Chúng ta đang cô đơn trong nhà mình?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày nay, nếu muốn, chúng ta có thể trò chuyện với bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta có thể có một cuộc sống đáng mơ ước, sôi nổi trên mạng xã hội. Thế nhưng, với người thân, bỗng một ngày, người ta thương đã nghìn trùng xa cách, dù ngay ở bên. Những đứa trẻ cũng đơn độc ngay trong nhà mình…
Chúng ta đang cô đơn trong nhà mình?

Sự im lặng của… đổ vỡ

Ai cũng bước vào hôn nhân với niềm tin tuyệt đối, rằng người ta thương nhất định sẽ không thể phụ ta. Rằng ta hết lòng, hết dạ và hy sinh mọi điều để vun vén cho gia đình nhỏ, người bên cạnh ta nhất định sẽ được hạnh phúc… Thế nhưng, không phải vậy, những yêu thương, cằn nhằn ban đầu là niềm sung sướng với người chồng. Những hy sinh tận tụy của người vợ thuở ban đầu khiến người chồng rưng rưng cảm động…

Sau thời gian, những rung động ấy trở thành nỗi khó chịu, sự mặc nhiên, tất yếu. Và khi người chồng phớt lờ những lo lắng, thương yêu, sự vất vả của người vợ thì mặc nhiên, hai con người đã từng nắm tay nhau bước vào hôn nhân trong yêu thương đã tự đẩy nhau ra xa. Thậm chí, khi cuộc sống càng đủ đầy, khoảng cách đó càng xa hơn. Bởi cuộc sống rộng mở, những áp lực, niềm vui không sẻ chia, mỗi người tự bước đi trong thế giới của riêng mình. Tới một ngày, dẫu ở bên cạnh, họ đã hoàn toàn lạc lối bên nhau…

Một người vợ chia sẻ: “Sống với chồng, tôi tủi thân và buồn lòng. Chồng người ta tự giác chia sẻ với vợ, chồng mình quá thờ ơ và vô tâm. Tôi 31 tuổi, chồng 33 tuổi, kết hôn được năm năm và có bé gái hơn hai tuổi, cuộc sống khá hạnh phúc và tạm đủ tại thành phố nhỏ này. Anh hiền lành, chu đáo nhưng lại gia trưởng, kỹ tính. Tôi dịu dàng, ít nói. Thời gian đầu sau cưới, chúng tôi ở trọ nhưng sau hai năm quyết định xây nhà và vay ngân hàng một khoản tiền. Mấy tháng đầu mới cưới, lương hàng tháng anh đều đưa tôi, thẻ ATM anh cũng để tôi giữ. Sau đó anh đòi lấy lại vì nhiều lúc muốn rút tiền hay đi đâu cũng phải xin tôi. Tôi đồng ý trả lại thẻ cho anh, cũng từ ngày đó anh không đưa lương cho tôi nữa. Tôi không trách vì hàng tháng anh đã gánh nợ ngân hàng rồi.

Đồng nghiệp khoe tháng nào chồng cũng chuyển khoản tiền lương cho vợ dù ít hay nhiều. Tôi hỏi bạn thân cũng bảo tháng nào chồng cũng đưa lương. Có những tháng, lương tôi không đủ để đóng học phí cho con vì phát sinh nhiều khoản. Tôi gửi bảng học phí của con anh mới chủ động chuyển khoản cho trường, còn không tháng nào tôi cũng phải xoay xở tiền chi phí trong gia đình.

Hàng ngày đi làm về anh đón con vì tôi đi làm về muộn hơn. Tôi làm về ghé chợ mua đồ ăn về nấu nướng, anh đi chơi thể thao tới bảy giờ tối mới về. Ăn uống, dọn dẹp, tắm rửa xong xuôi cũng 10 giờ tối, tôi đi ngủ để ngày mai lại làm việc. Có hôm anh đi nhậu với bạn bè tới một giờ sáng mới về. Thời gian đầu tôi hay góp ý và trách anh, rằng đi cũng được nhưng phải biết điểm dừng, về khuya vừa hại sức khỏe lại ảnh hưởng công việc ngày hôm sau. Anh nghe xong rồi bỏ đó, không thay đổi.

Gia đình, trường học đầu tiên về lòng biết ơn, sự vị tha và những yêu thương còn lại, sau tất cả. (Ảnh minh họa)

Gia đình, trường học đầu tiên về lòng biết ơn, sự vị tha và những yêu thương còn lại, sau tất cả. (Ảnh minh họa)

Dần dần tôi cũng không kêu ca hay phàn nàn việc này nữa, nặng lời hay trách móc anh vẫn đi. Mọi việc trong nhà anh luôn muốn tôi làm theo ý của anh. Nếu không may tôi làm sai hoặc không vừa ý, anh sẽ tỏ thái độ khó chịu và trách mắng. Cuộc sống hôn nhân cứ diễn ra như vậy trong năm năm qua, khiến tôi mệt mỏi và cô đơn. Khi mọi việc trong nhà tôi tự lo, tự sắp xếp, không có sự chia sẻ từ anh, thì khi ấy, tôi đã dần quen với cuộc sống một mình. Chỉ cần giọt nước tràn ly là anh có thể bước ra khỏi cuộc đời của tôi nhẹ nhõm”…

Theo nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP HCM báo cáo tại Tọa đàm “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” thì hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ ngày càng cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước. ThS. Trần Lâm Kim Phượng, Trường Đại học Văn hóa TP HCM cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định ly hôn, tuy nhiên, một lý do mà nhiều cặp đôi đưa ra (nhất là phía phụ nữ) là mối quan hệ vợ chồng không có sự chia sẻ, ít dành thời gian cho nhau.

Phần lớn các gia đình, hai vợ chồng sau một ngày dài đi làm trở về nhà, chỉ chào nhau, ăn uống, dọn dẹp rồi người thì chăm chú xem ti vi, người thì cầm điện thoại mải mê lướt Facebook, Zalo, Youtube, game... Điều đó khiến cho thành viên còn lại cảm thấy cô đơn, nhàm chán ngay cả khi ở bên cạnh bạn đời và lẻ loi trong chính ngôi nhà của mình. Lâu dần cuộc sống không còn sự kết nối, chia sẻ, ai cũng có thú vui riêng thì khoảng trống vô hình giữa hai người sẽ ngày càng lớn dần.

Chia sẻ về vấn đề này, rất nhiều người có cùng tâm sự, những người chồng thường xuyên sử dụng điện thoại cả ngày lẫn đêm, giờ ăn cơm thì chăm chú xem ti vi, không quan tâm đến vợ con, ít hoặc không chia sẻ việc nhà. Vợ hỏi thì trả lời hoặc không tập trung với những lời nói từ vợ, lâu dần chính những người vợ cảm thấy chai sần, họ cũng chẳng hỏi nữa, chẳng tâm sự nữa. Từ đó, tình cảm vợ chồng cũng ít mặn mà hơn, ít chia sẻ hơn, dễ dàng phai nhạt theo thời gian.

Những đứa trẻ cô đơn

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh cũng nhận ra sự biến đổi về chức năng gia đình: chức năng xã hội hóa của gia đình thiên về xu hướng giáo dục tri thức, không chú ý coi trọng đến giáo dục nhân cách cho trẻ em. Trẻ em phải đi học thêm, đây là áp lực đối với quá trình phát triển của trẻ. Việc buông lỏng chức năng giáo dục nhân cách của gia đình bằng tình cảm yêu thương, bằng việc nêu gương hàng ngày của cha mẹ rất dễ gây ra hậu quả là con có lối sống, nhân cách lệch lạc, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân, tham gia vào các tệ nạn xã hội. Về chức năng thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các thành viên trong gia đình thì có phần suy giảm. Bởi lẽ, ở các đô thị lớn như TP HCM hiện nay, gia đình không còn là địa chỉ duy nhất thỏa mãn nhu cầu tinh thần nữa, các thành viên có những sự lựa chọn các phương tiện truyền thông giải trí hấp dẫn, mạng xã hội Facebook, Zalo, Internet với nhiều tiện ích khác. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông và công nghệ đã trở thành phương tiện thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các thành viên trong gia đình mọi lúc, mọi nơi. Cha mẹ không có thời gian cho con cái. Trong gia đình, các thành viên hạn chế giao tiếp, trao đổi tình cảm, ai cũng dành thời gian dùng điện thoại và mạng xã hội.

Gia đình còn là nơi người ta học tôn trọng lẫn nhau, học tha thứ và bao dung với lầm lỗi của người khác.

Gia đình còn là nơi người ta học tôn trọng lẫn nhau, học tha thứ và bao dung với lầm lỗi của người khác.

Nhiều học sinh cũng than vãn rằng đã thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Dù ở cùng nhà nhưng ít khi được gặp bố mẹ, ít khi được tâm sự, trò chuyện, chỉ vì lý do: “Bố lo chăm chú vào điện thoại, lướt mạng”, “Mẹ lo tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp”.

Khác với cái nhìn định kiến thông thường cho rằng gia đình Việt Nam truyền thống vốn gắn bó chặt chẽ, và nếu như nó đang dần trở nên lỏng lẻo thì là do ảnh hưởng của lối sống ích kỷ, trọng vật chất của xã hội tư bản phương Tây. Nhưng thực tế, xã hội phương Tây rất xem trọng gia đình. Sau giờ làm việc, hầu hết nam giới có gia đình đều về nhà, cùng vợ chăm sóc cửa nhà, con cái, kể cả những người có vợ chỉ làm nội trợ.

Ở quán ăn, nhà hàng người ta đi có vợ, có chồng, hoặc cả gia đình. Văn phòng của họ, nơi làm việc thường treo ảnh vợ con. Đi làm việc ở nước khác, nhất thiết là phải đưa cả gia đình đi.

Trong khi, gia đình là trường học đầu tiên nơi người ta bắt đầu học nhận thức về mình như một cá nhân, học cách dung hòa những nhu cầu của mình và của người khác, học cách cho và nhận. Gia đình còn là nơi người ta học tôn trọng lẫn nhau, học tha thứ và bao dung với lầm lỗi của người khác.

Con người dù là ai cũng cần một bến đỗ bình yên để lấy lại sức lực sau những phong ba của cuộc đời. Dù khỏe mạnh, thành công, giàu có, xinh đẹp, không dài thì ngắn, người ta đau ốm, thất bại, túng thiếu, nhan sắc tàn phai, bị cấp trên sỉ nhục, bị người đời lừa gạt, bị bạn bè phản bội… Những lúc đó người ta dựa vào niềm tin và tình yêu thương gia đình để có thể vượt qua và đi tới.

Do đó, gia đình là nơi lắng nghe nhau và đặt mình vào người thân để hiểu họ. Gia đình không phải là nơi để tranh thua thắng, đúng sai, hơn thiệt, mà là nơi người ta đặt niềm tin và nắm chặt tay nhau vô điều kiện. Vị tha, biết ơn và trân trọng những gì người khác mang lại là cội nguồn của những cảm xúc tích cực.

Có người đã ví, tình yêu, hôn nhân cũng giống như một tài khoản ngân hàng, tức không phải một thứ bất biến, mà có thể đầy thêm hay vơi bớt. Mỗi cử chỉ yêu thương, mỗi lời nói, hành động tốt đẹp là một khoản chúng ta gửi thêm vào “tài khoản” ấy. Mỗi lời nói xúc phạm, mỗi cử chỉ thô lỗ, mỗi hành động xấu là một khoản bị rút đi. Nếu cứ bị rút hoài mà không có gì gửi thêm vào, tài khoản ấy sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Và cũng như mọi khoản đầu tư khác, bao giờ cũng có rủi ro. “Đầu tư” thời gian, tâm hồn, tình yêu, tiền bạc, công sức cho gia đình cũng thế. Không có gì chắc chắn là yêu thương thì sẽ được đáp lại, hy sinh thì sẽ được ghi nhận, đặt lòng tin thì sẽ nhận được sự trung thành, chung thủy. Bởi lẽ, tình yêu, hôn nhân không phải sự mặc nhiên, thờ ơ, mà cần sự chăm chút và nuôi lớn mỗi ngày…

ThS. Trần Lâm Kim Phượng, Trường Đại học văn hóa TP HCM: Sự lạnh nhạt lâu dần sẽ thành “giọt nước tràn ly”

“Mối quan hệ vợ chồng tưởng chừng đã được mặc định từ khi ký với nhau giấy đăng ký kết hôn, nhưng tình cảm vợ chồng như việc nấu ăn vậy, không phải bạn bày bữa ăn ra bàn là đã thành công, bạn sẽ phải nêm nếm gia vị đủ liều mới ngon, ít thì nhạt mà nhiều quá chỉ có đổ bỏ đi. Nếu nửa kia nghiện mạng xã hội thì nên nghiêm túc ngồi lại với nhau, nhìn nhận lại vấn đề cần giải quyết, tránh im lặng để rồi mắc kẹt mãi với những suy nghĩ tiêu cực. Sự lạnh nhạt dần sẽ trở thành nguội lạnh đến lúc “giọt nước tràn ly” phải nói với nhau lời “giã từ” cuộc sống chung một mái nhà”.

Đọc thêm