Chủ các hãng xe lắc đầu trước thuế, phí ô tô Việt Nam

Mang ra "trình làng" những sản phẩm “con cưng” tại Triển lãm ô tô Việt Nam lần thứ 8 - Việt Nam Motor show 2012 - đang diễn ra tại Hà Nội, nhưng tổng giám đốc các hãng xe, cả nội cả ngoại, đều lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến chính sách thuế, phí đối với ô tô tại Việt Nam.

Mang ra "trình làng" những sản phẩm “con cưng” tại Triển lãm ô tô Việt Nam lần thứ 8 - Việt Nam Motor show 2012 - đang diễn ra tại Hà Nội, nhưng tổng giám đốc các hãng xe, cả nội cả ngoại, đều lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến chính sách thuế, phí đối với ô tô tại Việt Nam.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mercedes- Benz Việt Nam không thể hiểu nổi thuế, phí ô tô tại Việt Nam

Thiếu ổn định và minh bạch

Phát biểu tại hội  thảo “Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển ngành công nghiệp ô tô và thị trường ô tô Việt Nam”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mercedes- Benz Việt Nam, ông Michael Behrens dẫn ra các loại thuế, phí đánh vào ô tô từ năm 2003 đến nay và cho biết ông không thể hiểu nổi tại sao lại có những loại thuế, phí đó. Theo ông Michael Behrens, chính sách thuế, phí đối với ô tô của Việt Nam thiếu sự minh bạch và ổn định – điều tối kỵ để phát triển một ngành công nghiệp ô tô.

Ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Cty CP Liên Á, nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam dẫn ra một vị dụ về việc thực thi chính sách thuế rất kỳ lạ ở Việt Nam. Đó là ở TP.HCM, DN đăng ký giá xe tính lệ phí trước bạ là 100 đồng chẳng hạn nhưng bán thấp hơn giá đăng ký  thì bị phạt đã đành, nhưng nếu DN bán cao hơn, 110 đồng chẳng hạn (do trang bị thêm phụ kiện đi kèm), giá bán cao hơn có nghĩa đóng lệ phí trước bạ cao hơn, nhưng cán bộ thuế nhất định không cho đóng?.

Việc quy định phí trước bạ ở Hà Nội và TP.HCM cao hơn các địa phương khác cũng dẫn đến tình trạng người dân lách thuế bằng cách nhờ người đăng ký ở các địa phương khác và xe vẫn lưu hành ở các thành phố lớn, nhà nước vừa thất thu thuế và không quản lý được .

“Chính sách thuế thay đổi liên tục tạo điều kiện cho lối làm ăn chụp giựt chứ làm ăn bài bản rất khó!”-  ông Trung phát biểu. Theo DN này, chính sách thuế cần nhất là sự ổn định song  quan trong không kém là thông tư hướng dẫn phải cụ thể tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi khác…

Đắt đỏ nhất thế giới

Ông Nguyễn Khánh Toàn - Phó tổng thư ký Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam liệt kê một loạt thuế và phí đổ lên mẫu đầu xe ô tô lưu hành ở Việt Nam  (thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT, thuế TNDN, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, phí bảo hiểm, phí xăng dầu, phí trong giữ xe…) và cho rằng điều này đã làm cho giá xe ô tô ở Việt Nam cao gấp 2 đến 3 lần, thậm chí là 4 lần các nước trong khu vực. Năng lực vận tải giảm sút vì giá đầu vào tăng lên nhưng giá cước tăng không nhiều…

 "Dựa vào yếu tố thuế, Việt Nam là một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới nếu bạn muốn sở hữu một chiếc xe hơi và đồng thời cũng là một trong những nước kém nhất về sức mua theo đầu người. Cho dù có những cam kết với WTO, về việc giảm dần thuế nhập khẩu, và toàn bộ các loại thuế, trên thực tế, thuế phí tăng dần theo năm"- ông Andreas Klingler, Tổng  giám đốc Porsche Việt Nam nhận xét.

Lỗi tại Bộ tài chính?

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki tỏ ra mệt mỏi với chính sách thuế đối với ô tô. “Triển lâm ô tô nào cũng cho hội thảo về ô tô. Nhiều triển lãm về ô tô rồi, nhưng chính sách thuế với ô tô của Việt Nam ngày càng bất ổn. Tôi không dám nói là bảo thủ nhưng đúng là như vậy…”- ông Huyên phát biểu.

Theo tổng giám đốc của hãng xe “made in Vietnam” này thì bất hợp lý của chính sách thuế, phí là dù xe động  cơ lớn hay nhỏ, nội địa hóa nhiều hay ít đều đồng loạt một mức thuế, phí như nhau.

Chủ trì hội thảo,  nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam - ông Đỗ Hữu Hào cho biết, trước đây khi các DN ô tô đầu tư vào Việt Nam đều có cam kết đến năm nào thì tăng tỷ lệ nội địa hóa lên bao nhiêu, tuy nhiên khi Việt Nam hội nhập ASEAN, WTO thì những cam kết đó không còn giá trị vì nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các DN.

“Chính sách thuế, phí đã không theo kịp cuộc sống hội nhập. Cái này là lỗi của Bộ Tài chính. Đáng ra để khuyến khích nội địa hóa thì chính sách thuế làm sao để nội địa hóa tăng thì thuế phải giảm… Rất đơn giản, có nhiều cái có thể làm nhưng đã không làm…”, ông Hảo quả quyết.

“Theo lộ trình đến năm 2018 Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết ASEAN, như vậy tính ra chỉ còn 6 năm nữa, thời gian không còn nhiều, nhưng chính sách ổn định trong 6 năm này thì cũng đã tốt cho DN lắm rồi…”, Tổng giám đốc Vinaxuki kỳ vọng.

Thanh Lan

Đọc thêm