Phải ngăn chặn, kiểm soát môi trường từ “gốc”, tập trung xử lý những vấn đề môi trường mấu chốt, tạo ra bước chuyển quan trọng vấn đề bảo vệ trong công tác nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân” là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên-Môi trường về việc xây dựng chương trình hành động thực hiện chủ đề năm 2010.
|
Mương An Kim Hải (An Dương) đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Trương Giang |
Lựa chọn vấn đề môi trường then chốt
Bảo đảm sự phát triển không tác động tiêu cực đến môi trường là yêu cầu, mục tiêu trước mắt và lâu dài. Đây là vấn đề cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Thực tế có nhiều vấn đề môi trường đặt ra, mà không thể một sớm, một chiều giải quyết. Công tác bảo vệ môi trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khách quan và chủ quan.
Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại cho rằng chương trình hành động thực hiện chủ đề năm 2010 cần lựa chọn những lĩnh vực có tác động kép, đặc biệt đi sâu vào những điểm nóng. Đối với khu vực đô thị, tập trung xử lý vấn đề nước thải và ô nhiễm hồ điều hoà; khu vực nông thôn là vấn đề bảo vệ nguồn nước; đồng thời nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan bảo vệ môi trường như trung tâm quan trắc, chi cục bảo vệ môi trường… Theo Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Lê Thanh Sơn: Phân định nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đặc biệt cần tập trung trong năm 2010. Yêu cầu là phải tạo bước chuyển rõ nét và tạo nền tảng quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường những năm tiếp theo. Do đó, cần tập trung xác định rõ và quy định những dự án, công nghệ không khuyến khích đầu tư; tăng cường hậu kiểm các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC). Quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ nguồn nước nhận được sự đồng tình đại diện của các Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài chính và Xây dựng.
Vấn đề bảo vệ, phòng ngừa ô nhiễm trong sản xuất công nghiệp được nhiều ngành quan tâm. Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường Phạm Thị Tuyết Lan đề nghị cần có chương trình hành động dài hạn và ngắn hạn, phân loại cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao, trên cơ sở đó hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Theo ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Sở Tài chính, cần “phanh” lại những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng, khó khắc phục
Những đề xuất của các ngành chức năng đều chung mong muốn năm môi trường 2010 sẽ giải quyết có kết quả những vấn đề môi trường đang có nhiều tiếng kêu hay những khu vực có những điểm nóng.
Giải pháp phải khả thi
Cùng với lựa chọn những nhiệm vụ cần tập trung, đại diện các ngành chức năng thành phố cho rằng xác định giải pháp xử lý, khắc phục có tính khả thi, mang lại hiệu quả cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Thanh Tùng đề nghị coi trọng vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái chế. Cần tập trung triển khai dự án phân loại rác tại nguồn theo dự án 3R. Phó giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hữu Ca đề xuất: tập trung vào 4 lĩnh vực chính là bảo vệ dòng sông, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi lĩnh vực có giới hạn chuẩn, tạo nền tảng để điều chỉnh và xác định mức độ bảo vệ. Bên cạnh đó, việc xét duyệt các dự án cần tăng cường hậu kiểm chặt chẽ. Tăng cường nguồn nhân lực cho lĩnh vực này phải được chú trọng. Phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại lưu ý việc thực hiện chương trình hành động của năm cần có cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp hành động. Tăng cường nâng cao năng lực của cơ quan bảo vệ môi trường của thành phố, nhất là Chi cục bảo vệ môi trường và Trung tâm quan trắc môi trường. Để bảo vệ nguồn nước cần sớm triển khai việc cắm mốc giới quản lý. Hai Sở Tài nguyên-Môi trường và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cùng đề xuất giải pháp cắm mốc giới ở các hệ thống sông, thuỷ lợi cung cấp nước thô cho các nhà máy nước, gồm 3 hệ thống sông Rế, Giá, Đa Độ và 2 hệ thống thuỷ lợi. Chủ tịch Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Tư duy phát triển trước khắc phục sau không còn phù hợp. Do đó, việc lựa chọn giải pháp cần đáp ứng mục tiêu phòng ngừa, bảo vệ môi trường từ gốc. Những giải pháp giải quyết vấn đề môi trường mấu chốt cần tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc lập và hậu kiểm các báo cáo đánh giá chiến lược (ĐMC), báo cáo đánh giá tác tác động môi trường (ĐTM) và bản cam kết bảo vệ môi trường. Đây là những công cụ quản lý, giải quyết môi trường từ gốc. Để những công cụ này phát huy hiệu quả cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan và nâng cấp năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ này. Quan trọng là các ngành chức năng tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả hơn. Việc công bố công khai danh sách sách xanh, sách “đen” những doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường và những doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện; nâng cao năng lực quan trắc, quản lý nguồn thải; danh mục các dự án không khuyến khích đầu tư… cần sớm được triển khai.
Nguyên Mai