Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017”: Dự án nông nghiệp tiếp tục chiếm ưu thế

(PLO) - 3 trong 6 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi  Khởi nghiệp Quốc gia 2017 đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Cuộc tranh tài đã diễn ra sôi nổi gay cấn tại Học viện ngân hàng hôm 26/12 vừa qua…
Nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam thuyết trình dự án Trang trại Gà H’Mong B&C

Nhiều đổi mới

Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị tổ chức, điều đáng lưu ý là Cuộc thi Khởi nghiệp 2017 tiếp tục trở thành cuộc đua và cạnh tranh khốc liệt giữa các khối trường kinh tế và nông – lâm nghiệp trên toàn quốc… 

Theo Tổng Thư ký VCCI, năm 2017 tiếp tục được gọi là Năm Quốc gia Khởi nghiệp với nhiều chính sách mới về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ban hành. “Trong thời gian qua, các hoạt động trong chuỗi chương trình tổng thể về hỗ trợ Khởi nghiệp tiếp tục thay đổi để phù hợp với nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp.

Cuộc thi đã có sự thay đổi căn bản trong việc tiếp nhận bài tham dự cuộc thi. Thay vì tiếp nhận bài dự thi trực tiếp, Ban tổ chức đã mời khoảng 15 đơn vị thuộc mạng lưới khởi nghiệp tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp cấp cụm trường, khu vực, từ đó chọn ra các dự án xuất sắc để tham gia cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia…”- ông Vinh cho hay.

Được biết, cuộc thi Khởi nghiệp năm 2017 đã có 159 dự án được sàng lọc từ hơn 500 dự án cũng như ý tưởng kinh doanh của 1.200 thí sinh tham dự ở cấp trường, khu vực đã được đề cử để tham gia cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia. Qua 4 lượt chấm chéo chia làm 2 vòng, Ban Tổ chức đã chọn ra được 6 dự án/159 dự án có số điểm cao nhất để lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017, trong đó có 2 dự án đang triển khai thực tiễn và bước đầu đạt được thành công.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp

Trong 6 dự án lọt vào vòng chung kết có 3 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp là Dự án Nuôi trồng Nấm rơm trên phụ phẩm Nông nghiệp (ĐH Nông lâm TP HCM); Dự án Trang trại Gà H’Mong B&C (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Dự án Sản xuất và kinh doanh nấm ăn cao cấp Hoàng Đế và Giá thể trồng rau sạch (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam). Các dự án này đều được Hội đồng giám khảo đánh giá cao.

Với NaroFood là dự án nuôi trồng nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp, các phế phẩm bỏ đi như rơm rạ và lục bình sẽ được phối trộn thành giá thể để trồng nấm sạch đảm bảo không sử dụng hóa chất, tốt cho sức khỏe người dùng. Ngoài sản phẩm nấm rơm tươi, NaroFood còn cung cấp sản phẩm nấm rơm sấy ăn liền và phân hữu cơ được sản xuất từ giá thể sau khi trồng nấm. NaroFood góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 1,4 tỷ đồng. Dự án sản xuất sản phẩm theo quy trình VietGap, định giá sản phẩm từ 60.000-150.000 đồng/kg tuỳ loại.

Với mục đích hướng đến là duy trì và bản tồn giống gà H’Mong nội địa của Việt Nam, phát triển mô hình sản xuất và xây dựng thương hiệu cho giống gà này, nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chọn huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái để triển khai Dự án. Dựa vào những góp ý của các chuyên gia khởi nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật – công nghệ từ Học viện Nông nghiệp, dự án đang được triển khai sẽ cho lứa gà khởi nghiệp đầu tiên vào đầu năm 2018.

Theo nhóm khởi nghiệp với ba dòng sản phẩm: gà giống, gà thương phẩm và trứng, nhóm khởi nghiệp tự tin có thể cạnh tranh với ba trang trại Hạt Thóc Vàng, Vàng Thành Công và Tiến Minh. Đại diện dự án cũng cho biết, trước khi đưa dự án ra thị trường, nhóm đã thực hiện khảo sát và khá nhiều khách hàng đồng tình sẵn sàng mua với sản phẩm từ 180.000 đồng/kg.

Thêm nữa, nhóm cũng có chiến lược giảm giá để đưa được sản phẩm tới gần người dân hơn, thậm chí kỳ vọng sẽ đưa ra được thị trường nước ngoài. Khi thành viên Ban giám khảo đặt câu hỏi: 1 đồng vốn đầu tư trên tổng vốn đầu tư của dự án thì lợi tức sẽ là bao nhiêu? Nhóm khởi nghiệp này tự tin khẳng định con số 33%/năm. 

Cũng chọn sản phẩm là nấm, nhóm khởi nghiệp ĐH Lâm nghiệp Việt Nam lại chọn dòng nấm cao cấp. Đây là dự án nông nghiệp hữu cơ nhằm cung cấp nấm Hoàng đế sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Nấm có nhiều công dụng đặc biệt như: chống oxy hoá, huyết áp cao, đái tháo đường, ngăn cản tế bào ung thư bàng quang, ung thư vú, tuyến tiền liệt.

Đặc biệt, Dự án này đã nghiên cứu, nhân giống và nuôi trồng thành công nấm Hoàng đế tại ĐH Lâm nghiệp, sử dụng mùn cưa keo làm giá thể nuôi trồng. Dự án sẽ đem lại sản phẩm sạch giàu dinh dưỡng, tăng thu nhập cho nông dân, thân thiện với môi trường. Dự án có tổng vốn 1,3 tỷ đồng, vốn vay hơn 400 triệu đồng. Dự án tự tạo thể nấm và trồng, chăm sóc theo quy trình VietGap, quy trình thu hoạch và chế biến đảm bảo ATVSTP…

Được biết, tại vòng Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp 2016, trong số  6 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết có đến 4 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 3 giải cao nhất của cuộc thi đều là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp…

Theo Ban tổ chức, kết quả vòng thi chung kết sẽ được công bố tại lễ trao giải trong Chương trình FESTIVAL 2018 được tổ chức vào 12/1/2018. Bên cạnh đó, để giúp các dự án tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp 2018 sớm triển khai thực tế, Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho Top 6 dự án đạt giải có cơ hội chào đầu tư cho dự án của mình cũng tại FESTIVAL 2018 cùng với các dự án khác đã triển khai thực tiễn. 

6 dự án vào Vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2017

1. Dự án Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass của CTCP VP9 Việt Nam.

2. Dự án Dịch vụ Kết nối Homestay Belocals của Trường ĐH Kinh tế Luật – TP HCM. 

3. Dự án Công ty tổ chức sự kiện và cung ứng nhân sự từ nguồn nhân lực sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai – của Trường ĐH Lạc Hồng.

4. Dự án Nuôi trồng Nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp - ĐH Nông lâm TP HCM.

5. Dự án Trang trại Gà H’Mong B&C của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

6. Dự án Sản xuất và kinh doanh nấm ăn cao cấp Hoàng Đế và Giá thể trồng rau sạch – Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.

Đọc thêm