Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc cũng chính là người đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng ở nước ta. Người đã xây dựng nên hệ thống quan điểm, đường lối, nguyên tắc giáo dục vừa tiên tiến, vừa kế thừa được những tinh hoa của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc cũng chính là người đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng ở nước ta. Người đã xây dựng nên hệ thống quan điểm, đường lối, nguyên tắc giáo dục vừa tiên tiến, vừa kế thừa được những tinh hoa của dân tộc.

Ngay từ những năm học ở Huế, Nguyễn Tất Thành (tên của Bác Hồ thời trẻ) đã chú tâm tìm hiểu thực chất của chính sách giáo dục thực dân trên đất nước ta. Người dần hiểu ra sự thật đằng sau những mỹ từ "tự do", "bình đẳng", "bác ái" là ách đô hộ hà khắc, là sự tuyên truyền lừa bịp, là chính sách làm cho dân ngu để dễ bóc lột...

Khi đã hiểu tường tận bản chất thâm độc của "Mẫu quốc Đại Pháp", Nguyễn Tất Thành bắt đầu nung nấu ý chí đánh đổ ngoại bang, giành lại cơ đồ. Mở đầu cho hoạt động cứu nước, Người tham gia cuộc đấu tranh chống thuế của đồng bào Thừa Thiên và tiếp đến là việc dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thông qua dạy chữ, thầy Thành đã giáo dục cho học sinh lòng yêu nước thương dân và tuy chỉ dạy ở đây một thời gian ngắn (từ tháng 9-1910 đến tháng 2-1911) nhưng thầy đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhiều học sinh Trường Dục Thanh khi đã cao tuổi vẫn còn nhắc lại tấm lòng thương yêu học trò và những điều thầy Thành giảng dạy. Từ ngôi trường ấy, thầy Thành đã đặt những "tảng đá" cho nền móng sự nghiệp giáo dục cách mạng của nước ta. Đó là việc kết hợp dạy kiến thức với giáo dục đức hạnh và bồi dưỡng tư duy, là phương pháp dạy học vừa sức, dễ hiểu, là sự liên hệ kiến thức đang học với thực tế, kết hợp dạy trong trường và tiến hành các hoạt động ngoại khoá...

Khi đã trở thành một vị lãnh tụ, Bác Hồ dành nhiều thời gian giảng dạy, nói chuyện ở các lớp huấn luyện quân sự, chính trị, dạy chữ cho một số cán bộ và hết sức chú trọng đến công tác giáo dục. Sau Cách mạng Tháng Tám, tình hình đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài cấu kết nhau ráo riết chống phá Nhà nước cộng hoà non trẻ và Chủ tịch Hồ Chí Minh bận trăm công nghìn việc để chèo lái vận mệnh sơn hà. Ấy vậy mà, Bác vẫn luôn quan tâm chăm lo sự nghiệp trồng người. Người đã nhiều lần đến thăm các trường học và các lớp bình dân, viết nhiều thư gửi cho cán bộ, giáo viên, sinh viên và học sinh. Công tác giáo dục được Bác xem là một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trong nhiều bài viết khi còn hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt trong "Bản án chế độ thực dân Pháp", Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo mạnh mẽ chính sách ngu dân của thực dân Pháp với những lời lẽ đanh thép "đó là chính sách mà nhà cầm quyền ở các thuộc địa ưa dùng nhất". Trong bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi đến Hội nghị Véc-xây năm 1919, Người yêu cầu: "Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ".

Vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Bình dân học vụ để xoá mù chữ cho nhân dân, mặc dù hồi ấy nước nhà đang trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Ngay trong buổi họp Hội đồng Chính phủ đầu tiên, ngày 3-9-1945, Người đã đặt nhiệm vụ chống nạn mù chữ lên vị trí thứ hai trong 6 nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Người cũng luôn đặt công tác giáo dục lên hàng đầu, bởi theo Người "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Đó cũng chính là quan điểm để sau này Đảng ta xác định: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: Mục đích giáo dục là phải đào tạo cho được những con người đủ đức độ, tài năng để đưa dân tộc "bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu...". Đặc biệt, khi viết bản Di chúc lịch sử cách đây tròn 40 năm, Người đã khẳng định: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Bác đã xác định rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục và cũng từ quan điểm ấy mà ngày nay chúng ta đang nỗ lực phấn đấu: "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài"...

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra nhiều vấn đề về nguyên lý, nguyên tắc và phương pháp giáo dục như học đi đôi với hành, giáo dục phục vụ nhiệm vụ chính trị, liên hệ kiến thức đang học với thực tiễn cuộc sống... Những vấn đề đó thể hiện một khoa học giáo dục và đóng góp to lớn vào việc xây dựng một nền giáo dục tiên tiến. Sự cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng, phát triển nền giáo dục cách mạng nước ta thể hiện sâu sắc tấm lòng và nguyện ước thiết tha của Người: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"./.

Thanh Thi

Đọc thêm