Hôm qua (5/12), Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) phối hợp tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh ra đời từ 2004, qua 8 năm từ thực tiễn thi hành đã bộc lộ nhiều vấn đề “lệch pha”. Báo cáo Rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh là cơ sở để chỉnh sửa những bất cập, để luật thực sự “đi” vào cuộc sống - ông Cao Xuân Hiến, Trưởng ban Điều tra các vụ việc hạn chế cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) thông tin.
|
Nhiều quy định tại Luật Cạnh tranh bị cho là không theo kịp thực tiễn. |
Các nội dung chính của Báo cáo Rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh bao gồm việc rà soát các quy định về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; hành vi tập trung kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh; đồng thời đưa ra các kiến nghị sửa đổi, cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Đơn cử, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành gồm: Luật Cạnh tranh, Nghị định 116/2005 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh và Nghị định 120/2005 của Chính phủ về xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Theo đó, doanh nghiệp (DN) có vị trí thống lĩnh có ngưỡng thị phần từ 30% trở lên và tiêu chí đánh giá “có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”; nhóm 2 DN có vị trí thống lĩnh có ngưỡng thị phần từ 50% trở lên; nhóm 3 DN có vị trí thống lĩnh có ngưỡng thị phần từ 65% trở lên; nhóm 4 DN có vị trí thống lĩnh có ngưỡng thị phần từ 75% trở lên.
Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật nói trên, chưa hướng dẫn cụ thể về cách thức đánh giá “khả năng gây hạn chế cạnh tranh” của DN dựa trên những yếu tố nào.
Chính những bất cập trên khiến quá trình giải quyết vụ việc bị “tắc”. Cụ thể, trong năm 2009, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành 8 vụ điều tra tiền tố tụng liên quan đến các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh/độc quyền. Tuy nhiên, đến nay chỉ chuyển được 1 vụ việc thành điều tra chính thức theo quy định của pháp luật cạnh tranh...
Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, chỉ nên coi thị phần chỉ là một trong những dấu hiệu để xem xét DN đó có hành vi thống lĩnh/độc quyền hay không. Bởi lẽ, hành vi thống lĩnh/độc quyền thị trường còn phụ thuộc vào các yếu tố như: rào cản gia nhập và mở rộng sản xuất, rào cản rút lui khỏi thị trường, sức mạnh của người mua, độ co giãn về cầu và khả năng sinh lợi nhuận.
Trong khi đó, tính đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý tới 61 vụ cạnh tranh không lành mạnh, trong đó 28 vụ liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, còn lại là các vụ liên quan đến hành vi bán hàng đa cấp bất chính, hành vi dèm pha, nói xấu DN khác, hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn và hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác..
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, các hành vi liên quan đến quảng cáo, khuyến mại không lành mạnh, mức phạt tiền thấp nhất chỉ 15 triệu đồng, mức cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng. Tại hội thảo, ông Akira Shimizu, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, theo đó “các hành vi vi phạm Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh có thể bị phạt tiền từ 5 tới 10 triệu yên và có thể bị phạt từ 5 tới 10 năm tù, tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi vi phạm”.
Xin lưu ý, Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản áp dụng từ năm 1934, đến nay đã gần 80 năm vậy mà vẫn như mới, trong khi Luật Cạnh tranh của chúng ta, mới có hiệu lực 8 năm mà tưởng chừng như đã cũ.
Mai Hoa