Khá nhiều phân tích dự báo khả năng nới lỏng tiền tệ từ cuối quý 1/2011 giúp chứng khoán có động lực tích lũy từ đầu năm. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là kỳ vọng, khi các điều kiện cần cho việc giảm lãi suất vẫn chưa hội tụ...
Ẩn số tỷ giá
Cùng với câu chuyện lãi suất vẫn ở mặt bằng khá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, bài toán tỷ giá vẫn là nỗi lo treo lơ lửng trên đầu khi thị trường không thể dự đoán được động thái của cơ quan quản lý.
Thời điểm cuối năm 2010, đầu năm 2011, tỷ giá VND/USD vẫn khá bình ổn và dao động không lớn. So với thời kỳ căng thẳng vài tháng trước đây, sự bình ổn đó không chắc được đảm bảo sẽ kéo dài khi một số tổ chức trong và ngoài nước dự báo khả năng giảm giá đồng nội tệ thêm từ 3%-5%, thậm chí là hơn 7% trong năm nay.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, năm 2011, với con số lạm phát tại Việt Nam theo ước tính vào khoảng 7,8% - 9,1% trong khi ở Mỹ vào khoảng dưới 2%, chênh lệch lạm phát có thể làm tỷ giá USD/VND tăng thêm khoảng 5,8% - 7,1%.
Bên cạnh áp lực lạm phát, yếu tố không thể không nhắc đén đó là tâm lý thị trường. Những thông tin khác nhau về dự trữ ngoại hối sẽ ảnh hưởng khá lớn tới biến động của tỷ giá. Dư nợ ngoại tệ năm 2011 có khả năng tiếp tục tăng mạnh nếu mức chênh lệch lãi suất giữa VND - USD gia tăng, cùng với dó là yếu tố mùa vụ có thể ảnh hưởng xấu đến tỷ giá.
Phân tích của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) nhìn nhận hiện tượng tỷ giá giảm nhiệt trong tháng 12 vừa qua là nhờ mức giải ngân FDI cao, kiều hối tăng vọt cùng với việc thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng nhà nước. Bức tranh tổng thể về dòng vốn nước ngoài và kiều hối vào cho thấy sự bất ổn trên thị trường ngoại hối chủ yếu do tình trạng găm giữ ngoại tệ. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người nhận kiều hối rất lưỡng lự bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Việc thắt chặt tiền tệ và dòng vốn ngoại dồi dào có khả năng giúp thị trường ngoại tệ ổn định trong nhiều tháng tới.
“Tuy nhiên nếu Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng cung tiền hàng năm ở mức trên 20% như hiện nay thì khả năng tiền đồng có thể tiếp tục mất giá khoảng 5%-7% so với USD trong năm 2011”, tổ chức này nhận định.
Theo TLS, nếu sử dụng phương pháp ngang giá lãi suất thì tỷ giá tiền đồng phải nằm trong khoảng 20.800-21.340. Nếu tính theo ngang giá sức mua với một rổ hàng hóa là tỷ trọng thương mại của các đối tác thương mại chính của Việt Nam thì tiền đồng đang cao giá khoảng 5%-6%. Tỷ giá trên thị trường tự do trong khoảng 21.000 - 21.300 VND/USD thực sự đang phản ánh tương đồng với giá trị được xác định bởi các mối quan hệ nói trên. Tuy vậy cán cân thương mại tiếp tục được dự báo thâm hụt sẽ là sức ép với tỷ giá trong nửa đầu năm 2011.
“Chúng tôi dự báo điều chỉnh tỷ giá có thể sẽ diễn ra trong giai đoạn này, trừ khi các dòng tiền nóng chảy vào trong nước nhằm tận dụng chênh lệch lãi suất cao hiện tại. Sức ép tỷ giá sẽ giảm mạnh trong nửa sau năm 2011”, các chuyên gia kinh tế của TLS nhận xét.
Bình ổn tỷ giá là một trong những chính sách trọng tâm trong năm 2011. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc bình ổn không có nghĩa là không thể điều chỉnh tỷ giá ở mức vài phần trăm. Theo chuyên gia này, để bình ổn được tỷ giá trong năm 2011, cần làm đồng bộ 4 biện pháp.
Thứ nhất, sử dụng công cụ thị trường trong điều tiết cung tiền. Mục tiêu cụ thể là bỏ hẳn quy định về định mức cho vay tín dụng trong Thông tư 19, chuyển sang sử dụng công cụ truyền thống là dự trữ bắt buộc, trong đó dự bắt buộc bằng ngoại tệ phải cao hơn nội tệ. Trên cớ sở đó tạo ra chênh lệch về lãi suất hợp lý: Lãi suất tiền gửi ngoại tệ phải thấp xuống, cho vay cao lên. Dân chúng thấy gửi ngoại tệ không lợi bằng gửi nội tệ và vay ngoại tệ không có lợi bằng vay nội tệ.
Thứ hai, nỗ lực giảm lạm phát xuống. Thứ ba là ngân hàng trung ương có thể phải can thiệp để giảm chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức. Cuối cùng, nếu cần thiết, sẽ phải thực hiện điều chỉnh tỷ giá.
Như vậy việc điều chỉnh tỷ giá có thể chỉ là biện pháp sau cùng. Tuy nhiên, điều thị trường lo lắng là việc điều hành hiện tại khiến việc dự đoán động thái chính sách là rất khó khăn. Điển hình như các quyết định chính sách trong năm 2010 luôn được thực hiện rất bất ngờ.
Bao giờ lãi suất giảm?
Nếu thừa nhận thị trường chứng khoán thường đi trước các động thái chính sách, thì rất có thể sự tích lũy trong hơn một tháng gần đây phản ánh kỳ vọng sự nới lỏng tiền tệ vào cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2011. Nhiều tổ chức trong nước cũng cho rằng lãi suất sẽ được giảm xuống ngay khi có tín hiệu giảm sức ép lạm phát.
Tuy nhiên, yếu tố định lượng “khi nào” cũng không phải dễ. Tín hiệu được quan tâm nhất có lẽ là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Câu hỏi còn lại là động thái tiền tệ được thực thi ngay khi có tín hiệu lạm phát giảm hay khi tín hiệu chắc chắn về lạm phát giảm? Nếu thực hiện ngay khi có tín hiệu, khả năng nới lỏng tiền tệ sẽ bắt đầu cuối quý 1. Nếu chờ tín hiệu chắc chắn, có lẽ thị trường phải đợi thêm đến quý 2. Bản thân cơ quan quản lý cũng phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ từ 3-6 tháng, một khoảng thời gian khá dài để có thể dự đoán về thời điểm.
TLS lựa chọn khả năng lạc quan khi dự đoán việc lạm phát giảm xuống từ quý 1/2011 sẽ gần như kéo theo việc chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp nới lỏng tiền tệ. Diễn biến của CPI, theo tổ chức này, dự kiến bắt đầu giảm dần từ nửa sau của quý 1, giảm mạnh hơn trong quý 2 và đạt đáy trong quý 3. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm từ quý 1 và giảm mạnh hơn trong quý 2, tạo đáy trong quý 3/2011. Sau đó, lãi suất có thể tăng nhẹ vào quý 4.
Xét về thời điểm, lập luật của TLS cũng tương tự dự báo của ông Lê Xuân Nghĩa. Theo vị chuyên gia này, yếu tố quan trọng nhất đẩy CPI tăng cao là giá nông phẩm sẽ sụt giảm mạnh từ tháng 3/2011 trở đi. Khả năng lạm phát sẽ giảm nhẹ vào cuối quý 1, đầu quý 2 và giảm mạnh từ đầu quý 3.
Một vấn đề cũng hết sức đau đầu đối với khả năng kìm giữ CPI là hàng loạt hàng hóa cơ bản có khả năng tăng giá như xăng dầu, điện, than và cả tỷ giá. Tuy nhiên ông Nghĩa khá lạc quan, cho rằng mặc dù có tính đến tăng giá xăng dầu tương đương năm 2010, tăng giá than, điện thì tác động tới tăng giá CPI tối đa không quá 2%-2.5%.
Rất có thể suy luận trên cũng đang phổ biến với các thành phần của thị trường và chứng khoán đang được nâng đỡ bởi kỳ vọng. Dù sao, tín hiệu quan trọng nhất là CPI quý 1/2011 vẫn đang được chờ đợi, và thị trường tự nó sẽ định mức rủi ro.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam