Chứng khoán mở hàng trong sắc đỏ

(PLO) - Đúng 9h sáng qua (15/2), tiếng cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Bính Thân đã vang lên trong bầu không khí tươi vui, rộn ràng của năm mới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Bính Thân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Bính Thân
Nhưng không chiều lòng người, thị trường đã nhanh chóng chìm trong sắc đỏ, báo hiệu một năm thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức…
Nhà đầu tư thận trọng

Khác với phiên giao dịch đầu xuân năm Ất Mùi, trong phiên khai xuân năm Bính Thân 2016 nhà đầu tư khá thận trọng khi sắc đỏ trở thành sắc màu chủ đạo trên bảng điện tử của hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Trở lại sau 9 ngày nghỉ Tết với nhiều thông tin không mấy khả quan của thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu cùng những thông tin không mấy khả quan từ kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản cho đến châu Âu và thậm chí cả Mỹ khiến TTCK Việt Nam gặp khó khăn ngay từ phiên giao dịch khai xuân.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 5,15 điểm (-0,95%), xuống 539,6 điểm với 63 mã tăng, 144 mã giảm. HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,59%), xuống 76,45 điểm với 57 mã tăng, 96 mã giảm. Buổi chiều, hai chỉ số có sự phục hồi nhẹ nhưng không đủ lấy lại những gì đã mất. Đóng cửa ngày giao dịch đầu năm, VN-Index đứng ở mức 543,79 điểm, giảm 0,96 điểm (-0,18%), HNX – Index còn 76,74 điểm, giảm 0,16 điểm, tương đương 0,21%.
Theo nhận định của một số chuyên gia, ảnh hưởng của TTCK thế giới sẽ khiến TTCK Việt Nam có tuần giao dịch đầu năm mới khó khăn, nhưng mức độ giảm sẽ không lớn, bởi TTCK Việt Nam hiện đã ở mức khá hấp dẫn.
Tại buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu xuân, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá trong năm 2015, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến bất lợi và kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, song TTCK Việt Nam vẫn có những khởi sắc và đạt được những kết quả rất quan trọng: Tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường tăng trưởng 17% so với năm 2014, đạt mức tương đương 34,5% GDP. TTCK đã huy động được gần 300 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô 2015. 
Nỗ lực phát triển thị trường lên tầm cao mới

Sự giảm điểm trong phiên giao dịch đầu xuân theo nhận định của một số chuyên gia là điều không tránh khỏi trong bối cảnh chung, tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn có những cơ hội phát triển trong năm 2016 - năm được xác định là năm bản lề trong triển khai Chiến lược phát triển TTCK 2011-2020.  

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đó là những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế, những định hướng đổi mới từ Đại hội Đảng và những giải pháp quan trọng của Chính phủ... 

“Chúng ta có thể hy vọng kinh tế vĩ mô phát triển ổn định và đạt được những chỉ tiêu phát triển mà Quốc hội đã đề ra, TTCK do vậy sẽ có những bước phát triển tích cực hơn...”- Bộ trưởng kỳ vọng. 

Cùng với lưu ý triển khai thống nhất, đồng bộ và toàn diện các giải pháp nhằm phát triển TTCK ổn định, lành mạnh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) chuẩn bị các điều kiện cần và đủ nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi...
Theo Chủ tịch UBCKNN TS Vũ Bằng, mặc dù TTCK đầu năm 2016 có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá cao mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam. “UBCKNN sẽ không ngừng đổi mới, cải cách để đưa TTCK phát triển lên tầm cao mới, tiếp tục trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế, quan tâm và hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân trở thành khối phát triển của nền kinh tế…”- TS Vũ Bằng khẳng định. 
3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán trong năm 2016
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lưu ý 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2016: 
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch trái phiếu Chính phủ nhằm huy động vốn kịp thời và hiệu quả cho ngân sách và cho đầu tư phát triển;  kết hợp với việc cơ cấu lại nợ trong nước theo hướng kéo dài kỳ hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ;  đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và sản phẩm phát hành.
Thứ hai, tiếp tục triển khai công tác đấu giá cổ phần hóa (CPH) hiệu quả nhằm góp phần hỗ trợ và thúc đẩy CPH, thoái vốn, bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước (DNNN); triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động đấu giá CPH gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; tiếp tục chủ động hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về CPH, tái cơ cấu và phát triển TTCK.
Thứ ba, triển khai thống nhất, đồng bộ và toàn diện các giải pháp nhằm phát triển TTCK ổn định, lành mạnh, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thích ứng với giai đoạn phát triển mới của thị trường; xây dựng, vận hành và phát triển TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường chất lượng hàng hóa và minh bạch thông tin trên thị trường; xúc tiến việc triển khai và đào tạo quản trị công ty theo thông lệ quốc tế; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin; tăng cường công tác hội nhập, quảng bá TTCK và Sở Giao dịch chứng khoán trên thị trường tài chính khu vực và quốc tế; chuẩn bị các điều kiện cần và đủ nhằm nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên trở thành thị trường mới nổi...

Đọc thêm