Thị trường chứng khoán lao dốc sau phiên hồi phục

(PLVN) - Đúng như nhận định mới đây của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng, hôm qua (19/3), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại lao dốc sau 1 phiên tăng điểm hiếm hoi, bất chấp thông tin Bộ Tài chính ban hành Thông tư giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán...
TTCK sẽ có những biến động lên xuống đan xen những ngày tới
TTCK sẽ có những biến động lên xuống đan xen những ngày tới

Kịp thời giảm giá, miễn phí dịch vụ hỗ trợ thị trường

Ngày 17/3 vừa qua, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ giảm giá một số loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, dự kiến sẽ ban hành ngay trong tuần. Cuộc họp báo thông tin về nội dung này dự kiến tổ chức vào chiều 19/3 cũng bị hủy vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Thông tư 14/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 đã được Bộ Tài chính ban hành hôm 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ TTCK trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, giảm giá 10% đối với 3 dịch vụ gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sin, dịch vụ lưu ký chứng khoán; giảm từ 15%-20% đối với 2 dịch vụ gồm: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên TTCK phái sinh; Và giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Đồng thời không thu - miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ. 

Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020). Trường hợp tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết. 

Theo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát tất cả các dịch vụ chứng khoán do Nhà nước định giá, trên cơ sở đó đã kịp thời ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC.

Diễn biến thị trường nằm trong dự báo

Ngay sau thông tin sẽ giảm giá một số loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, trong phiên giao dịch hôm 18/3, TTCK Việt Nam đã có một phiên khởi sắc sau hơn 1 tuần lao dốc khá sâu, thị trường ngập sắc xanh, các chỉ số đều tăng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,80 điểm (+0,91%), lên 752,58 điểm; HNX-Index tăng 1,66 điểm (+1,65%), lên 102,39 điểm; UpCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,6%), lên 50,62 điểm. 

Đáng chú ý, TTCK Việt Nam hôm 18/3 tăng điểm trong bối cảnh nhiều TTCK trong khu vực đồng loạt đi xuống. Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chính sách hỗ trợ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước và UBCKNN tiếp tục tác động tích cực giúp TTCK Việt Nam tiếp đà khởi sắc, trong bối cảnh các DN liên tiếp đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ trong các phiên gần đây.

Tuy nhiên sắc xanh đã không được duy trì khi phiên giao dịch sáng 19/3, TTCK Việt Nam lại chứng kiến phiên lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 27,3 điểm (-3,65%), xuống 720,36 điểm; HNX-Index giảm 1,28 điểm (-1,26%), xuống 100,56 điểm, UpCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,87%), xuống 49,94 điểm.

Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do TTCK thế giới và khu vực tiếp tục giảm điểm sâu sau quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trước đó, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dùng đã đưa ra nhận định rằng các gói giải pháp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của Mỹ và các nước là cần thiết. Tuy nhiên, việc FED cắt giảm lãi suất quá mạnh và tuyên bố trong tình trạng khẩn cấp, không theo lịch trình họp định kỳ đang làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam. “Do vậy, tình hình TTCK thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng trong những ngày tới khả năng sẽ có những biến động lên xuống đan xen với tần suất khá lớn...”- Ông Dũng nhận định.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBCKNN tái khẳng định, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”. 

Chủ tịch UBCKNN cũng cho rằng, nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, thì với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta vẫn có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.

Đọc thêm