Chưa hết nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

(PLVN) - Những ngày liên tiếp vừa qua, Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên theo chuyên gia y tế, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết.
Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. (Ảnh minh họa).
Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. (Ảnh minh họa).

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, những tín hiệu khả quan vừa qua là do chúng ta đã thực hiện ngăn chặn dịch ở nước ngoài nhập vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, với các ổ dịch, đặc biệt là một số ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha (TP HCM) và gần đây nhất là ổ dịch Hạ Lôi đều đã được khống chế, đến nay không ghi nhận ca mới từ những ổ dịch này.

Hơn thế nữa, đến nay chúng ta không phát hiện có ổ dịch mới trong cộng đồng. Điều này đã cho thấy, ngoài chống dịch, ngăn chặn, khoanh vùng, giãn cách xã hội đã đem lại hiệu quả đó.

Tuy nhiên theo ông Phu, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết. “Đối với các ổ dịch Sơn Lôi, bar Buddha, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi, ngay lập tức khi có ca bệnh, chúng ta đã tiến hành phong tỏa, thực hiện các biện pháp chống dịch, tổ chức cách ly. Sau 28 ngày, chúng ta có thể biết các ổ dịch được khống chế hoàn toàn hay chưa” - PGS Phu nói.

PGS Phu nêu rõ, với quy mô một tỉnh, thành phố, thậm chí cả nước, không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết hay chưa kể cả sau 5 ngày hoặc nhiều ngày không có ca mắc. Bởi biến chủng mới của virus Corona vẫn còn rất phức tạp, còn nhiều bí ẩn. Vì vậy, để cắt được sự lây lan này là rất khó. Theo PGS Phu, trong cộng đồng, nhiều người có mầm bệnh nhưng không thực hiện giãn cách xã hội, tiếp tục có tiếp xúc, từ đó lây lan dịch bệnh.

Đến 18h ngày 21/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính với Covid-19, là ngày thứ 5 không thêm ca nhiễm mới, 52 người đang điều trị. Cùng ngày, một người xuất viện tại TP HCM, đưa số người khỏi bệnh cả nước lên 216.

Tổng số ca nhiễm 268. Các bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế, đa số sức khỏe ổn định. 12 ca xét nghiệm âm tính lần một, 8 ca âm tính lần hai.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là một dịch bệnh lớn và phức tạp, có những diễn biến khó lường. Đây là biến chủng mới nên chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan, bởi nếu chủ quan, lơ là sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, các ý kiến cho rằng phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan, nhưng cũng tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở y tế thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm… tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm.

Bộ Y tế đã lập 2 đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát tất cả bệnh viện thuộc Bộ, phối hợp với các sở y tế để giám sát các cơ sở y tế địa phương, chấn chỉnh ngay những trường hợp không tuân thủ đầy đủ.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành Y tế có quy định bổ sung và Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm. 

Chung sống an toàn trên từng lĩnh vực

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chung sống an toàn với Covid-19 trước hết phải từ các giải pháp đơn giản nhất: Đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, không tụ tập đông người.

- Về sức khỏe: khi có bệnh không đổ xô tới bệnh viện mà phải liên hệ với cơ sở y tế, chỉ đến khi có hẹn.

- Về học hành: Bộ GD&ĐT phải rà lại các quy định, công tác chuẩn bị để đảm bảo học sinh trở lại trường an toàn.

- Về đi lại: Ngành Giao thông Vận tải phải quy định chi tiết về phòng bệnh cho từng loại hình: hàng không, xe khách, tàu hỏa, taxi...

- Về sản xuất - kinh doanh: Từ nhà máy lớn, công ty nhỏ cho tới tổ hợp tác, người làm nghề tự do đều phải được hướng dẫn cụ thể biện pháp an toàn phòng dịch. Các cơ quan công quyền phải tổ chức làm việc tại nhà.

- Về hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao, du lịch: Tiếp tục hạn chế tập trung đông người; các hoạt động hiếu, hỉ cũng phải hạn chế tập trung đông người.

Đọc thêm