Thực ra, nếu có sự phân tích và nhìn nhận một cách kỹ lưỡng hơn thì đây chỉ là một trong những thông tin hỗ trợ tích cực. Về thực chất, thị trường chứng khoán sẽ đi lên bằng chính đôi chân của mình.
Tăng trưởng theo sự hồi phục của nền kinh tế
Năm 2009, thị trường chứng khoán Việt Nam có thời điểm tồi tệ, rơi xuống đáy do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng và suy giảm kinh tế. Thế nhưng, ngay sau khi Chính phủ có các giải pháp kích cầu, thị trường đã có nhiều phiên bứt phá ngoạn mục. Kết thúc năm, tuy có nhiều phen trồi sụt lên xuống nhưng cuối cùng, VN-Index tăng hơn 56,76% so với cuối năm 2008 và HNX-Index cũng tăng hơn 59%. Sự phục hồi của nền kinh tế cùng với các chính sách kích cầu được triển khai đúng hướng là những động lực chính giúp chứng khoán phục hồi. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: ước tính nguồn vốn huy động qua kênh chứng khoán trong năm 2009 sẽ vượt 30.000 tỷ đồng. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã giúp nhiều công ty niêm yết có cơ hội thực hiện kế hoạch phát hành để tăng vốn, đặc biệt từ nửa cuối năm 2009. Và như vậy càng chứng tỏ thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Số lượng các công ty niêm yết trên cả hai sàn ngày càng tăng càng chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường.
Nhận định này càng có cơ sở khi mới trải qua tuần đầu giao dịch của năm mới, thị trường mang sinh khí hoàn toàn mới. Phiên giao dịch khởi đầu năm mới 2010, chứng khoán hai sàn tăng hết tốc lực. Tạisàn TP.HCM, chỉ số VN-Index tăng quyết liệt 4,50%, tương đương tăng 22,28 điểm và dễ dàng vượt qua mốc 500 điểm lình xình trong năm qua để lên mức 517,05 điểm. Có tới 193 mã giao dịch tăng giá, trong đó có đến 19 mã tăng hết biên độ 5%. Sàn Hà Nội cũng có phiên tăng gần hết biên độ cho phép (7%) khi có thêm 11,67 điểm (tương đương tăng 6,94%) lên mức 179,84 điểm. Giao dịch chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 5-1 thật sự bùng nổ khi khối lượng giao dịch vượt con số 70 triệu chứng khoán, tương ứng với giá trị giao dịchtrên 3.000 tỷ đồng/phiên. Đây là phiên tăng điểm thứ 2 của năm 2010, chỉ số VN-Index tăng mạnh thêm 15,48 điểm (tương đương 2,99%) lên chấm mốc 532,53 điểm.
Như vậy, cho dù thị trường trong các phiên cuối tuần có sự điều chỉnh nhẹ nhưng khối lượng giao dịch vẫn cao, chứng tỏ sự quan tâm của nhà đầu tư tới thị trường chứng khoán ngày càng nhiều hơn và đó chính là lực đẩy quan trọng để thị trường phát triển bằng chính đôi chân của mình.
Vai trò của các doanh nghiệp
Tuy thị trường có sự khởi sắc đáng ghi nhận nhưng sức hút lâu dài và sự bền vững của thị trường phải trông đợi vào hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Tới thời điểm này, tuy chưa có báo cáo chính thức nhưng qua các quyết định chia cổ tức cho thấy hầu hết doanh nghiệp năm qua đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Số doanh nghiệp thua lỗ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Đơn cử như Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong dự kiến mức chia cổ tức có thể cao hơn so với mức 30% đã được công bố do lợi nhuận khả quan. Một số doanh nghiệp khác có mức chia cổ tức 10- 20%. Trong bối cảnh thị trường tiền tệ, lãi suất ngân hàng chưa thật hấp dẫn thì mức cổ tức đó là có thể chấp nhận được. Đó là chưa kể tới việc nhiều doanh nghiệp, ngoài chia cổ tức bằng tiền còn có cổ phiếu thưởng và nhìn dài hạn có thêm nhiều tiềm năng khác nên thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Không ít chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm mới 2010 có nhiều sự lạc quan hơn. Thị trường đang bắt đầu một đợt tăng khá vững chắc chủ yếu dựa trên sự tăng lên của thanh khoản và tâm lý hưng phấn trở lại của nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân). Việc nhiều ngân hàng thương mại khẳng định sẽ cho vay trở lại từ đầu tháng 1-2010 và việc dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán từ hoạt động giao dịch vàng, hứa hẹn thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh, là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.
Hồng Thanh