Chống rò rỉ nước bằng điện thoại thông minh

(PLO) - 3 chàng sinh viên Kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp của Đại học Bách khoa TP HCM đã tìm ra giải pháp chống thất thoát, rò rỉ nước - một nguồn tài nguyên quý giá đang có nguy cơ cạn kiệt.  
Nhóm bạn sinh viên nhận Giải thưởng Sáng kiến về nước.
Nhóm bạn sinh viên nhận Giải thưởng Sáng kiến về nước.

Ý tưởng sáng tạo của các sinh viên bắt nguồn từ việc muốn khắc phục tình trạng rò rỉ nước ở TP HCM, khi có thông tin TP HCM có tỷ lệ thất thoát nước lên tới 30,66% (2015), trong khi các thành phố khác trên thế giới tỉ lệ này lại khá thấp như Tokyo 2,3-3%, Singapore 4,4-4,6%, Sydney 10-12%... 

Mong muốn cộng đồng có trách nhiệm hơn...

Và sáng kiến chống rò rỉ nước bằng điện thoại thông minh ra đời. Anh Võ Phi Long đại diện nhóm cho biết, người sử dụng chỉ cần mở ứng dụng (đã có sự hỗ trợ của định vị GPS) trên điện thoại di động của mình, báo cho ban quản lý tòa nhà biết vị trí nơi mình phát hiện để kịp thời sửa chữa đường ống bằng một cú chạm màn hình điện thoại.

Chính tính phổ cập rộng rãi từ chiếc điện thoại là điểm cộng hoàn hảo khiến cho ý tưởng này đạt được giải thưởng trong cuộc thi Sáng kiến thông minh về nước, do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Tiến sỹ Phil Graham, chuyên gia quốc tế về khí hậu và nước, thành viên Ban giám khảo cuộc thi nhận định: “Đây là một ý tưởng đơn giản nhưng có tính nhân rộng cao từ một ứng dụng trên điện thoại di động. Sáng kiến có sự đầu tư về chất xám và sự sáng tạo lớn bởi các bạn trẻ Việt Nam”.

Anh Trịnh Quốc Anh (một thành viên nhóm) chia sẻ: “Ứng dụng này sẽ cho phép người dùng có thể chủ động cung cấp thông tin về khu vực đường ống bị rò rỉ để kịp thời sửa chữa, ngăn chặn việc thất thoát nước. Điều khó nhất khi bắt tay vào xây dựng ứng dụng đó là xác định được chính xác vị trí đường ống bị rò rỉ. Ứng dụng đòi hỏi cần có bản đồ đường ống nước rõ ràng nhằm tránh được các thông tin gây nhiễu”. 

Trước câu hỏi về việc có thể sẽ có hiện tượng “báo giả” như vẫn xảy ra trong các cuộc gọi về phòng cháy, chữa cháy, báo người tai nạn, anhQuốc Anh khẳng định: “Ứng dụng này càng chính xác khi số lượng người sử dụng càng nhiều. Tại một vị trí rò rỉ, nếu có nhiều cảnh báo được báo đến sẽ được ưu tiên xử lý trước. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi chúng em xây dựng ý tưởng này là muốn xây dựng lối sống có trách nhiệm, cùng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Việt Nam”.  

Có thể sẽ... “đầu tư mạo hiểm”

Trịnh Quốc Anh thay mặt nhóm cho biết, ban đầu các bạn đã rất phân vân khi chọn lĩnh vực mà mình sẽ quan tâm như quản lý nước tưới tiêu, làm sạch nguồn nước,... Nhưng sau đó, nhóm quyết định sử dụng kiến thức mình đã biết về kỹ thuật để giải quyết vấn đề gần gũi nhất, và cũng rất bức bối hiện nay, là quản lý rò rỉ nước. Ý tưởng ban đầu rất đơn giản nhưng cũng được phát triển dần lên để giúp tăng cường tính hiệu quả. 

Vấn đề mà nhóm lo lắng nhất là tính chính xác của hệ thống khi sử dụng GPS, vì thế các bạn đã sử dụng chính các thiết bị điện tử mình có để thực hiện các khảo sát và cho rằng sử dụng cách thức này khá ổn và quan trọng là nếu được áp dụng,  triển khai rộng rãi, sáng kiến đơn giản, không tốn kém này sẽ góp phần hạn chế lượng nước lớn bị rò rỉ trong quá trình phân phối nước.

Trong quá trình thực hiện khảo sát và lên ý tưởng, cả 3 bạn đều phải tranh thủ mọi thời gian có thể bởi vừa phải thực hiện đề tài vừa tham gia học tập trên lớp, tham gia các hoạt động của nhà trường. Cả 3 bạn cũng không ai có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nước. Do đó, các bạn đã quyết định tìm cách tiếp cận vấn đề theo góc nhìn của các kỹ sư điện tử, đó là sử dụng kiến thức đã học và biết để giải quyết các rò rỉ nước của hệ thống. 

Nhóm đưa ra ý tưởng xây dựng một ứng dụng điện thoại di động giúp tìm các rò rỉ nước ở vòi. Cụ thể, khi phát hiện một lỗi rò rỉ nước, người sử dụng sẽ truy cập vào ứng dụng, tự xác định vị trí đang đứng, nhập số tầng và gửi. Thông tin sẽ được gửi về ban quản lý toà nhà để kịp thời sửa chữa. Ngoài ra còn có các vấn đề về kỹ thuật như việc tối giản quy trình thông báo rò rỉ, nhóm đã đề xuất sử dụng GPS để xác định vị trí.

Quốc Anh cho biết, việc xây dựng một ứng dụng như thế này không tốn quá nhiều chi phí bởi chỉ cần công sức lập trình và sự đóng góp thông tin do chính người sử dụng gửi về. Do đó, các bạn sinh viên cũng hy vọng, nếu có điều kiện và thời gian, các bạn sẽ quyết định tập trung phát triển sản phẩm và “có thể áp dụng ngay cho trường đại học của mình”. 

Trong quá trình đó nhóm sẽ cố gắng khắc phục các lỗi có thể gặp và nâng cấp để ứng dụng có thể hiệu quả hơn trong việc quản lý hệ thống nước, sau đó có thể đi tới quyết định... đầu tư mạo hiểm.  “Nhưng chắc chắn sẽ phải xin nguồn vốn rồi. Chúng tôi sẽ tìm hiểu về các quỹ đầu tư mạo hiểm và tiếp cận. Chắc họ cũng sẽ chào đón thôi vì môi trường luôn là vấn đề toàn cầu mà” - Quốc Anh khẳng định.

Nhóm đạt giải Sáng kiến về nước năm nay gồm 3 bạn là sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM, chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp. Đó là Trịnh Quốc Anh đã từng đạt giải nhì Toán Olympic sinh viên, học bổng Amcham (của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ) 2015; Võ Phi Long đã từng đạt giải Nhất giải High Distinction 2012 - một cuộc thi hoá học Hoàng gia Úc; Nguyễn Trần Quang Khải: học bổng Sunflower Mission dành cho sinh viên kỹ thuật 2015.

Đọc thêm