Chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục hút vốn ngoại?

(PLVN) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2019 ghi nhận mức tăng điểm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, đây cũng là năm ghi dấu ấn về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) khi dòng vốn gián tiếp này duy trì mức 2,7 tỷ USD. Cùng với Luật Chứng khoán mới vừa được Quốc hội thông qua, TTCK Việt Nam năm 2020 được nhận định tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ĐTNN.

Dấu ấn 2019

Kết thúc năm 2019, VN-Index đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với cuối năm 2018, sau khi đã vượt được mốc 1.000 điểm vào đầu tháng 11/2019. TTCK Việt Nam 2019 được đánh giá tăng trưởng cao hơn so với các nước trong khu vực và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn ĐTNN.

Quy mô thị trường cổ phiếu giữ vững đà tăng trưởng. Với tổng số 1.622 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết/đăng ký giao dịch trên hai Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt gần 1.402 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2018. 

Quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh và đạt 4.384 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP năm 2018 và 72,6% GDP năm 2019. 

Chỉ trong vòng năm năm, từ con số 1 DN có vốn hóa trên 1 tỷ USD, đến nay con số này đã trên 30 DN niêm yết trên hai Sở GDCK. Với quy mô vốn hóa như hiện tại, TTCK Việt Nam đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế.

Năm 2019, nhà ĐTNN đã mua ròng gần 7.516 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và mua ròng hơn 13.738 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng giá trị danh mục của nhà ĐTNN lên khoảng 36,4 tỷ USD, tăng 11,6% so với cuối 2018, thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà ĐTNN với TTCK Việt Nam.

Đáng chú ý, năm 2019, dòng vốn ĐTNN đã có sự dịch chuyển tập trung thông qua các thương vụ mua cổ phần lớn. Các thương vụ tiêu biểu là SK Group chi 1 tỷ USD sở hữu 6,15% cổ phần VIC của Vingroup, Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore GIC mua gần 14 triệu cổ phần MSN của CTCP Tập đoàn Masan, KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần BID của Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) trị giá khoảng 882 triệu USD. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng hoàn tất việc bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho Tập đoàn FWD Sumitomo Life mua 41 triệu cổ phần BVH trị giá 173 triệu USD...  

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM trong một chuyến thăm chính thức Việt Nam
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM trong một chuyến thăm chính thức Việt Nam 

Năm 2020, nhiều thông tin tích cực từ thị trường

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2020, TTCK Việt Nam  vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan. Đó là lạm phát và tỷ giá kỳ vọng tiếp tục được duy trì ổn định nhờ sự điều hành của Chính phủ những năm qua.

2020 cũng là năm cuối cùng để các ngân hàng thương mại phải niêm yết lên sàn và đạt chuẩn Basel II cùng với kỳ vọng nâng hạng TTCK theo tiêu chí của FTSE Russel. Và theo các chuyên gia, nếu TTCK được nâng hạng thì lập tức sẽ có hơn 1 tỷ USD chảy vào thị trường.

Báo cáo triển vọng TTCK 2020 do CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) phát hành mới đây đã nhận định, mặc dù trong năm 2020, khả năng các nhà ĐTNN đổ tiền vào thị trường mới nổi và cận biên thực sự không cao, song các nhà đầu ngoại sẽ đầu tư mang tính có chọn lọc và một vài thị trường có thể được ưa chuộng hơn phần còn lại. 

Đối với TTCK Việt Nam, theo phân tích của VDSC, khối ngoại liên tục mua ròng trong hai năm qua, trong khi làn sóng bán ròng đã có phần chững lại khi mức độ bán ròng giảm mạnh từ hơn 16.000 tỷ trong năm 2018 xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2019. Thậm chí, khối ngoại đã mua ròng mạnh với gần 3.000 tỷ đồng chỉ sau bốn tháng đầu năm 2019 và chỉ chuyển sang bán ròng do diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng. 

VDSC kỳ vọng hoạt động của khối ngoại trên sàn trong năm 2020 có thể tích cực hơn, do có nhiều yếu tố hỗ trợ, nhất là từ tín hiệu tích cực của các quỹ ETF (một hình thức quỹ đầu tư vào chỉ số). 

Luật Chứng khoán mới, thêm lực hút dòng vốn ngoại

Trong năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua. Mặc dù Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021, song đây là tín hiệu tích cực cho TTCK nói chung và thu hút vốn ĐTNN nói riêng ngay trong năm 2020. Luật Chứng khoán mới được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến diễn biến TTCK, nhất là dưới góc độ thu hút vốn ngoại.

Bên cạnh các vấn đề liên quan quy định về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nâng thẩm quyền và tăng tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tăng mức phạt với các sai phạm trên thị trường,… các nội dung của Luật còn nổi bật lên vấn đề về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại). Ngoại trừ các trường hợp có quy định riêng, room ngoại tại các DN niêm yết là 100%.

Được biết, theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, các công ty không thuộc các ngành kinh doanh có điều kiện có thể chủ động xin nới room lên 100%. Tuy nhiên, thực tế từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực cho đến nay, trên TTCK Việt Nam chỉ có hơn 30 DN chính thức nới room lên mức 100%. Điều này cho thấy mặc dù đã có quy định khá “mở”, nhưng trên thực tế đã không giúp cải thiện đáng kể yếu tố room ngoại như thị trường kỳ vọng trước đó.

Một thực tế nữa với các tổ chức ĐTNN, các quỹ này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn DN để đầu tư. Thực tế là đa số các DN làm ăn bài bản, tăng trưởng ổn định và vốn hóa, giá trị giao dịch đủ lớn, rất được nhà đầu tư ngoại ưa thích hiện đã kín room. Do vậy, Luật Chứng khoán mới được kỳ vọng sẽ giúp số DN có room ngoại ở mức 100% tăng mạnh, dòng vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đột biến.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: 

“Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lạc quan TTCK Việt Nam”

Tại buổi Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2020 hôm 2/1/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình tài chính toàn cầu biến động mạnh, nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi thị trường mới nổi, thị trường cận biên; thì dòng vốn đầu tư gián tiếp của nhà ĐTNN vẫn vào ròng 2,7 tỷ USD. Điều này thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư ngoại với TTCK Việt Nam. 

Ông Dũng cũng bày tỏ tin tưởng khi Luật Chứng khoán mới thực thi sẽ giúp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao năng lực, chất lượng, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả bền vững, thu hút thêm dòng vốn ngoại vào thị trường. 

“Bước sang năm 2020, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình kinh tế, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và hoàn tất công tác cổ phần hóa DN nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tôi tin tưởng rằng với ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được ban hành, TTCK Việt Nam 2020 tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng, là kênh huy động và dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng:

“Chúng tôi có cái nhìn tích cực về sự phát triển của thị trường trong năm 2020”

Tại Hội thảo công bố 10 sự kiện chứng khoán Việt Nam tiêu biểu năm 2019, Chủ tịch UBCKNN, ông Trần Văn Dũng cho biết, dòng vốn ngoại mua ròng trên thị trường cổ phiếu Việt Nam năm 2019 là hơn 2,7 tỷ USD; danh mục chứng khoán của nhà ĐTNN nắm giữ vào cuối năm 2019 là 36,4 tỷ USD, tăng so với mức hơn 34 tỷ USD của năm 2018; quy mô TTCK 2019 cũng tăng hơn 10% so với năm 2018. Ngoài ra, các chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm qua rất tốt, thị trường trái phiếu chính phủ và cổ phiếu có sự phát triển, các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) tiếp tục gia tăng.

“Với những nền tảng tích cực trên cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, nhiều giải pháp phát triển TTCK đang được thúc đẩy, chúng tôi có cái nhìn tích cực về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong năm 2020”, Chủ tịch UBCKNN kỳ vọng. 

Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Đức Hùng Linh:

“Thị trường diễn biến khả quan, ít nhất trong quý I năm 2020”

Theo chuyên gia đến từ SSI, trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, xu hướng đầu tư vào cổ phiếu của các nhà đầu tư trên thế giới ngày càng trở nên tích cực. Thực tế xu hướng này cũng diễn ra trên TTCK Việt Nam trong tháng cuối năm 2019, mặc dù nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng nhưng chỉ tập trung cục bộ vào một số cổ phiếu, trong khi có việc mua ròng ở nhiều cổ phiếu khác. Thị trường kỳ vọng xu hướng này sẽ thể hiện rõ hơn trong những tháng đầu năm 2020.

“Có thể thấy, rủi ro trong năm 2020 ít hơn khá nhiều so với năm trước. Khó có thể dự đoán về xu hướng TTCK trong cả năm 2020 nhưng ít nhất trong quý I năm 2020, thị trường sẽ có diễn biến khả quan”, ông Linh nói.

Đọc thêm