Chẳng ai nhớ bến sông có từ bao giờ và bao nhiêu người đã lâm nạn nơi đây. Chỉ biết, bao năm qua, với chiếc bè tự tạo rộng chừng 3 mét vuông, hằng ngày, hàng trăm cư dân 2 thôn Bản Mặn và Bản Trạo (xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) phải “đánh vật” với sóng dữ để vượt sông Kỳ Cùng đến trường hoặc mưu sinh.
Lên bè, tự chèo chống...
Gần 6 giờ sáng, khi sương còn phủ đặc mặt sông Kỳ Cùng. Bên kia sông- bến Hát Loỏng (thuộc xã Kiên Mộc), hàng đoàn người lớn bé, già trẻ đang nhốn nháo chờ bè về để đến lượt vượt sông. Phương tiện duy nhất để họ vượt sông từ bao năm nay này được dân bản tự chế bằng cách buộc ghép 6 đến 8 đoạn cây luồng lại với nhau tạo thành một chiếc bè rộng chừng 1 mét, dài chừng 3 mét. Phía bên kia bờ, người lạ có thể chỉ nhìn thấy người từ từ qua sông mà không thấy bè vì nó bé và mỏng sát mặt nước.
Hàng ngày các em học sinh phải dậy từ sáng tinh mơ để chèo bè qua sông |
Giữa tiết trời lạnh căm căm của miền núi Tây Bắc mùa đông, bè về, hàng trăm những đứa trẻ với những đôi chân trần đang lội dưới làn nước lạnh ngắt nhốn nháo tranh nhau trèo lên. Chiếc bè bập bềnh như mai rùa đang chở hàng chục em học sinh mà ngoặm nước rẽ sóng tiến dần ra giữa dòng. Theo thói quen, mỗi khi bè di chuyển, hai em học sinh ngồi giữ hai bên để bè được thăng bằng.
Vừa dõi theo sự nguy hiểm của đám học sinh đang qua sông, tôi vừa tò mò hỏi chuyện, chị Nông Thị Công (thôn Bản Mặn) bảo: “Ngày nào ở đây cũng thế thôi. Nhiều người qua sông bằng bè này lắm. Không biết rõ bao nhiêu đâu. Cả mấy làng cơ đấy. Trẻ con sang trường, người lớn đi chợ, đi làm nữa. Ai cũng biết tự chống bè qua sông mà. Nước to sợ lắm, nhưng không có đường khác đâu”.
Theo lời kể của dân bản, trẻ con nơi đây lớn lên muốn học được chữ trước hết phải học chống bè qua sông. Anh Nông văn Pù (thôn bản Trạo) khoe: “Ai cũng thế, từ bé tôi đã tự chống bè qua sông này rồi mà”. Và, cứ thế, năm này qua năm khác, mỗi ngày có mấy chục chuyến bè qua sông. Mỗi chuyến thường có gần chục người đứng chông chênh, nước ngập đến mắt cá chân. Bằng kinh nghiệm bảo nhau, mỗi khi lên bè, ai nấy đều luôn phải giữ tư thế nghiêm như đứng tấn khi học võ để cho chiếc bè khỏi nghiêng về một bên. Nhìn những em học sinh đang oằn mình chống cây sào dài gần chục mét để đẩy bè trôi dần về phía bến xa bên kia mà chúng tôi không khỏi rùng mình.
Muốn học được chữ trước hết phải học chống bè qua sông. |
“Sợ lắm, nhưng vẫn phải đi chứ...”
Đó là cảm giác chung của những cư dân bản địa phải bám bè để qua sông. Xã Kiên Mộc thuộc diện khu vực 135 vùng sâu, vùng xa với hơn 1.000 nhân khẩu đa số là người dân tộc thiểu số. Cả xã có 13 thôn bản, trong đó có 4 thôn là đồng bào dân tộc Dao, đời sống còn nhiều hủ tục lạc hậu. Hơn 50% gia đình thuộc diện hộ nghèo, với 99% dân số là người dân tộc thiểu số như Dao, Sán Chỉ, Nùng, Tày. Riêng hai thôn bản Mặn và bản Trạo có gần 200 nhân khẩu và sống cách biệt với bên ngoài bởi dòng sông Kỳ Cùng. Sông này bắt nguồn từ vùng núi xã Bắc Xa chảy qua địa bàn xã Kiên Mộc rồi đổ về Trung Quốc. Đây là con sông duy nhất chảy qua địa bàn xã, và khúc sông để chống bè này sâu đến 8mét nước, rộng gần 80mét, quanh năm nước chảy xiết.
Đặc biệt là vào mùa mưa thường xảy ra lũ dữ dâng cao có thể cướp đi sinh mạng của những người qua sông nơi đây bất cứ lúc nào. Mỗi khi ra khỏi làng, hàng trăm đồng bào của hai thôn này chỉ có đường duy nhất là chống bè qua sông. Tất nhiên, người ngoài muốn vào cũng phải chờ có bè đi ké, nếu không biết tự chống.
Nhiều hôm có những ca ốm nặng, hay việc khẩn cấp cũng phải lục đục chờ bè sang mới có thể “vượt” sông. Song, bè thô sơ tạm bợ là vậy, hai bên bến sông lại cách xa nơi dân cư ở đến vài km. Bến Hát Loỏng này không biển báo, không người trông giữ bè, đường bùn đất nhầy nhụa quanh năm. Chị Công cho biết thêm: “mỗi khi nước sông to quá, bè không qua được người dân muốn qua sông thì phải bơi, còn học sinh thì đành phải nghỉ học”.
Em Nông thị Mai học sinh lớp 7A Trường trung học cơ sở xã Kiên Mộc tâm sự: “hàng ngày em phải dậy từ 5 giờ sáng để đi học, vì em phải đi 7 cây số mới đến được trường, có nhiều hôm đi sớm nhưng vẫn bị muộn học vì phải đợi bè qua sông, cả hai thôn chỉ có hai chiếc bè mà mỗi lần chở chỉ được vài người, mùa hè còn đỡ chứ mùa đông thì lội nước lạnh lắm không đi giầy được”.
<IMG height=315 alt='"Biết là nguy hiểm nhưng không qua sông thì không còn con đường nào khác" src="/dataimages/201011/original/images576259_g3.jpg" width=420 > |
"Biết là nguy hiểm nhưng không qua sông thì không còn con đường nào khác" |
Anh Nông Văn Ban có con đang học lớp 3 ở trường tiểu học xã Kiên Mộc tâm sự: “Hôm nào có lũ hay nước to quá, nó bé không bơi được qua sông thì bố lại phải đi học hộ thôi”.
Theo ông Nông Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã Kiên Mộc: “Biết là không có cầu thì người dân hai thôn Bản Trạo và Bản Mặn khổ lắm, nhưng do đời sống của bà con nơi đây còn quá khó khăn, chúng tôi chỉ còn biết huy động người dân nơi đây góp luồng làm bè, nhưng năm nào cũng vậy, làm xong không ai quản lý bè buộc ở bến ai muốn qua sông thì lấy mà bơi, mùa lũ đến bè lại bị lũ quấn trôi mất, thương nhất là các cháu học sinh mỗi khi bè trôi mất có lần phải nghỉ học cả tuần. Năm nào cũng có người bỏ mạng trên khúc sông này, biết là nguy hiểm nhưng không qua sông thì không còn con đường nào khác vì đây là con đường duy nhất để người dân giao lưu với bên ngoài”.
Rời bến hát Lỏong khi trời đã gần về trưa thấy những người dân phải đi trên những chuyến bè bấp bênh như đang đùa với chính số phận của mình mà chúng tôi không khỏi lo âu, không biết rồi đây người dân nơi đây sẽ còn chịu cảnh qua sông như vậy đến bao giờ và sẽ còn bao nhiêu người phải bỏ mạng sống của mình trên khúc sông này?.
Theo GDTĐ