Chùa Hương, đẹp và chưa đẹp

Với danh tiếng “Nam thiên đệ nhất động”, phong cảnh hữu tình, nên thơ, chùa Hương là một điểm đến đầu tiên của du khách trong dịp lễ hội đầu xuân.

Với danh tiếng “ Nam thiên đệ nhất động”, phong cảnh hữu tình, nên thơ, chùa Hương là một điểm đến đầu tiên của du khách trong dịp lễ hội đầu xuân. Không phải đợi tới ngày khai trương ( 6 tháng Giêng) mà ngay từ mồng 2 Tết, chùa Hương đã nườm nượp khách thập phương. Rất dễ nhận thấy sự háo hức, niềm vui, sự thành kính của du khách trên mọi ngả đường dẫn tới chùa Hương. Với sự đầu tư, cải tiến, lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới, nhưng đâu đó vẫn có những điều vấn vương, chưa làm hài lòng du khách.

 

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, song vẫn đông người trẩy hội Chùa Hương
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, song vẫn đông người trẩy hội Chùa Hương

Đẹp, trật tự và quy củ hơn

 

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Hương Sơn có núi, có sông, cảnh sắc thơ mộng có một không hai. Trải qua bao năm gìn giữ, cảnh sắc chùa Hương ngày càng nên thơ nhờ sự tham gia kiến tạo thêm của bàn tay con người. Khu vực bãi đỗ xe được xây dựng rộng rãi, số lượng xe đỗ gấp hàng chục lần so với trước. Cũng vẫn là bến Đục, nhưng ngày nay được mở rộng hơn, lát đá kè dọc hai bên bờ suối Yến, có bậc lên xuống đò. Dòng suối Yến trước đây chật hẹp, nay được mở rộng thêm tới hàng chục mét, đò qua đò lại dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều. Trước đây, đò gỗ ngang dọc, nay được thay bằng hầu hết đò sắt, bảo đảm an toàn, kèm theo đó là xuồng máy sẵn sàng phục vụ du khách có nhu cầu. Hệ thống cáp treo được đưa vào hoạt động từ nhiều năm nay càng tạo nhiều thuận lợi cho du khách. Con đường hành hương dường như được rút ngắn lại để du khách có thể nhẩn nha ngắm cảnh. Từ đền Trình tới chùa Thiên Trù, động Hương Tích… đều được đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp đón du khách bốn phương. Các con đường lên động Hương Tích, Hinh Bồng được đầu tư, hạ độ cao thỏa chí “ leo núi” cho nhiều người không muốn đi cáp treo. Ở mỗi điểm dừng chân, Ban tổ chức lễ hội bố trí người giữ gìn an ninh trật tự, hướng dẫn du khách từ việc sắp lễ, đặt lễ tới hóa vàng, hóa sớ cũng như vãn cảnh đẹp chùa chiền.

 

Theo Ban tổ chức lễ hội, do lượng khách mỗi năm một đông nên địa phương có nhiều chính sách huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu  ăn, nghỉ và nhất là phương tiện vào động Hương Tích. Vì thế, các nhà nghỉ, quán hàng ở chùa Hương năm nay cũng được cải tạo, khang trang, sạch sẽ hơn nhiều. Đặc biệt, số lượng đò chở khách tăng đột biến, ước tính khoảng 5000 chiếc, tăng hàng nghìn chiếc so với trước. Vì vậy, hầu như du khách không phải chờ đợi lâu, cứ tới bến Đục là được phục vụ. Ban tổ chức cũng thông báo công khai giá vé thắng cảnh, vé đò để du khách được biết và giám sát, tất cả chỉ 55.000 đồng/ người. Có thể khẳng định, cách tổ chức được rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, có nhiều cải tiến phù hợp và cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.

 

Khó quản lý về giá dịch vụ

 

Mặc dù rất vui vì đã được trẩy hội chùa Hương trọn vẹn,  nhưng khi ra về, du khách vẫn không khỏi vấn vương bởi những điều mắt thấy, tai nghe. Cho dù Ban tổ chức cho biết đã chấn chỉnh tình trạng đón khách, chèo kéo khách, nhưng không cần mất công cũng nhận thấy khá nhiều người vẫn đi xe máy chạy theo các đoàn xe tại tất cả cửa ngõ ra vào chùa Hương. Điều làm du khách buồn nhất là nạn “ chặt chém” không giảm mà có phần gia tăng. So với trước, giao thông tới chùa Hương thuận tiện hơn nhiều, hàng hóa, thực phẩm được vận chuyển tới khu vực Thiên Trù cũng dễ dàng hơn, nhưng không vì thế mà giá dịch vụ rẻ đi. Thêm vào đó là cảnh nhốn nháo với những loa phát thanh quảng cáo bánh củ mài của đủ hãng sản xuất. Dừng chân nghỉ ngơi tại các quán hàng, du khách phải móc hầu bao gấp 3- 5 lần  các nơi khác. Nhiều người khách cảm thấy bất bình khi 1 đĩa rau bắp cải luộc được tính giá tới 50.000 đồng, 1 đĩa thịt bò xào cần 250.000 đồng, 1 đĩa trứng tráng 60.000 đồng và nhiều đồ ăn khác đều có giá cao ngất ngưởng. Điều lạ là thịt thú rừng được bày bán công khai ở tất cả quán hàng mà khách hàng rất khó nhận biết đó là thật hay giả. Thử hỏi mua 1 kg thịt nai rừng được hét giá tới 550.000 đồng, nhưng cũng không thể quả quyết đó là hàng thật.

 

Do lượng khách quá đông khu vực cáp treo trở nên quá tải. Hầu hết du khách phải xếp hàng, những ngày đông khách thường phải chờ đợi 1- 2 giờ mới tới lượt. Nhưng cũng ngay tại khu vực này xuất hiện công khai dịch vụ dẫn người tới tận cabin mà không phải xếp hàng với giá 100.000 đồng/ người. Cộng với giá vé cáp treo khứ hồi 100.000 đồng/ người nữa, ai muốn đi nhanh phải trả tổng cộng 200.000 đồng. Vấn đề đáng nói ở đây không phải là tiền mà là cách quản lý. Hẳn đã có sự móc ngoặc giữa cò cáp treo và nhân viên để thu lợi bất chính nên mới có sự dễ dàng, mất công bằng, chướng tai, gai mắt đến vậy. Cũng có du khách không hài lòng khi đò về tới bến Đục, mặc dù đã trả đủ tiền, nhưng vẫn bị nài nỉ xin thêm “ bồi dưỡng”…

 

Năm 2010, chùa Hương đón 1,3 triệu du khách. Năm 2011, dự kiến lượng khách tới chùa Hương không dưới 1,5 triệu lượt. Có thể thấy, bất cứ du khách nào cũng muốn đến chùa Hương, nhưng du khách nào cũng mong muốn không phải chứng kiến những cảnh “ chặt chém” như trên, để chùa Hương mãi đẹp và thơ mộng, là chốn trở về linh thiêng của mỗi người dân Việt và du khách nước ngoài mỗi mùa xuân tới..

                   

Hồng Thanh

Đọc thêm