Chủ tịch Toyota nói gì tại phiên điều trần?

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 24/2, chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã xin lỗi khách hàng vì những sự cố

Ngày 24/2, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về vấn đề an toàn xe hơi, Chủ tịch Toyota, Akio Toyoda đã xin lỗi khách hàng và khẳng định sẽ “chịu hoàn toàn trách nhiệm” với những sự cố đáng tiếc đã làm 39 người Mỹ thiệt mạng.

“Bản thân tôi cũng như tất cả mọi thành viên của Toyota, không ai hoàn hảo cả. Hơn bất cứ người nào khác, tôi luôn mong muốn khách hàng của mình được an toàn. Tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra”, ông Toyoda nói.

Đến phiên điều trần, ông Toyoda được ít nhất 20 thành viên chủ chốt của Toyota bao gồm các luật sư, những người vận động hành lang hộ tống. Đây chính là những trợ thủ đắc lực của Toyoda, luôn làm việc không ngừng nghỉ để tìm ra hướng giải quyết triệt để mọi sai sót, kết thúc cơn ác mộng thu hồi đã làm điêu đứng hãng xe hàng đầu thế giới này trong mấy tháng qua.

Khi được Chủ tịch Ủy Ban giám sát và cải tổ chính phủ Edolphus Towns đặt câu hỏi, liệu Toyota có tìm ra cách khắc phục hệ thống phanh cho hầu hết những mẫu xe hãng này đang sản xuất hay đang vận hành trên đường không thì ông Toyoda và các trợ thủ của ông đều không đưa ra được câu trả lời thích đáng.

Tại đây, ông Toyoda và Yoshimi Inaba, chủ tịch kiêm CEO của Toyota tại Mỹ còn bị chất vấn về một bản báo cáo nội bộ mà hãng này đã nộp cho Ủy ban giám sát quốc hội và cải tổ chính phủ Mỹ vài ngày trước. Bản báo cáo này mang tên “chiến thắng của Toyota” do ông Yoshimi Inaba soạn thảo và phát hành vào ngày 6/7 năm ngoái. Nội dung chủ yếu của nó là chỉ ra các mánh khóe mà hãng đã dùng để trì hoãn các quy tắc an toàn, tránh né điều tra từ phía chính phủ, hạn chế các hoạt động thu hồi và sửa chữa những chiếc xe dính lỗi tăng tốc đột ngột, tiết kiệm cho tập đoàn 100 triệu USD.

Ông Akio Toyoda, chủ tịch Toyota (giữa) tại phiên điều trần ngày 24/2


Có lẽ Toyota không thể nào ngờ được, đây sẽ là bằng chứng thép chống lại hãng trong những ngày sắp tới. Sự xuất hiện của nó một lần nữa lại gây thêm tai tiếng cho Toyota, đồng thời tăng thêm mối nghi ngờ từ phía Ủy ban điều tra.

“Tại sao Toyota lại có thể soạn ra những loại tài liệu như thế này?”, Hạ nghị sĩ John Mica đưa xấp tài liệu lên trước mặt ông Toyoda nói. “Đây là một trong những báo cáo khôi hài nhất mà tôi từng được đọc”.

Đáp lại mọi thắc mắc và nghi vấn, ông Toyoda vẫn kiên trì với khẳng định: “Ưu tiên số một của chúng tôi là sự an toàn của khách hàng và việc mọi người kết luận sự việc chỉ dựa vào một bản báo cáo nội bộ là sai lầm. Với cương vị của tôi, tôi hứa sẽ làm hết sức mình để đảm bảo những sai sót này không bao giờ lặp lại nữa”.

Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu Toyota có hỗ trợ tiền thuốc men và mai táng cho những người bị thương hay chết trong các vụ tai nạn xe cộ do điều khiển những chiếc xe của hãng không, phía Toyota lảng tránh trả lời.

Sự cố kĩ thuật chân ga chưa phải là lý do chính gây tai nạn?

Tính đến thời điểm này, Toyota đã thu hồi gần 9 triệu chiếc xe trên toàn thế giới sau một loạt khiếu kiện của khách hàng liên quan đến các vụ tai nạn giao thông làm 30 người Mỹ thiệt mạng.

Liệu những vụ tai nạn xảy ra có phải do lỗi kẹt dính bàn đạp chân ga như Toyota đã khẳng định và đưa tin? Nhiều người cho rằng nó còn do nhiều nguyên nhân khác nữa.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn về các vấn đề an toàn sản phẩm cho khách hàng Safety Research & Strategies thì kể từ năm 1999, đã có hơn 2.260 vụ va chạm liên quan đến tình trạng xe Toyota tăng tốc ngoài ý muốn. Ông Kane, chủ tịch công ty này cho rằng, có thể phần mềm điều khiển điện của xe bị lỗi và đưa ra những trường hợp rõ ràng không thể giải thích bằng lỗi dính chân ga hay kẹt thảm sàn như Toyota khẳng định.

Thái độ ông Akio Toyoda (ngoài cùng bên trái), James Lentz (giữa) và bà Smith tại các cuộc điều trần

Ngày 23/2, bà Smith, một nhân chứng của vụ tai nạn xảy ra ngày 12/10/2006 khi bà đang điều khiển chiếc Lexus thì đột nhiên có dấu hiệu xe tăng tốc lên đến 160km/h. Bà này cũng nghi ngờ hệ thống tích điện của xe Toyota có lỗi nhưng đã bị nhân viên hãng này phủ nhận.

Ngày 24/2, có mặt tại phiên điều trần của chủ tịch hãng Toyota, Kevin Haggerty, một nhân viên cứu hỏa cũng thắc mắc, phía Toyota chưa giải thích rõ ràng tại sao chiếc Avalon của anh tự nhiên đang đi lại tăng tốc đột ngột, không thể kiểm soát được khiến anh phải đưa nó đến đại lý bán lẻ gần nhất để báo lỗi.

“Từ lúc xảy ra sự cố đến lúc tôi lái xe đến được đại lý bán lẻ gần nhất chỉ mất khoảng 8 km mà hệ thống phanh và lốp xe của tôi đã bốc khói”, Haggerty nói với tờ ABC News tháng 12 năm ngoái, ngay sau khi sự việc xảy ra.

Anh này tin rằng, một thiết bị điện nào đó của chiếc xe có vấn đề. Không chỉ Haggerty mà hàng ngàn người khác cũng nghi ngờ nguyên nhân này. Thậm chí, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ray LaHood cũng khẳng định, chính phủ cũng nghiêng về giả thuyết do hệ thống điện bị trục trặc nên xe mới tăng tốc đột ngột. Tuy nhiên, phía Toyota luôn phủ nhận điều này và khăng khăng do lỗi kẹt dính chân ga.

Có thể nhận thấy rằng, trong những phiên điều trần vừa qua, các nhà lãnh đạo của Toyota luôn né tránh các câu hỏi về kĩ thuật, chưa đưa ra được nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt các vụ thu hồi trong thời gian gần đây.

Ông James Lentz, Giám đốc bán hàng của Toyota tại Mỹ khi được hỏi về vấn đề này còn tuyên bố, ông chỉ chịu trách nhiệm bán xe Toyota ở Mỹ, còn chuyện thu hồi xe hay xe bị lỗi là do công ty mẹ ở Nhật. Ông còn cho rằng sự cố này xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Chúng tôi sẽ thận trọng điều tra tất cả những đơn thư phàn nàn của khách hàng. Có khả năng tai nạn xảy ra do lỗi kỹ thuật, nhưng cũng có thể là một loại lỗi nào đó khác”, ông nói.

Liệu Toyota có đi đúng hướng?

Trong những năm gần đây, doanh thu của Toyota đã tăng vọt, vượt qua cả “gã khổng lồ” General Motor, trở thành nhà sản xuất xe bán chạy nhất thế giới. Tuy nhiên, vì một vài sự cố chưa rõ lý do, gần đây hãng đã phải đưa ra hàng loạt các lệnh thu hồi xe, gây ảnh hưởng xấu đến Toyota nói riêng và cả nền kinh tế Nhật Bản nói chung.

Trước rất nhiều những lời phàn nàn và chỉ trích, ông Toyoda đã tìm cách xoa dịu sự giận giữ của khách hàng bằng cách xin lỗi, đồng thời cam kết sẽ điều tra thật cẩn thận về chất lượng xe của hãng ở Mỹ và sẽ thiết lập thêm một Trung tâm quản lý chất lượng xe ô tô.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Ray LaHood sau khi bị “khiển trách” chưa quan tâm sát sao đến những vụ thu hồi và khiếu nại của khách hàng về chất lượng xe của Toyota đã lên tiếng:

“Chúng tôi đã cử 125 kĩ sư làm nhiệm vụ điều tra sự việc. Như vậy, không thể nói là chúng tôi không có chuyên gia làm việc hay không làm gì. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra sự cố. Khi nào cần thu hồi, chúng tôi sẽ làm việc đó”, ông LaHood nói.

Chắc chắn sắp tới đây, Toyota sẽ phải nỗ lực hết mình để lấy lại được lòng tin đang dần cạn của khách hàng dành cho hãng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đầu tiên, hãng phải đưa ra được nguyên nhân chính xác dẫn đến hàng ngàn các vụ tai nạn, sau đó, phải làm mọi cách để khắc phục sự cố này. Liệu Toyota có thành công?

(Tổng hợp từ ABC News, CNN, Times)

Đọc thêm