Chương trình 'Dáng đứng Việt Nam': Lắng đọng nghĩa tình người lính Thành cổ

(PLO) - Tối 26/7, tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị hàng ngàn người dân cũng như các cựu chiến binh từ nhiều tỉnh thành trên tổ quốc, từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã đến theo dõi chương trình cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề "Dáng đứng Việt Nam", nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017).
Rất đông cựu chiến binh khắp cả nước đến theo dõi chương trình tại điểm cầu Quảng Trị
Rất đông cựu chiến binh khắp cả nước đến theo dõi chương trình tại điểm cầu Quảng Trị

Đây là một trong 4 địa điểm được chọn tổ chức cầu truyền hình trực tiếp, gồm: Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 (tỉnh Thái Nguyên), Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn (TP Hà Nội), Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) và Đền tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược (TP Hồ Chí Minh).

Các đại biểu về tham dự đêm lễ

Các đại biểu về tham dự đêm lễ

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự lễ kỷ niệm và dâng hương tri ân tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại điểm cầu này.

Chương trình "Dáng đứng Việt Nam” được xây dựng dựa trên ý tưởng từ những câu thơ ngợi ca khí phách oai hùng của các chiến sĩ Giải phóng quân đã không ngại hiểm nguy, gian khó, quyết hy sinh vì nền độc lập, tự do cho đất nước của nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân: 

"Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ..."

Một tiết mục nghệ thuật tại điểm cầu Quảng Trị

Một tiết mục nghệ thuật tại điểm cầu Quảng Trị

Ngày ấy, những người lính Thành cổ năm xưa đã rời trường đại học, gác bút nghiên khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi lên đường vào nơi mặt trận khốc liệt Quảng Trị chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. 

Trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 19/6/1972), Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom đạn. Trung bình, mỗi chiến sỹ phải hứng chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. 


Dưới làn mưa bom bão đạn, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, quyết tử cho tổ quốc sinh. Và rồi, rất đông trong số ấy đã hy sinh khi hình hài không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương thịt của các chiến sỹ đã hòa vào lòng đất, vào dòng sông Thạch Hãn huyền thoại. 

Hôm nay, sau 45 năm những cựu sinh viên Hà Nội năm xưa đã cùng trở lại đứng dưới Đài chứng tích sinh viên - chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị, cùng nhau ôn lại những ký ức, câu chuyện về ngày đầu nhập ngũ, những khó khăn, nỗi nhớ nhà da diết khi tham gia chiến đấu tại nơi đất khách...

Các cựu chiến binh, cùng hàng trăm người dân và các em học sinh tham dự lễ thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn

Các cựu chiến binh, cùng hàng trăm người dân và các em học sinh tham dự lễ thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn

Qua các thước phim, tư liệu và phóng sự "81 ngày đêm - khúc tráng ca Thành cổ", "Những trang nhật ký và một thế hệ mãi mãi tuổi 20", "Những món nợ của người lính già" và câu chuyện về những người chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị... đã phần nào tái hiện chặng đường vẻ vang của dân tộc, hồi tưởng về những ký ức cách mạng hào hùng diễn ra trên Vùng đất lửa. Qua đó, khán giả hiểu thêm những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra tại mảnh đất này. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, góp phần bồi đắp niềm tự hào và lòng yêu nước.

Có mặt tại chương trình, nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Nhâm (SN 1952, trú tại huyện An Dương, TP Hải Phòng) không khỏi bồi hồi xúc động. Cách đây 45 năm trước, khi vừa tròn đôi mươi, bà tạm gác con đường học tập, xung phong vào Quảng Trị tham gia kháng chiến và không may bị thương ở đầu.

Trong cuộc chiến ác liệt, hiểm nguy luôn rình rập, vết thương hay tái phát đau nhức nhưng nữ chiến binh ấy vẫn kiên trung, quyết tâm bảo vệ Thành cổ đến cùng. Và rồi cũng tại nơi chiến trường khốc liệt ấy, bà đã gặp người bạn đời của mình - một chiến sỹ Thành cổ quê ở Cần Thơ. Hôm nay cả hai vợ chồng bà từ Hải Phòng cùng nhau trở về thăm lại chiến trường cũ.

"Tối nay được gặp lại đồng đội cũ, được ôn lại chuyện xưa khiến ai nấy đều bồi hồi xúc cảm. Chương trình như đưa chúng tôi sống lại những năm tháng oai hùng ấy. Mỗi khi có điều kiện tôi đều quay lại mảnh đất Quảng Trị để thắp nén nhang tưởng niệm những người bạn đã nằm lại trên mảnh đất này" - bà Nhâm nói.

Cũng trong chương trình, đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các cựu chiến binh và người dân khắp mọi miền đất nước đã tổ chức thắp nến tri ân, thả hoa và đèn hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn huyền thoại.

Đọc thêm