Đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình, nhưng theo đánh giá của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Dự án Luật chưa giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc của thực tế. Đây là nội dung làm việc sáng 17/9 của phiên họp thứ 11 của UBTVQH cho ý kiến về một dự án Luật được dư luận và người dân hết sức quan tâm trong thời gian qua.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Giá thị trường là giá nào?
Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trình bày Dự thảo Luật sửa đổi, trong đó một nội dung được người dân đặc biệt lưu ý trong lần này là giá đất.
Cụ thể, Dự thảo quy định nguyên tắc định giá đất “do Nhà nước quyết định, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường” để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai công tác định giá đất.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, về nguyên tắc xác định giá đất, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định: “Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” vì việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như Luật hiện hành là rất khó do thị trường luôn biến động, mặt khác ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, giá đất chính là một trong những điểm “nút” quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay, song dự Luật lần này lại đưa ra nguyên tắc còn mơ hồ, không những không cởi được nút thắt, mà còn gây tranh cãi nhiều hơn. Tất nhiên Luật đã giao lại cho Chính phủ quy định, nhưng như vậy là nội dung quan trọng nhất thì không được đưa vào Luật.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng băn khoăn, trong nền kinh tế thị trường, giá đương nhiên là giá thị trường nhưng đây là định giá đất thì giá thị trường “là giá theo thị trường nào”.
“Thị trường lúc định giá hay thị trường lúc thu hồi, thị trường tính trên quy hoạch sử dụng đất, tức là tính trên quy hoạch dự án hay là thị trường lúc đấu giá. Nói chung là rất khác nhau, đòi hỏi phải tính toán, làm rõ”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Thế chấp tại ngân hàng nước ngoài phức tạp và nhạy cảm?
Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để vay vốn cũng là một nội dung gây nhiều tranh luận. Theo Bộ trưởng Quang, Dự thảo Luật cho phép tổ chức sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài. Việc thế chấp phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.
Chủ nhiệm Giàu cho biết, nhiều ý kiến tại Thường trực Ủy ban cho rằng đây là vấn đề mới chưa có thực tế để tổng kết rút kinh nghiệm nên việc quy định cần cân nhắc kỹ lưỡng. Việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các ngân hàng nước ngoài cần tính toán đến hậu quả pháp lý của quan hệ này, nhất là trường hợp tổ chức vay không trả được nợ thì ngân hàng nước ngoài xử lý tài sản thế chấp như thế nào.
Do đó, đề nghị chưa nên đưa vấn đề trên vào Dự án Luật mà giao cho Chính phủ quy định rõ tiêu chí và xác định cụ thể các trường hợp được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để báo cáo UBTVQH quyết định. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất cùng tài sản trên đất tại các ngân hàng nước người vì đất đai là chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Với tinh thần thận trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế về việc chưa nên cho phép thế chấp quyền sử dụng đất ở các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Theo ông Lý, đất đai tại Việt Nam theo quy định hiện hành thuộc sở hữu toàn dân và liên quan đến chủ quyền quốc gia nên quyền thế chấp và định đoạt không thể như tài sản khác. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhất trí, không nên đưa quy định thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các ngân hàng nước ngoài vào Dự án Luật lần này.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại tán thành với phương án của Chính phủ, bởi thực tế đang tồn tại nhiều dự án lớn cần thế chấp tài sản gắn liền với đất để vay vốn ở ngân hàng nước ngoài nhằm tăng cường huy động nhiều nguồn vốn khi khả năng vay trong nước còn rất hạn chế. “Vấn đề là quy định pháp luật có bảo đảm chủ quyền lãnh thổ quốc gia và mục đích sử dụng đất đó hay không”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu quan điểm.
Hoàng Thư