Các quy chế do HĐQT Vinaconex ban hành có gì khiến cổ đông phản ứng?

(PLVN) - Mặc dù dự kiến chương trình họp Đại hội đồng cổ đông của Vinaconex không đề cập đến việc thảo luận các nội dung quy chế quản trị và quy chế tài chính mới được HĐQT ban hành, nhưng việc các quy chế này gia tăng quyền lực cho cá nhân Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đã khiến một số cổ đông yêu cầu HĐQT đưa nội dung này vào thảo luận trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/6.
Các quy chế do HĐQT Vinaconex ban hành có gì khiến cổ đông phản ứng?

Trước đó, ngày 1/2/2019, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinconex đã ký ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty và quy chế về tổ chức, hoạt động của HĐQT Công ty. Đây là những quyết định đầu tiên mang tầm “vĩ mô” của bộ máy quản trị mới được bầu ngày 11/1/2019, sau khi cổ đông An Quý Hưng mua trọn lô 255 triệu cổ phiếu của SCIC tại Vinaconex.

Tuy nhiên, hai quy chế này khiến nhiều cổ đông lớn lo lắng, nhất là các cổ đông đang có đại diện trong HĐQT.  

Tại Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT Vinaconex, Công ty đã gia tăng quyền lực đáng kể cho cá nhân chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Đây có thể nói là sự thay đổi “toàn diện” so với thời điểm trước đó, khi nhà nước có nắm giữ đa số tuyệt đối vốn tại Vinaconex thông qua hai pháp nhân là Viettel và SCIC.

Theo quy chế quản lý tài chính mới được HĐQT Vinaconex ban hành, HĐQT quyết định đầu tư ra ngoài công ty với giá trị đầu tư bằng từ 10% đến 35% giá trị tài sản; Chủ tịch HĐQT có quyền quyết định đầu tư ra ngoài công ty với các dự án có giá trị từ 5 đến 10% giá trị tài sản Công ty; Tổng giám đốc có quyền quyết định đầu tư đến 5% giá trị tài sản của Công ty. Thẩm quyền tương tự được áp dụng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản, cho thuê, cầm cố, thế chấp tài sản của công ty.

Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Vinaconex, giá trị tài sản của Công ty khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Tính sơ sơ thì thẩm quyền quyết định của Chủ tịch HĐQT trong việc đầu tư dự án, mua sắm tài sản, cầm cố, thế chấp tài sản đến 10% giá trị tài sản theo báo cáo tài chính thì con sô này cũng lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Trước đó, khi SCIC và Viettel chưa thoái vốn thì thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT Vinaconex được quyết định các dự án đầu tư đến 15 tỷ đồng. Nếu so sánh hai con số này thì có thể thấy, thẩm quyền của chủ tịch HĐQT trong việc quyết định các dự án đầu tư đã tăng gấp 166 lần.

Trong quy chế tổ chức, hoạt động của HĐQT, HĐQT Vinaconex cũng giao cho Tổng giám đốc quyết định các công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quyết toán đầu tư các dự án với giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 5% giá trị tài sản của Công ty, quy đổi ra tiền thì bằng gần 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm 2018. Trong khi đó, thời điểm mà cổ đông An Quý Hưng chưa mua cổ phần của SCIC, Tổng giám đốc chỉ được quyền quyết định tối đa là 5 tỷ đồng.

Với một “đế chế” gồm 22 công ty con, 18 công ty liên kết và tài sản đã xấp xỷ 1 tỷ USD thì việc quản trị công ty theo hướng giao gần hết quyền quan trọng cho các cá nhân thì những lo lắng của cổ đông rõ ràng là có cơ sở.

Nhận xét về vấn đề này, Luật sư Trần Anh Tú - ĐLS TP Hà Nội cho biết, với các công ty lớn thì các dự án đầu tư, mua sắm tài sản hay các giao dịch dân sự, kinh tế có tỷ lệ so tổng giá trị tài sản tuy nhỏ nhưng số tiền quy đổi thực sự là các con số rất lớn. Vì 5% của 20 nghìn tỷ tài sản của một công ty lớn sẽ là con số rất lớn.

“Ở các công ty có giá trị tài sản lớn, quy định thẩm quyền quyết định đầu tư theo tỷ lệ % giá trị tài sản của công ty là không hợp lý. Bởi lẽ, thoạt nhìn thì tỷ lệ % này là con số nhỏ (chỉ 5% đến 10%) nhưng do giá trị tài sản của công ty rất lớn nên số tiền đầu tư thực sự rất lớn. Thực chất đây là các dự án đầu tư, mua sắm lớn với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Quy định này tạo ra thực trạng là đa số các dự án đầu tư có quy mô vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ sẽ do Chủ tịch HĐQT quyết định, có thể loại bỏ vai trò của HĐQT và Đại hội đồng cổ đông đối với các dự án này. Do đó, đây là sự phân quyền không hợp lý”, Luật sư Trần Anh Tú phân tích.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng, với các công ty lớn như Vinaconex, các dự án đầu tư bằng hoặc lớn hơn 35% giá trị tài sản không nhiều, nên việc quy định như quy chế tài chính của Vinaconex hiện nay thì các cổ đông nhỏ hoặc nhóm cổ đông không có đại diện trong HĐQT sẽ gần như mất quyền kiểm soát với các dự án nhỏ hơn 35% giá trị tài sản của công ty, do các dự án này do HĐQT hoặc Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc quyết định. Như vậy, các cổ đông nhỏ đã mất quyền quyết định và giám sát đối với các dự án quan trọng này.

Với thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc đặc biệt lớn như các quy chế mới đã được HĐQT thông qua thì rõ ràng là không thể khiến các cổ đông lớn, những tổ chức và cá nhân đang có nhiều tài sản tại Vinaconex an tâm được. Không tính đến các yếu tố rủi ro có thể xảy ra do những yếu tố khách quan và chủ quan của người ra quyết định, việc tập trung quyền lực tài chính vào tay một cá nhân sẽ khó tránh khỏi việc lạm quyền và những tham nhũng, lãng phí, thất thoát hoàn toàn có thể xảy ra.

Với thực tế này, việc các cổ đông lớn, nhỏ phản ứng và yêu cầu thảo luận vấn đề gia tăng quyền lực cho các cá nhân vốn là đại diện của cổ đông An Quy Hưng, làm rõ tại phiên họp của Đại hội đồng cổ đông là có thể hiểu được.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm