Chưa có hồi kết

Đến cuối tháng 12-2009, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thực hiện được 27.590 tỷ đồng, tăng 36,23% so với đầu năm. Trong đó, các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện 11.472 tỷ đồng, chiếm 41,58% thị phần; các ngân hàng (NH) cổ phần, liên doanh thực hiện 16.118 tỷ đồng, chiếm 58,42% thị phần. Tiền gửi dưới 12 tháng đạt 24.024 tỷ đồng, chiếm tỷ  trọng 87,08%; tiền gửi trên 12 tháng đạt 3.566 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,92%. Trong cơ cấu nguồn vốn, vốn huy động đồng Việt Nam (VNĐ) tăng 33,70%, ngoại tệ tăng 50,14% so đầu năm.

Đến cuối tháng 12-2009, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thực hiện được 27.590 tỷ đồng, tăng 36,23% so với đầu năm. Trong đó, các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện 11.472 tỷ đồng, chiếm 41,58% thị phần; các ngân hàng (NH) cổ phần, liên doanh thực hiện 16.118 tỷ đồng, chiếm 58,42% thị phần. Tiền gửi dưới 12 tháng đạt 24.024 tỷ đồng, chiếm tỷ  trọng 87,08%; tiền gửi trên 12 tháng đạt 3.566 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,92%. Trong cơ cấu nguồn vốn, vốn huy động đồng Việt Nam (VNĐ) tăng 33,70%, ngoại tệ tăng 50,14% so đầu năm.

Các ngân hàng còn khuếch trương thương hiệu bằng các hoạt động từ thiện. 

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn không đủ để cho vay lại, khi mà tổng dư nợ cho vay của tất cả các TCTD đến cuối tháng 12-2009 là 35.341 tỷ đồng, tăng 30,92% so với đầu năm. Trong đó, các TCTD Nhà nước thực hiện 13.900 tỷ đồng, chiếm 39,59% thị phần; các NH cổ phần, liên doanh 21.351 tỷ đồng, chiếm 60,41% thị phần. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VNĐ thực hiện 30.526 tỷ đồng, tăng 31,53%, dư nợ bằng ngoại tệ 4.815 tỷ đồng, tăng 27,21% so với đầu năm. Đây chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) nói chung, hệ thống NH trên địa bàn nói riêng đẩy mạnh huy động vốn thông qua việc triển khai các chương trình huy động rất hấp dẫn, đa dạng, linh hoạt các kỳ hạn kết hợp với các hình thức khuyến mại. Một số NHTM còn tăng lãi suất huy động VNĐ tiến sát gần với mức trần lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, đáng chú ý là sự tăng trưởng nguồn vốn bằng ngoại tệ, sau một thời gian giảm, nay đã có xu hướng tăng.

Lãnh đạo NHNN chi nhánh thành phố cho biết: Trong năm qua, nhiều chi nhánh TCTD đã nỗ lực hết mình để hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn, góp phần làm tăng nguồn vốn huy động trên địa bàn, có 43/51 chi nhánh có nguồn vốn huy động tăng so năm 2008, đáng chú ý là có 21 chi nhánh có nguồn vốn huy động tăng trên  mức bình quân chung của toàn địa bàn. Các NHTM Nhà nước có mức tăng khá là NH Công thương Liên Chiểu tăng 67,30%; NH Đầu tư Hải Vân tăng 44,93%; NH Công thương Ngũ Hành Sơn tăng 35,29%... Các chi nhánh NH quy mô lớn có mức tăng khá như: NH Á Châu tăng 81,83%; NH Sacombank tăng 63,17%; NH Hàng hải tăng 60,59%; NH Quân đội tăng 53,31%; NH Việt Á tăng 45,38%. Bên cạnh đó, các NH có quy mô nhỏ và vừa cũng có mức tăng khá ấn tượng như: NH SHB tăng 170,59%; NH Nhà TP. Hồ Chí Minh tăng 401,69%; NH Phương Đông tăng 321,98%; NH Sài Gòn tăng 78,15%; NH Liên doanh Indovna tăng 190,06%; NH Liên doanh Việt Nga tăng 128,39%.

Đằng sau sự tăng trưởng huy động vốn khá ấn tượng này là một cuộc cạnh tranh quyết liệt đang diễn ra. Với ngành NH, sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn, do các NH đều có cơ chế, lợi ích, lãi suất như nhau thì dịch vụ và các chương trình hậu mãi, khuyến mãi được nhìn nhận sẽ trở thành yếu tố then chốt trong cuộc đua tìm kiếm sự ủng hộ của khách hàng.

Tại Đà Nẵng, thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2009, hệ thống NH đã có mạng lưới rộng khắp và đa dạng với nhiều loại hình như: NH thương mại Nhà nước, NH thương mại cổ phần, chi nhánh NH nước ngoài, NH liên doanh, NH chính sách xã hội, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… Sự phát triển lớn mạnh của hệ thống NH trên địa bàn kéo theo những thách thức không nhỏ. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, đặc biệt là nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi các NH mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ mới. Các NH đứng trước bài toán khó: Làm thế nào để duy trì được ưu thế cạnh tranh bền vững?

Lãnh đạo một NHTM cho rằng, năm 2010, các NH vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn. Trước hết, là việc giải quyết hậu quả từ việc tăng trưởng tín dụng lên đến 38% trong năm 2009. Sau đó là sự cạnh tranh gay gắt của các NH nước ngoài ngay trên “sân nhà”. Làm NH là kinh doanh dựa trên niềm tin, vì vậy, thay vì đuổi theo lợi nhuận ngắn hạn và chạy theo những cơ hội kiếm tiền nóng, các NH cần kiên trì với việc tạo ra những lợi nhuận mang tính ổn định và tạo tiềm năng cho thu nhập lớn hơn.

Thực trạng chung của các NH trên địa bàn hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao chưa nhiều nên các NH thường xuyên có sự dịch chuyển lãnh đạo, dịch chuyển cán bộ từ NH này sang NH khác, làm nảy sinh nhiều vấn đề. Đơn cử, riêng việc chạy đua mở chi nhánh, phòng giao dịch cũng đã khiến các NH trở tay không kịp, rồi nhân sự con người, bộ máy vận hành, dư nợ huy động, dư nợ cho vay… đã tạo nên sức ép không nhỏ cho các NH. Cuộc cạnh tranh của các NH được nhìn nhận sẽ tạo ra mốc bứt phá mới về dịch vụ cho khách hàng.

Vì vậy, cho dù các NH có tăng nóng về mạng lưới, nhưng số lượng khách hàng, giá trị giao dịch cũng khó đáp ứng được tham vọng của họ. Muốn hoạt động có hiệu quả, các NH còn rất nhiều việc phải làm.

Bài và ảnh: Thành Lân

Đọc thêm