Chương trình giáo dục phổ thông mới và nỗi lo thiếu giáo viên nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm học này, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức triển khai ở khối THPT. Một trong những nỗi lo của các trường và các địa phương là thiếu giáo viên khối nghệ thuật.
Các địa phương lo thiếu giáo viên khối nghệ thuật khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh họa)
Các địa phương lo thiếu giáo viên khối nghệ thuật khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh họa)

Cần bổ sung hàng chục ngàn giáo viên

Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT mới) được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành Giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp tiểu học; trên 5.300 giáo viên Nghệ thuật ở cấp THPT.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục đào tạo, yếu tố có tính chất nền tảng then chốt, thậm chí là mang tính quyết định đối với chất lượng giáo dục đào tạo, quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới chính là ở lực lượng giáo viên và vai trò của các trường khối ngành sư phạm.

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2022, nhiều địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nhằm đáp ứng Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; trong đó có việc tăng chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD - ĐT cho biết, trong mùa tuyển sinh năm nay, với những ngành thiếu giáo viên, Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm. Đồng nghĩa với việc trường đăng ký bao nhiêu chỉ tiêu, Bộ sẽ giao tối đa để đáp ứng yêu cầu.

Đồng thời, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, ngoài các ngành sư phạm truyền thống, nhà trường đã mở ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Sinh viên được đào tạo theo hướng tích hợp để sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc giảng dạy ở trường phổ thông.

Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế đã tích cực chuyển hướng đào tạo. PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bên cạnh việc mở các chuyên ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý, trường bổ sung kiến thức sư phạm liên môn cho sinh viên đang học tại trường; để khi tốt nghiệp, các em đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới. Ngoài ra, sinh viên của trường còn được bồi dưỡng giống như giáo viên phổ thông cốt cán để có thể chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình này khi ra trường.

Về công tác chuẩn bị nhân sự ở các trường phổ thông khi triển khai chương trình mới, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, một số bộ môn chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về giáo viên. Đơn cử, bậc trung học phổ thông yêu cầu 2 tiết/tuần với các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) nhưng hiện các trường không có nguồn tuyển giáo viên.

Do đó, ông Nguyễn Văn Hiếu tính tới giải pháp tình thế tuyển giáo viên liên trường thay vì tuyển dụng cho từng trường riêng lẻ trong bối cảnh thiếu giáo viên nghệ thuật hiện nay. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều quy định quản lý đi kèm như biên chế, số tiết dạy của giáo viên. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, tạo điều kiện cho giáo viên dạy các môn nghệ thuật ở cấp trung học cơ sở dạy học ở trung học phổ thông với điều kiện đáp ứng yêu cầu về giảng dạy…

Tăng cường đào tạo khối nghệ thuật

Tại buổi làm việc với Trường Đại học ĐH thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc đổi mới cơ cấu ngành nghề, chương trình đào tạo của trường sư phạm để phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông. Các trường cần điều chỉnh để tăng cường đào tạo giáo viên khối nghệ thuật phục vụ triển khai chương trình GDPT mới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trường sư phạm có vai trò quan trọng, nhân tố động lực cho các khâu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Trong đó, vai trò trực tiếp nhất của trường sư phạm là đổi mới khối giáo dục phổ thông. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới cơ cấu ngành nghề, chương trình đào tạo của trường sư phạm để phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông. Trường cần điều chỉnh để tăng cường đào tạo giáo viên khối nghệ thuật phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS. TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ, trong giai đoạn tới sẽ phát triển 2-3 phân hiệu mới dựa trên thực trạng chung và chiến lược phát triển trường theo định hướng. Về công tác đào tạo, TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, trong quá trình làm việc thực tế tại các Trường CĐ Sư phạm Long An và Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, trường đã có định hướng về ngành đào tạo thời gian tới tại đây sau khi các cơ sở này chính thức trở thành phân hiệu.

Tiến sĩ Ngọc cho biết, trường tuyển sinh theo nhu cầu và đặt hàng của địa phương các ngành ưu tiên như: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và một số ngành đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới như: sư phạm tin học, sư phạm lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên, sư phạm công nghệ, giáo dục công dân. Ngoài ra, trường sẽ mở thêm một số ngành mới như: sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc và có định hướng phát triển đào tạo lực lượng giáo viên cho các trường song ngữ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tán thành việc trường tăng cường các trường thực hành nhưng cho rằng cách triển khai nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới thì không phải chỉ ở một trường thực hành là đủ mà kết nối giữa trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông là cực kỳ bức thiết và khăng khít. Đặc biệt, trường cần điều chỉnh tăng mạnh đào tạo giáo viên khối Mỹ thuật, Nghệ thuật vì đây là khối hiện đang có nhu cầu giáo viên rất lớn. Việc đào tạo cũng cần khảo sát, dự báo, tính toán nhu cầu, tránh bị mất cân đối. Cùng với đó, với khó khăn của các trường đào tạo giáo viên với các ngành nghệ thuật do thiếu đội ngũ có trình độ tiến sĩ, cần có giải pháp vĩ mô về chính sách để tháo gỡ chung cho các trường trong đào tạo khối ngành này, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm