Chủ quyền quốc gia thực thi tốt hơn trong hội nhập quốc tế

 Phải qua lịch sử dài đấu tranh giành chủ quyền quốc gia nên với Việt Nam, chủ quyền quốc gia là luôn là “vấn đề cốt lõi”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, chủ quyền quốc gia càng trở thành vấn đề nóng bỏng, cần được thảo luận để hiểu rõ hơn, nhằm xác định cách xử sự đúng và tìm cơ chế mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đó là mục đích của cuộc hội thảo khoa học do trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hôm qua.

Phải qua một lịch sử dài đấu tranh giành chủ quyền quốc gia nên đối với Việt Nam, chủ quyền quốc gia là luôn là “vấn đề cốt lõi”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, chủ quyền quốc gia càng trở thành vấn đề nóng bỏng, cần được thảo luận để hiểu rõ hơn, nhằm xác định cách xử sự đúng và tìm cơ chế mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đó là mục đích của cuộc hội thảo khoa học do trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hôm qua.

PGS.TS.Hoàng Thế Liên (Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp) cho rằng, với yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, chủ quyền quốc gia hiểu theo nghĩa chủ quan cũ thì rất khó để hội nhập. Nêu ra ví dụ về những “dùng dằng, chưa dứt điểm” trong mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và quốc gia trong công tác xây dựng văn bản, PGS.TS.Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, nếu không xử lý được những vấn đề như vậy thì rất khó xử lý những vấn đề khác nảy sinh trong thời kỳ hội nhập.

Xuất phát từ những nghiên cứu lý luận, TS.Hoàng Phước Hiệp (Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp) chỉ ra những quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền quốc gia trong thời kỳ hội nhập, trong đó có quan điểm cho rằng, hội nhập quốc tế có thể làm “xói mòn” chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, chủ quyền quốc gia không bị “bào mòn” khi tham gia hội nhập quốc tế, mà thực tế là sự chia sẻ, nhất là khi quốc gia trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế.

Hội nhập quốc tế là tất yếu, không thể đảo ngược và “góp phần để thực hiện chủ quyền quốc gia tốt hơn, hiệu quả hơn”. Do đó, nếu không tham gia vào hội nhập, quốc gia sẽ bị lệ thuộc vào các nước có tiềm lực chính trị, kinh tế mạnh hơn. Ngược lại, tham gia hội nhập, chủ quyền quốc gia được thực thi tốt hơn, đưa vào thực tiễn đầy đủ hơn. “Vấn đề là các quốc gia có tích cực, chủ động tham gia hội nhập hay không” – ông Hiệp nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Nguyễn Trung Tín quan niệm “hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, trong tương lai, thế giới sẽ là ngôi nhà chung, thậm chí là quốc gia liên bang hay đơn nhất”. Cùng với xu hướng đó, pháp luật quốc gia sẽ “nhường chỗ” cho pháp luật quốc tế để các nước cùng “chung sức” giải quyết những vấn đề quốc tế và của từng quốc gia như nhân quyền, bảo vệ môi trường, những hiểm họa của thế giới, khủng bố… Như vậy, càng hội nhập, chủ quyền quốc gia càng được mở rộng.

“Mặc dù chủ quyền quốc gia về hình thức có thể “bị thu hẹp, bị thay đổi” trong tình hình mới nhưng nếu xét dưới góc độ, chủ quyền quốc gia không phải là mục đích, mà chỉ là phương thức để thực hiện thì không có gì đáng lo ngại. Bởi, quyền con người mới là vĩnh cửu, là đích vươn tới của các quốc gia trên con đường phát triển.” – PGS.TS.Tín bày tỏ quan điểm.

Tán thành quan điểm này, PGS.TS.Nguyễn Như Phát (Viện trưởng Viện NN&PL)  cũng cho rằng, các quốc gia phải trao một phần chủ quyền cho các tổ chức quốc tế để giải quyết những vấn đề quốc tế. Đồng thời thông qua đó, các quốc gia thực hiện được chủ quyền của mình đối với cộng đồng. Điều cần làm là phải xác định một nội hàm khác về chủ quyền quốc gia cho phù hợp với bối cảnh “tiến tới thế giới đại đồng” như lời C.Mác.

PGS.TS.Đinh Ngọc Vượng (Phó Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) lại nhấn mạnh đến “thuyết biên giới “mềm”. Theo đó, chủ quyền lãnh thổ về đất đai được giữ vững, nhưng quan trọng là phải quan tâm cả đến chủ quyền quốc gia theo nghĩa thị trường, cơ sở vật chất… và trong từng trường hợp, mối quan hệ cụ thế để đánh giá chủ quyền quốc gia hay quyền con người quan trọng hơn. Nếu cứ theo quan điểm “cứng” về chủ quyền quốc gia sẽ khiến không thể xem xét, hiểu các biến động của thế giới hiện nay.

Huy Anh

Đọc thêm