Chọn phương án cho cao tốc “nghìn tỷ” Cần Thơ – Cà Mau

(PLVN) - Chiều 21/9, tại Cần Thơ diễn ra cuộc họp giữa ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, và lãnh đạo 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để cùng nghe báo cáo nghiên cứu đầu kỳ về dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hoàn thành sẽ đáp ứng kết nối liên vùng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải con người và hàng hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trong khu vực ĐBSCL.

Đứng trước những nhu cầu cấp thiết, tại buổi làm việc, Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Giao thông Cửu Long đưa ra 3 dự án tiền khả thi.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, làm việc cùng lãnh đạo 5 tỉnh ĐBSCL.

Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, làm việc cùng lãnh đạo 5 tỉnh ĐBSCL.

Theo đó, phương án tuyến 1 với chiều dài tổng 141km sẽ sử dụng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) thấp nhất, tiết kiệm tài nguyên đất do tận dụng được một phần tuyến giao thông hiện hữu. Phương án này có tổng mức đầu tư thấp nhất gần 50.000 tỷ đồng, kết nối được nhiều trung tâm kinh tế, phù hợp với đại đa số các tỉnh mà cao tốc đi qua. Tuy nhiên, vướng mắc là bị hạn chế vận tốc chỉ đạt khoảng 60km/h.

Phương án tuyến 2 với tổng chiều dài tuyến là 138km. Dự kiến sẽ tiến hành xây dựng một tuyến cao tốc hoàn toàn mới với 4 làn xe, vận tốc đạt 80km/h song song với Quản lộ Phụng Hiệp hiện hữu cách từ 150m – 1.5km. Nhiều ưu điểm là vậy nhưng phương án 2 phải mất tới 900ha diện tích GPMB và tổng mức đầu tư khá cao lên đến trên 60.000 tỷ đồng.

Phương án 2 với tổng mức đầu tư trên 60.000 tỷ đồng.
Phương án 2 với tổng mức đầu tư trên 60.000 tỷ đồng. 

Và cuối cùng là phương án tuyến 3 với tổng chiều dài 124km, 800ha là con số được đặt ra trong công tác GPMB, tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đường cao tốc lại “đơn độc” vì các dự án kinh tế, chính trị và đặc biệt là quốc lộ 1A khó mà kết nối được.

Dựa trên những ưu khuyết điểm đó, đại diện TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang đồng loạt chọn phương án 3 vì nó đáp ứng nhu cầu vận tốc nhanh nhất và thời gian ngắn nhất. Khác với cách nhìn nhận đó, đại diện hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu cùng chọn phương án 2 vì phù hợp với khai thác Cảng Trần Đề và có thể kết nối với tất cả thị xã, TP trong vùng. Duy chỉ có tỉnh Cà Mau là chọn phương án 1…

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại cuộc họp.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại cuộc họp.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: “Việc lựa chọn phương án đầu tư phải theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cần được nghiên cứu thêm. Theo đó, đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, còn đoạn từ Bạc Liêu đến Cà Mau giao cho cơ quan chủ quản là tỉnh Cà Mau thực hiện đầu tư PPP theo quy định pháp luật”.

Đọc thêm