“Mặc kệ” những tranh cãi ồn ào bên ngoài về ban quản trị, giá phí, sở hữu chung – riêng, ở nhiều chung cư, cuộc sống diễn ra êm ả trong bầu không khí hữu hảo, thân thiện giữa mỗi cư dân và chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà…
|
Tòa nhà CTM |
Nằm trên đường Cầu Giấy, chung cư CTM khép mình sau toà nhà văn phòng của những thương hiệu ngân hàng làm đại diện. Bà Lê Thu Vân, chủ căn hộ ở đây nói “không quan tâm lắm” đến mức phí dịch vụ hàng tháng mà gia đình phải thanh toán.
Bà Vân cho hay, đã có mức trần rồi, nhưng thực thu thì “không đáng kể”. Theo đó, hàng tháng, chủ mỗi căn hộ phải đóng 250.000 đồng. “Đó là giá trọn gói cho tất cả các dịch vụ, từ thang máy, an ninh, điện…” - bà Vân cho hay. Mức phí thấp, nhưng thái độ phục vụ của ban quản lý toà nhà, từ bảo vệ đến giám đốc ban, đều thân thiện. “Chúng tôi cấm bảo vệ to tiếng, không lịch sự với người dân, kể cả đó là khách đến thăm”, đại diện toà nhà này cho hay.
Là chủ đầu tư nhiều dự án về nhà ở trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo TCty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) trong một lần trao đổi với phóng viên, nói rằng rất “tự hào vì mức phí áp dụng cho người dân tại các chung cư cuả UDIC không thể thấp hơn, rất rẻ”.
Trong khi khách đến thăm người thân tại nhiều chung cư phải qua nhiều “cửa ải” để trình giấy tờ, chứng minh nhân thân, thậm chí là gặp sự cản trở, bặm trợn của bảo vệ thì tại nhiều căn hộ ở E3 Nam Trung Yên, khách đến đều nhận được sự kiểm soát có điều kiện của nhân viên an ninh.
Có thể, đó là một trong những nơi chủ đầu tư dự án chưa phải “đối thoại” với dân hay thay đổi ban quản trị liên tục, vì khi áp dụng các dịch vụ về cơ bản đều nhận được sự đồng thuận.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest) – tự hào khoe, từ khi tòa chung cư 170 Đê La Thành đi vào hoạt động, chủ đầu tư - giờ cũng đang chịu trách nhiệm quản lý tòa nhà - và cư dân chưa hề gặp khúc mắc về chuyện phí.
“Tòa nhà gồm 4 tầng văn phòng, 18 tầng chung cư. Tòa nhà có camera, hệ thống phòng cháy chữa cháy nhưng không biết có thuộc diện cao cấp không” – ông Hiệp nói – “Chúng tôi đang thu phí 6.000 đồng mỗi m2 và dự kiến sắp tới sẽ giảm xuống còn 5.000 đồng/m2, phí giữ xe ô tô trong hầm là 1,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức quy định của thành phố".
Sở dĩ mức phí của tòa nhà này “dễ chịu” như thế là do có chi phí từ các tầng văn phòng “kéo lại”, khi các tầng văn phòng đang trả cho đơn vị quản lý tòa nhà 50 – 60 nghìn đồng/m2.
Đơn vị quản lý tòa nhà do chủ đầu tư lập ra, hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, thu đủ bù chi, lương được tính theo mặt bằng chung. Hiện toàn tòa nhà có 260/310 căn có người ở, 3 trong tổng số 4 tầng văn phòng đã được lấp đầy, vì thế trong thời gian tới, nếu số hộ đến ở tăng lên, văn phòng được lấp nốt tầng cuối cùng, mức phí của chung cư sẽ giảm xuống nữa.
“Tuy nhiên, chung cư GP Invest hòa thuận không chỉ vì mức phí thấp” – ông Hiệp chia sẻ - “Vấn đề cốt lõi nằm ở sự minh bạch. Khi chúng tôi lấy ý kiến người dân về mức phí, các hộ dân trả lời là mức phí lên 7.000 hay 8.000 đồng mỗi mét các hộ vẫn nộp nhưng đơn vị quản lý tòa nhà phải minh bạch, đáng bao nhiêu thu bấy nhiêu thôi”. Ông Hiệp quả quyết, sự minh bạch là yếu tố quan trọng để có được sự đồng thuận giữa các bên liên quan trong vấn đề giá phí nói chung, sử dụng và vận hành tòa nhà nói riêng.
Quan điểm nói trên của ông Hiệp cũng nhận được tán đồng của nhiều người. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân ở một số chung cư cho hay, phí đôi khi chưa phải là tất cả, mà trong các mâu thuẫn phát sinh, nhiều khi, giữa cư dân với ban quản lý toà nhà “ghét nhau” chỉ là “vì … thái độ”. Bỏ tiền ra mua căn hộ, nhưng nhiều nơi chủ hộ thấy mình như đang đi thuê nhà, quyền tự quyết cho mỗi dự định nhiều khi bị cản trở bởi DN xây dựng, vận hành tòa nhà đó.
Tìm được nơi bình yên cho cuộc sống, nơi người dân và ban quản lý toà nhà có sự bắt tay hữu hảo, mới chỉ là “chấm nhỏ” trên trang viết của cuốn tiểu thuyết nhiều kỳ. Nhưng, đó cũng là chi tiết hay của câu chuyện…/
Việt Hưng – Lê Minh