Dư âm phiên họp năm 2019 ám ảnh phiên họp thường niên năm 2020 của Vinaconex

(PLVN) - Phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vinaconex sẽ được tổ chức vào ngày 29/6 tiếp tục được cổ đông và giới đầu tư quan tâm không chỉ do dư âm của phiên họp thường niên năm 2019 mà cổ đông và giới đầu tư cũng muốn nhìn thấy thay đổi của Vinaconex sau hơn 1 năm nằm trong sự kiểm soát của nhóm cổ đông mới – An Quý Hưng.
Dư âm phiên họp năm 2019 ám ảnh phiên họp thường niên năm 2020 của Vinaconex

Sau tròn một năm, ngày 29/6/2020, Đại hội đồng cổ đông Vinaconex tiến hành phiên họp thường niên để thông qua các báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.

Cũng giờ này năm trước, tình hình Vinaconex trở nên rất “nóng” bởi những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông An Quý Hưng với nhóm cổ đông nắm giữ gần 30% vốn điều lệ trong việc điều hành công ty, dẫn đến vụ kiện tại TAND quận Đống Đa và việc Tòa ra lệnh tạm dừng thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bất thường và dừng hoạt động HĐQT và Ban kiểm soát mới được bầu.

Do những mâu thuẫn trước khi phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên xảy ra nên phiên họp năm 2019 đã diễn ra khá căng thẳng. Ngay từ khâu tổ chức, Ban tổ chức đại hội đồng cổ đông đã gia tăng lực lượng bảo vệ và thực hiện phá sóng điện thoại, một việc làm được cho là không cần thiết nhưng phản ánh đúng tình trạng mâu thuẫn trong các cổ đông và sự lo lắng của lãnh đạo công ty.

Thậm chí, tại phiên họp này, các cổ đông còn chứng kiến màn đấu khẩu giữa lãnh đạo công ty và một số cổ đông tham dự phiên họp dẫn đến việc ông Đào Ngọc Thanh yêu cầu bảo vệ “trục xuất” một nữ cổ đông ra khỏi phòng họp. Việc làm này chưa có tiền lệ, đã tạo nên một hình ảnh không đẹp trong phiên họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông VCG.

Sau phiên họp thường niên đầy sóng gió năm 2019, tình hình Vinaconex trở lại bình thường và cổ đông lớn An Quý Hưng vẫn thực hiện kiểm soát công ty trên mọi mặt, từ hoạt động quản trị, điều hành đến hoạt động kiểm soát.

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Vinaconex, tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019 của VCG tiếp tục ổn định, tập trung vào 3 mảng kinh doanh chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính. 

Báo cáo thường niên của VCG ghi nhận mức doanh thu năm 2019 giảm nhiều so với năm 2018 (giảm gần 200 tỷ đồng), song mức lợi nhuận lại tăng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của VCG là 787 tỷ đồng (năm 2018 là 639 tỷ đồng). So sánh trong 3 năm liên tục thì năm 2017, VCG có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất và năm 2019, sau khi nhóm cổ đông An Quý Hưng kiểm soát VCG, doanh nghiệp này vẫn chưa đạt được mức doanh thu và lợi nhuận năm 2017.

Theo báo cáo của HĐQT, năm 2019, HĐQT dưới sự kiểm soát gần như tuyệt đối của nhóm cổ đông An Quý Hưng đã tiến hành nhiều biện pháp siết chặt quản lý, thay đổi biện pháp quản trị, nhất là đối với các chi phí đầu vào nên VCG đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 112% so với kế hoạch và lợi nhuận hợp nhất đạt 106%.

Báo cáo thường niên của VCG cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động của công ty trong năm 2019. Trong đó, HĐQT công ty không quên đổ lỗi cho nhóm cổ đông đã yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, yêu cầu tạm dừng thực hiện nghị quyết dẫn đến việc HĐQT và Ban kiểm soát được bầu theo nghị quyết này phải dừng hoạt động.

Ngoài ra, HĐQT Vinaconex cũng cho rằng, các kết quả đạt được của công ty còn chưa tương xứng với vị thế và năng lực của Vinaconex trên thị trường; còn một số dự án chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến lãng phí nguồn lực của Công ty.

Hiện nay, mã chứng khoán VCG đang được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mức giá giao dịch khoảng 26 nghìn đồng/cổ phần, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Còn nhớ, trong thời gian đầu kiểm soát VCG, HĐQT do nhóm cổ đông An Quý Hưng chi phối đã có nghị quyết về việc đầu tư 714 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ của Vinaconex với giá 28 nghìn đồng/cổ phần. Bằng bài toán đưa ra là sẽ đưa giá cổ phiếu VCG lên trên 40 nghìn đồng/cổ phần, Vinaconex sẽ thu lợi lớn từ hoạt động đầu tư tài chính này. Với giá cổ phiếu VCG hiện nay thì nếu kế hoạch này được thực hiện một năm trước thì khoản đầu tư vào cổ phiếu quỹ có thể đã trở thành cú đầu tư gây lỗ năm đầu tiên khi kiểm soát Vinaconex của nhóm cổ đông An Quý Hưng.

Mặc dù hoạt động kinh doanh của Vinaconex từ năm 2019 trở đi đã tập trung vào 3 mục tiêu chính là xây dựng – bất động sản và đầu tư nhưng qua năm 2019, nhà đầu tư còn nhiều điều phải lo lắng bởi đóng góp chủ yếu vào con số lợi nhuận tăng trưởng cao là các phần lãi từ hoạt động tài chính, đầu tư hoặc thu nhập khác, trong khi đó tăng trưởng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của công ty khá thấp. Đáng chú ý, trong số 138,7 tỷ đồng thu nhập khác mà VCG ghi nhận, có đến 82,3 tỷ đồng (chiếm 60%) là ghi nhận hoàn nhập dự phòng bảo hành các tòa chung cư, tương ứng hạch toán lợi nhuận trên sổ sách, không có dòng tiền thực thu về.

Lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên dòng tiền của VCG không được tích cực như vậy khi báo cáo tài chính cho biết dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm đến 1.493 tỷ đồng với nguyên nhân chủ yếu là các khoản mục phải thu tăng mạnh 2.417,7 tỷ đồng trong năm qua.

Dòng tiền kinh doanh âm trong khi nhu cầu đầu tư còn lớn dẫn đến hệ quả một mặt nguồn tiền dự trữ của VCG đã giảm mạnh. Số dư tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến cuối năm 2019 trên trên báo cáo tài chính hợp nhất giảm gần 631 tỷ đồng so với đầu năm, khiến doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi có xu hướng giảm.  

Đọc thêm