chợ với đầy đủ những nét văn hóa bản địa và văn hóa dân tộc sẽ thu hút hơn. Đó là một tài sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất “có giá” của người Hải Phòng.

 

Đặng Minh

Đọc thêm