Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã bắt đầu những phiên giao dịch đầu tháng 7 với trạng thái uể oải nối dài từ tháng 6. Trong tháng đầu của quý III/2012, liệu thị trường có khả năng hồi sức và lấy lại phong độ của những tháng đầu năm?
Mặc dù có rất nhiều thông tin tích cực hỗ trợ dài kỳ nhưng TTCK dường như vẫn "trơ lỳ" trước mọi tin tốt lành, không một mảy may xao động, và chỉ số của 2 sàn vẫn trồi sụt theo chiều hướng giảm điểm là chủ đạo.
Hết... lực đỡ
Diễn biến đó cho thấy các thông tin tích cực, chủ yếu từ nền kinh tế vĩ mô như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm sâu xuống mức rất thấp, thậm chí là đạt mức âm; trần lãi suất huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng cũng đã được cơ quan quản lý điều chỉnh kịp thời với các bước chuyển động của CPI và kéo giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua, chỉ còn ở mức 9%/năm; giá xăng dầu sau một đợt tăng mạnh đã liên tiếp 2 lần điều chỉnh giảm; đồng thời, các nhà quản lý cũng đã tích cực thể hiện thông điệp đã định hướng và cam kết: tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, song song vẫn đưa ra các biện pháp để cung vốn với một số lượng lớn ra nền kinh tế…, không phát huy được tác động tới TTCK.
Ngay cả một trong những mấu chốt căn bản là dòng tiền cũng đã có tín hiệu loé sáng, thì thị trường cũng gần như "bất động". Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ nay đến cuối năm, ước tính dư địa để cung vốn ra nền kinh tế sẽ còn trên 70.000 tỷ đồng/tháng. Trong trường hợp số lượng vốn đó sẽ được NHNN điều hành theo hướng nới lỏng tiền tệ có kiểm soát, hệ thống ngân hàng không những sẽ rất dồi dào thanh khoản, mà có khả năng một lượng vốn lớn còn có cơ hội "rò rỉ" vào kênh chứng khoán.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng các thông tin vĩ mô tuy tích cực, nhưng chỉ có thể nhìn được ở... bề mặt. Theo nhiều nhà đầu tư (NĐT), "tảng băng chìm" ở dưới những "dải màu tươi sáng" kể trên vẫn rất khó dự đoán. Họ có nhiều lý do để ngần ngại chưa dám tham gia mua bán cổ phiếu mạnh tay. Mà một trong số vô vàn lý do, các nghi ngại bên cạnh những băn khoăn cơ bản nhất tập trung vào sự ổn định thực sự của nền kinh tế trong cục diện kiềm chế lạm phát và nỗ lực lại đà tăng trưởng, thì chất lượng hàng hóa trên thị trường, chất lượng của cổ phiếu - chất lượng của hoạt động doanh nghiệp (DN), vẫn chưa đưa đáp án thuyết phục NĐT.
Chờ… tháng 7 qua nhanh
Một nguyên do khác khiến TTCK khó khởi sắc là sự thiếu vắng của các NĐT ngoại. Đây vốn là lực đỡ của TTCK trong những khoảng thời gian trước đó, giúp thị trường tăng đà hưng phấn. Tuy nhiên, tình trạng NĐT ngoại "đóng cửa đi chơi" sau giai đoạn thoái vốn hưởng lợi của mấy tháng, 2 sàn tăng vùn vụt đã làm TTCK hụt hẫng không ít. Trong tháng 6, thống kê từ sàn HoSE cho thấy sau khi mua ròng 115 tỷ đồng trong tháng 5, khối ngoại đã bán ròng 653 tỷ đồng. Giá trị mua vào giảm 19%, xuống 2.461 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra tăng 7%, lên 3.113 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu bán ròng là 32,7 triệu đơn vị. Còn tại HNX, khối ngoại cũng giảm giá trị mua ròng tới 15%, xuống 142 tỷ đồng. Trong đó, giá trị mua vào và bán ra giảm lần lượt 31% và 40%, đạt tương ứng 345 tỷ đồng và 202 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu mua ròng là 11,2 triệu đơn vị.
Như vậy, cùng với sự chững lại trong giao dịch của khối ngoại, tính đến cuối tháng 6, TTCK đang có khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức thấp nhất trong năm 2012, thậm chí thấp hơn mức trung bình của năm 2011 - vốn đã rất tồi tệ, bất kể có nhiều cổ phiếu niêm yết lên sàn hơn, kể cả niêm yết mới và niêm yết bổ sung. Khi NĐT ngoại đứng ngoài quan sát thị trường thì NĐT nội cũng giảm đà hưng phấn và bắt buộc phải quan sát, nhìn quanh.
Do đó, xu thế chủ đạo của thị trường lúc này vẫn là… đứng ngoài quan sát. Hay nói cách khác, những hy vọng về sự bật lại của thị trường từ dưới đáy sâu theo nguyên tắc lò xo nén, dù đã có thể bắt đầu nhen nhóm trong một số NĐT, khiến họ thực hiện chiến lược nhẩn nha bắt đáy và bán ra từ từ để bình quân giá, đa dạng hóa cổ phiếu trong danh mục của mình, tuy nhiên, một cơ sở chắc chắn cho các NĐT mạnh tay giải ngân vẫn phụ thuộc những lực đỡ trong tương lai.
Với nhu cầu của NĐT là cần sự hiện diện của các thông tin rõ ràng và thực chất hơn hơn là những thông tin hỗ trợ đã trở thành quen thuộc. Nói như một chuyên gia đầu tư chứng khoán thì thị trường vẫn phải đợi những thông tin trên tác động tích cực và giúp các DN nói riêng, nền kinh tế nói chung bắt đầu có chuyển biến rõ rệt. Chỉ khi đó, dòng tiền mới chính thức quay lại, thị trường mới có thể bắt đầu chu kỳ tăng trưởng ổn định.
Một điều nữa cũng khiến các NĐT chọn thái độ chờ thời trong giai đoạn bắt đầu của quý III là lịch sử của TTCK Việt Nam từ năm 2001 đến nay cho một ấn tượng khá xấu về hoạt động giao dịch chứng khoán trong tháng 7: VN-Index chỉ có 2 năm tăng điểm vào tháng 7, nhưng có tới 9 năm giảm điểm. Đây cũng là tháng mà VN-Index từng có mức giảm điểm mạnh nhất với mức trung bình -4,4% (nguồn: HSC). Do đó, các CTCK và cả NĐT đều thận trọng hơn khi đưa ra các dự báo về xu hướng của TTCK trong tháng 7.
Cũng cần phải nói rằng tuy là một thị trường vốn bậc cao, nhưng nhìn chung, TTCK cũng vẫn còn là nơi mà các NĐT giao dịch trong tâm lý cầu may, tránh rủi ro và các "ngưỡng tâm lý" của quá khứ vẫn có sức tác động rất lớn tới quyết định của họ. Điều này đặc biệt ứng với một TTCK mà NĐT đa phần vẫn còn giao dịch theo xu thế đám đông, chưa thực sự chuyên nghiệp như Việt Nam.
Dù vậy, tháng 7 mới chỉ là khởi đầu của chặng thời gian trong 6 tháng cuối năm. "Điểm rơi" các báo cáo tài chính bán niên có soát xét của các DN niêm yếu trên TTCK sẽ lần lượt được công bố trong tháng 7 được kỳ vọng sẽ là lực tác động quan trọng tới động thái của nhiều NĐT trên thị trường. Hơn thế, cơ hội kinh doanh của phần lớn DN niêm yết vẫn thường được cho là rộng mở hơn vào những tháng cuối năm, nhất là khi chính sách tiền tệ thực sự nới lỏng, thì điều đó cũng đồng nghĩa với cơ hội của TTCK.
Vấn đề là niềm tin của NĐT Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sen Vàng Trong tháng 7, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục lình xình, đi ngang, thậm chí có thể giảm mạnh chứ khó thể tăng cao, do nền tảng kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định. Mặc dù đã có nhiều yếu tố thuận lợi, như: lạm phát giảm, lãi suất giảm, nhưng đây chỉ là "phần nổi" của thị trường, còn niềm tin của NĐT thì hiện rất… xấu! Họ không tin tưởng vào chứng khoán có thể đem lại lợi nhuận, bởi DN còn gặp vô vàn khó khăn. Mặc dù lãi suất giảm, nhưng nội lực của DN còn yếu, sức mua của nền kinh tế không khả quan, thì kết quả kinh doanh của DN sẽ tiếp tục xấu. Chính những điều này cho thấy chứng khoán không có lực đỡ, nên sẽ khó tăng, vì khi DN khó khăn thì NĐT đứng ngoài thị trường. Như vậy, kết quả kinh doanh quý II sẽ không có gì sáng sủa khi DN đã chịu quá lâu gánh nặng lãi suất cao, hàng tồn kho lớn, thị trường không thuận lợi. Thêm vào đó, hoạt động của NĐT nước ngoài chủ yếu là bán ra, trong khi năm ngoái mua vào nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý NĐT trong nước. Họ cho rằng thị trường mà không có vốn nước ngoài tham gia thì sẽ không hấp dẫn. Có thể từ giờ đến cuối năm, kết quả kinh doanh của DN không khả quan, nợ xấu sẽ gây cản trở cho tín dụng đến với DN. Thị trường chỉ có thể khởi sắc khi vấn đề thanh khoản được giải quyết, niềm tin của NĐT trở lại, lúc ấy mới kỳ vọng chứng khoán đi lên. ---------------------------------- Yếu tố quan trọng nhất là dòng tiền Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Kim Eng Việt Nam Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất đối với TTCK Việt Nam là dòng tiền. Hiện dòng tiền trên thị trường không chạy trực tiếp vào sàn, mà chạy "vòng quanh" sàn. Nghĩa là dòng tiền mua những giao dịch thỏa thuận, những giao dịch với các cổ đông lớn chứ không vào sàn. Như thế rõ ràng là dòng tiền có, nhưng thời điểm vào sàn chưa có, nên chỉ trong 1 tháng tới, tình hình này chưa chuyển biến ngay được, mà phải đợi đến thời điểm như tháng Giêng năm nay, khi dòng tiền vào trở lại mới giúp giá tăng. Tôi cho rằng TTCK trong tháng 7 sẽ diễn tiếp xu hướng đi ngang và giảm, việc phục hồi sẽ có, nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm. Bởi vì thị trường thiếu dòng tiền. Về dài hạn, những thông tin tích cực từ nền kinh tế vĩ mô vẫn có tác động tích cực, nhưng có độ trễ. NĐT rất quan tâm đến những chuyển biến trong thời gian tới của các DN, của nền kinh tế…, và khi kinh tế thực sự tích cực thì dòng tiền mới quay trở lại sàn. Bên cạnh đó, nhiều dòng tiền lớn cũng đã và đang tham gia vào thị trường, nhưng một cách gián tiếp, nghĩa là không trực tiếp lên sàn, mà chỉ ở ngoài sàn, như: các giao dịch đã thỏa thuận từ năm 2011, các giao dịch lớn dạng M&A. Do không trực tiếp, nên dòng tiền này không giúp TTCK bật mạnh trong ngắn hạn. Nhưng với mặt bằng giá cổ phiếu trên sàn thấp, chắc chẵn vẫn có những giao dịch lớn được diễn ra, và NĐT sẽ có cơ hội thương lượng mua với giá rẻ. Đây sẽ là nguồn lợi nhuận khổng lồ khi thị trường phục hồi. Chưa kể khi những giao dịch gián tiếp này kết thúc, dòng tiền quay lại mua ở trên sàn sẽ giúp những người mua ở những giao dịch lớn này sẽ thu lợi nhuận "khủng". Tóm lại, theo tôi, tháng 7 quá ngắn để mọi thứ chuyển biến tích cực nhanh. TTCK sẽ đi ngang hoặc sụt, nhưng mức sụt giảm nhẹ hơn tháng 5 và tháng 6. Bên cạnh đó, dòng tiền lớn dịch chuyển sẽ chậm hơn khi thanh khoản trên thị trường thấp như hiện nay. Để mua được cổ phiếu giá tốt, NĐT sẽ chậm rãi và cần có thời gian. Một tháng sẽ là không đủ để dòng tiền đẩy nhanh trở lại! |
Theo Thời báo Kinh doanh