Chương trình nghệ thuật "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A"

Đêm 26-9-2010 (tức ngày 19-8 Canh Dần) tại sân chính Đền Trần (TP Nam Định) sẽ diễn ra lễ dâng hương, tưởng niệm các vị vua Trần và 710 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Sau lễ dâng hương là chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A" (Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phục; Tổng đạo diễn: Lê Thụy).

Một cảnh trong vở cải lương “Tình sử Vương triều” của Đoàn Cải lương Nam Định.  Ảnh: Xuân Thu
Một cảnh trong vở cải lương “Tình sử Vương triều” của Đoàn Cải lương Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu

Đêm 26-9-2010 (tức ngày 19-8 Canh Dần) tại sân chính Đền Trần (TP Nam Định) sẽ diễn ra lễ dâng hương, tưởng niệm các vị vua Trần và 710 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Sau lễ dâng hương là chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A" (Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phục; Tổng đạo diễn: Lê Thụy). Trao đổi với chúng tôi, tác giả kịch bản, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết: Với thời lượng 120 phút, chương trình "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A" là một trong những chương trình lớn mở đầu cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bởi Thiên Trường - Nam Định có mối quan hệ mật thiết với Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ. Thiên Trường từng được coi là kinh đô thứ 2 sau Thăng Long (thế kỷ XIII). Chương trình gồm 2 phần: Phần 1 là lễ dâng hương, phần 2 là màn sử thi Hào khí Đông A. Toàn bộ nội dung chương trình sẽ có 4 điểm nhấn: Điểm nhấn đầu tiên là việc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần khi mà triều đại nhà Lý sau 200 năm khởi nghiệp, đã bắt đầu suy vi (từ cuối thế kỷ XII sang đầu thế kỷ XIII). Trong bối cảnh như vậy, nhà Trần bắt đầu bước lên vũ đài chính trị và quyền lực bằng một cuộc nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh do Trần Thủ Độ sắp xếp. Nhà Trần lên ngôi, mở đầu cho một thời đại mới. Trong 175 năm trị vì, nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thành công (1258, 1285 và 1288), làm nên Hào khí Đông A. Điểm nhấn thứ hai giải thích cho sức mạnh của Hào khí Đông A, sức mạnh của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và triều Trần, đó chính là tinh thần đoàn kết trăm họ, đoàn kết nội bộ làm nên chiến thắng. Tinh thần đó thể hiện ở hội nghị Diên Hồng, hội nghị kết tinh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nhân tố quyết định thắng lợi của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ 13. Điểm nhấn thứ ba là tập trung giới thiệu về truyền thống khoa bảng của quê hương Nam Định: Thiên Trường - Nam Định còn là quê hương của các bậc đại khoa gốc Thiên Trường - Nam Định được ghi danh ở bia đá tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - những người thuộc các thế hệ "Hào khí Đông A" trên phương diện học vấn, khoa cử và đóng góp vào việc xây dựng văn hiến dân tộc. Điểm nhấn thứ tư: Quê hương của các bậc đại khoa hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thiên Trường - Nam Định bay trên đôi cánh trẻ. Qua  chương trình nghệ thuật, các tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Trên quê hương của Hào khí Đông A và truyền thống văn hiến, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục phát huy lợi thế nhân tố con người để vươn lên, tạo sự bứt phá mạnh hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống Hào khí Đông A .

Để thể hiện nội dung tư tưởng của kịch bản, phần thiết kế sân khấu được thể hiện bằng các hình ảnh là đặc trưng tiêu biểu cho truyền thống lịch sử văn hoá của Nam Định như hình ảnh Tháp Phổ Minh, một công trình kiến trúc cổ kính, biểu tượng cho Thiên Trường - Nam Định cả về phương diện văn hoá lẫn tâm linh; Hình ảnh cánh buồm no gió được cách điệu, gợi lại nơi phát tích của nhà Trần vốn xuất thân từ nghề chài lưới tung hoành trên sông nước. Trên cánh buồm lớn nhất có chữ Trần, tượng trưng cho Hào khí Đông A và chiến thắng lừng lẫy trên Bạch Đằng Giang, những lá buồm nhỏ tượng trưng cho các đời vua Trần. Bên cạnh đó, trên sân khấu còn mô phỏng nghiên mực, tượng trưng cho truyền thống văn hiến, hiếu học của Thiên Trường, nơi xuất hiện những vị đại khoa nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Trong chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian truyền thống là "đặc sản" của Nam Định như múa rối, múa rồng, múa bài bông, hát chèo, chầu văn... cũng được đan xen, làm rõ hơn nội dung tư tưởng của tác phẩm, với sự góp mặt của gần 500 nghệ sỹ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh gồm: Nhà hát Chèo Nam Định, Đoàn Kịch Nam Định, Đoàn Cải lương Nam Định, Trường Trung cấp VHNT tỉnh và đại diện các làng chèo nổi tiếng của Nam Định như Đặng Xá, Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Bồng Xuyên, Trung Khu (xã Yên Phong - Ý Yên); An Lại Hạ, Thụ Ích (xã Yên Nhân - Ý Yên); Phú Vân Nam (xã Hải Châu, Hải Hậu); Hoành Nhị, xã Giao Hà, Giao Thuỷ); Kiên Hành (xã Giao Hải, Giao Thuỷ); Duyên Thọ (xã Giao Nhân, Giao Thuỷ). Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV 1./.

Minh Thuận

Đọc thêm