Chứng khoán và mối lo lạm phát

Có mối tương quan giữa chỉ số giá hàng hoá và chỉ số chứng khoán, từ nay đến cuối năm là cơ hội tốt để đầu tư dài hạn.

Chứng khoán và mối lo lạm phát ảnh 1
 

Có mối tương quan giữa chỉ số giá hàng hoá và chỉ số chứng khoán, từ nay đến cuối năm là cơ hội tốt để đầu tư dài hạn.

Ông Lương Biện Nhân Quyền, chuyên viên phân tích kỹ thuật của công ty chứng khoán Mê Kông cho rằng có mối tương quan giữa chỉ số giá hàng hoá và chỉ số chứng khoán, từ nay đến cuối năm là cơ hội tốt để đầu tư dài hạn.

0,96% và 0,97% là mức tăng chỉ số CPI tháng 9-2010 của Hà Nội và TP.HCM so với tháng trước. Con số này liệu có dự báo sự “tăng nhiệt” của lạm phát những tháng cuối năm không, thưa ông?

Ông Lương Biện Nhân Quyền: Chu kỳ biến động của lạm phát sáu tháng cuối năm thường cao hơn sáu tháng đầu năm. Tôi cho rằng lạm phát của quý tư sẽ tiếp tục tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các yếu tố tác động đến lạm phát của riêng năm nay là đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tỷ giá vừa tăng gần 2,1%, giá nông sản thế giới đang có xu hướng tăng.

Người ta đang nói đến sự gia tăng của giá vàng cùng với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, do giá lúa ở ĐBSCL tăng…

Vàng và ngoại tệ không được đưa vào để tính CPI nên việc tăng giá của chúng không tác động trực tiếp đến lạm phát, nhưng tác động gián tiếp.

Tuy nhiên, giá vàng tăng sẽ không gây ra hiệu ứng lạm phát vì đợt tăng giá vàng kéo dài từ năm 2002 đến nay đã tạo tâm lý “vàng là tài sản an toàn dài hạn” trong đa số dân cư, do đó tình trạng bán vàng mạnh sẽ không xảy ra. Hoặc nếu có thì người dân cũng sẽ mua vào trở lại một khi giá giảm xuống thấp hơn, nghĩa là tiền sẽ không chảy từ việc tích trữ vàng vào nền kinh tế.

Tỷ giá thì khác. Cách đây sáu tháng, Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng một lượng không nhỏ tiền đồng để mua vào USD. Điều này là tích cực đối với dự trữ ngoại hối nhưng tác động tiêu cực đến lạm phát, vì Ngân hàng Nhà nước đã bơm thêm tiền đồng vào nền kinh tế.

Ngoài ra, tỷ giá tăng sẽ khiến các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng giá theo. Chưa kể Việt Nam là nước nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất sẽ nên sẽ gây ra tình trạng lạm phát chi phí đẩy khi giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên.

Dẫu vậy, điều tôi lo hơn là sự tăng giá của các mặt hàng nông sản trên thế giới, điều này vượt quá tầm kiểm soát của Việt Nam.

Giá nông sản vẫn đang trong giai đoạn tăng từ đầu năm 2010 đến nay và dự báo có khả năng tiếp tục tăng thêm 7,14% nữa trong các tháng còn lại của năm. Không như các quốc gia khác, lạm phát của Việt Nam rất nhạy cảm với tình hình biến động giá nông sản khi rổ hàng hoá tính CPI của ta có đến 39,93% là lương thực, thực phẩm.

Nếu giá hàng hoá trong nước tăng tương đương với giá nông sản thế giới thì phần tăng thêm trong chỉ số CPI từ nay đến cuối năm sẽ là 2,85%. Nếu cộng thêm phần lạm phát luỹ kế 5,08% của tám tháng đầu năm thì sẽ bằng 7,93%.

Nhìn từ CPI, đâu là những giả thiết và kịch bản cho chứng khoán từ nay đến cuối năm?

Luôn có một mối tương quan nhất định giữa chỉ số giá cả hàng hoá (CRB) và nền kinh tế, cũng như có sự lặp lại giữa chu kỳ kinh tế từ tháng 10.2003 đến tháng 10.2007 và chu kỳ kinh tế từ tháng 2.2009 đến nay.

Thông thường, một đợt hồi phục của một chu kỳ kinh tế sẽ bắt đầu bằng sự đi lên của giá hàng hoá vì nó cho thấy nhu cầu sản xuất và tiêu thụ tăng. Trong giai đoạn này, mối tương quan giữa chỉ số giá hàng hoá và chỉ số chứng khoán là tương đối cao...

Hiện nay mối tương quan giữa chỉ số chứng khoán và chỉ số giá hàng hoá đang nằm ở mức cao, sau giai đoạn giảm giá mạnh. Nền kinh tế Việt Nam chỉ mới ở bước đầu của sự phục hồi. Vì thế, từ nay đến cuối năm là cơ hội tốt để đầu tư dài hạn khi nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định và sau đó là tăng trưởng, mặc dù trong ngắn hạn chỉ số VN-Index vẫn còn có khả năng điều chỉnh ít nhiều.

Theo Hải Lý
SGTT

Đọc thêm