Một sự kiện đặc biệt vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Wadia –ngôi làng nổi tiếng về tệ mại dâm ở phía Bắc bang Gujarat của Ấn Độ. Hầu hết người dân trong làng đã tham dự đám cưới tập thể được tổ chức để những cô gái trẻ “danh chính ngôn thuận” trở thành gái đã có chồng và không bị đẩy vào con đường bán thân mua vui khi đến tuổi.
|
Các cặp tân lang, tân nương trong lễ cưới. Ảnh: AP |
Nổi tiếng với tên gọi “làng mại dâm”, Wadia là một ngôi làng nhỏ ở Tharad, thuộc huyện Banaskantha, phía Bắc Gujarat. “Mại dâm là hoạt động “kinh doanh” truyền thống của cộng đồng người Saraniya ở làng Wadia. Họ cho đó là chuyện bình thường và không nghĩ là mình đang làm gì sai” – một nhân viên phúc lợi huyện Banaskantha cho hay.
Trước khi di cư đến Gujarat, đàn ông trong bộ lạc khoảng 50.000 người này kiếm sống chủ yếu bằng nghề rèn các dụng cụ phục vụ chiến tranh. Nhưng sau khi đến làng Wadia, những người đàn ông chỉ ở nhà để cho những người phụ nữ ra ngoài tìm sinh kế bằng việc ca hát, nhảy múa và cả bán dâm giải khuây cho nam giới trong vùng.
Tuy nhiên, cuộc sống của người dân làng Wadia đang được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn. Những cô gái trẻ ở Wadia đang từng bước phá vỡ truyền thống “kinh doanh” của làng và hướng đến một cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ khác: kết hôn và chăm sóc gia đình, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ.
“Bằng việc cưới chồng và đính hôn, các cô gái sẽ bỏ được tục lệ tiêu cực này. Khi một cô gái đã cưới hoặc đính hôn thì sẽ không dính dáng đến mại dâm nữa” – một quan chức địa phương nói về mục đích tổ chức lễ cưới tập thể trên.
Trong buổi lễ đặc biệt diễn ra ngày 11/3 vừa qua, 8 cô gái đã kết hôn và 12 người tổ chức lễ đính hôn. Ngoài ra, cha mẹ của ít nhất 10 cô gái đã đến tuổi lập gia đình cũng đã hứa sẽ cho con gái họ lấy chồng trong vòng 6 tháng tới. “Trước những phản ứng đáng khích lệ này, chúng tôi đang dự định sẽ tổ chức thêm một đám cưới tập thể nữa trong vòng vài tháng tới” – bà Mittal Patel – người điều phối Vicharti Samudaya Samarpan Manch, một tổ chức tình nguyện hoạt động vì phúc lợi của các bộ lạc du mục nói.
Để tổ chức được đám cưới đặc biệt này, Manch đã phải làm việc hết sức vất vả. Khi tổ chức này bắt đầu lên kế hoạch cho đám cưới, 12 cô gái đã đồng ý tham gia vào buổi lễ nhưng 3 người trong số này sau đó tỏ thái độ chần chừ và mtooj người đã hoãn đám cưới vì chú rể bận đi thi.
“Chú rể Chandra là người đầu tiên trong cộng đồng Saraniya và trong làng Wadia học đến lớp 12. Chúng tôi không muốn làm ảnh hưởng đến kỳ thi quan trọng của cậu nên đã quyết định hoãn đám cưới này cho đến khi Chandra thi xong” – bà Patel kể lại.
Tiếp đó, họ còn phải đối mặt với sự phản kháng dữ dội từ những tay “ma cô” trong làng Wadia và các vùng lân cận vì sợ sẽ mất đi một nguồn thu lớn. “Tuy nhiên, thái độ phản kháng đó đã dần lắng xuống và trái với sự lo lắng của chúng tôi, tình hình dần yên bình và hầu hết người dân trong làng đều đến dự lễ cưới” – bà Patel cho biết thêm.
Nhà chức trách bang Gujarat cũng đã đến thăm ngôi làng trong khi các nhà hoạt động xã hội tài trợ 11.500 bảng Anh cho lễ cưới tập thể. Giới chức địa phương cũng đã hứa sẽ triển khai nhiều biện pháp nữa, trong đó có việc dạy nghề và tạo cơ hội việc làm cho các cô gái ở làng Wadia, giúp các cô không bị cuốn vào vòng xoáy mại dâm.
Hơn chục cô gái đã được tổ chức lễ đính hôn hôm 11/3 đều mới từ 12 đến 17 tuổi. Vì họ chưa đủ tuổi kết hôn nên các cuộc hôn nhân này đều chỉ mang tính chất hình thức. “Chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này nên đã tổ chức lễ đính hôn để đảm bảo rằng tương lai cho các em” - bà Patel nói.
Thêm một điều đáng khích lệ nữa khi cha mẹ của 10 bé gái khác cũng đã cam kết sẽ cho con gái lấy chồng thay vì ép các em bán thân để nuôi sống gia đình.
“Đây là điều phấn khởi nhất, ít nhất mọi người cũng đã bắt đầu nhận ra được tầm quan trọng của việc phá truyền thống tiêu cực tồn tại bấy lâu nay và hướng đến một cuộc sống bình thường. Nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng” – bà Patel tỏ vẻ hài lòng.
Hà Dung (Theo The Hindu, DM)