Chuyến đi 'để đời' của kiều bào nặng tình với Trường Sa

(PLO) - Ông Lê Văn Minh (Việt kiều Mỹ) nói rằng đây là chuyến đi để đời của vợ chồng ông. Những gì ông đã tận mắt thấy tai nghe, sẽ được ông mang về kể lại cho những đồng bào ở bên kia bờ Thái Bình Dương...
"Mắt thép" ở đảo Cô-lin luôn không ngủ.
"Mắt thép" ở đảo Cô-lin luôn không ngủ.

"Tôi có một giấc mơ" Trường Sa

Trong số 67 kiều bào ra với Trường Sa trong chuyến công tác số 6, có một người tên Giang Công Thế, luôn luôn "tò mò" tìm hiểu đời sống cán bộ, chiến sỹ khi lên các điểm đảo, hoặc chủ động làm quen với anh em phục vụ trên tàu.

Ít người biết, anh Thế có bút danh Hiệu Minh, là một một blogger nổi tiếng ở Washington DC (Mỹ), và là một cây bút có tiếng khi phân tích về tình hình chính trị đối ngoại cho các tờ báo ở Việt Nam.

Trước đó nữa, anh Thế từng là người phụ trách IT khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng thế giới (WB), thường xuyên đi công tác và bay qua Biển Đông mỗi năm vài lần trong suốt 11 năm, kể từ 2004.

Chiều 22/4, trên điểm đảo Cô lin, anh Giang Công Thế đại diện cho đoàn kiều bào phát biểu: Mỗi lần qua Trường Sa và Hoàng Sa, anh đều nhìn lên bản đồ hành trình của chuyến bay, trong lòng đầy băn khoăn về cuộc sống dưới đó và mơ một ngày được đặt chân lên một hòn đảo. Mãi đến tháng 4/2016, anh mới hoàn thành được giấc mơ của mình.

Anh Giang Công Thế (Việt kiều Mỹ) phát biểu tại đảo Cô-lin
Anh Giang Công Thế (Việt kiều Mỹ) phát biểu tại đảo Cô-lin

Anh Thế nói rằng, cộng đồng người Việt ở Washington DC, khoảng 110.000 người, có mối quan tâm rất lớn đến hai quần đảo này. Mọi người từng xuống đường biểu tình phản đối khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi giữa năm 2014.

Anh Thế hy vọng sau chuyến đi, với việc đăng tải các tư liệu thu thập được, anh sẽ giúp mọi người hiểu hơn về cuộc sống nơi đảo xa, những gian nan mà các chiến sĩ đang đối mặt ngày đêm để giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

Những điều này, tiếp tục được anh khẳng định một lần nữa, trong cơn mưa bất ngờ ở đảo Trường Sa, vào đêm giao lưu giữa đoàn công tác và cán bộ, nhân dân trên đảo đêm 25/4.

Ánh đèn rực sáng trên đảo Cô lin sau nhiều tháng anh em phải thắp đèn dầu sinh hoạt.
Ánh đèn rực sáng trên đảo Cô lin sau nhiều tháng anh em phải thắp đèn dầu sinh hoạt.

Chiều 27/4, tàu KN 490 vào đến Vũng Tàu, khi bờ đã rất gần, ông Lê Văn Minh (SN 1951) bồi hồi đứng trên boong chính, lặng lẽ ngó bờ. Ít người biết, ông Minh và vợ ông, bà Lê Ánh Tuyết (SN 1949, Việt kiều Mỹ), suýt đã phải ngừng lại ở phút cuối trước khi tàu khởi hành, vì các cán bộ hải quân lo rằng ông bà khó đảm bảo đủ sức khỏe để theo một chuyến hành trình trên biển dài như vậy.

Nhưng quyết tâm của bà Tuyết "Trước đây khi nhìn những chấm nhỏ trên bản đồ là các đảo ở Trường Sa, tôi thường lấy tay sờ lên, không ngờ có ngày được đặt chân đến" đã giúp bà vượt qua tất cả.

Còn ông Minh, thừa nhận là "hơi mệt", nhưng ông nói rằng đây là chuyến đi để đời của vợ chồng ông. Những gì ông đã tận mắt thấy tai nghe, sẽ được ông mang về kể lại cho những đồng bào ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Lời thề ở Gạc Ma

Một năm trước, những khóe mắt rất trẻ đã khóc ở Cô lin, Len đao, nhà giàn.., khi những nghiên cứu sinh, du học sinh như Trần Hải Linh, Phạm Hải Chiến, Nguyễn Trung Kiên... từ Hàn Quốc về và tới được Trường Sa. Nắng, gió, nước, rau... những bài toán đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của lính đảo khiến họ đã tự nguyện hứa.

Những tấm pin mặt trời được vận chuyển lên đảo Cô-lin để cung cấp năng lượng cho đảo. Mỗi bộ máy phát điện có độ tích điện là 3,6 KW, có thể dùng trong 12 tiếng ban đêm, còn ban ngày dùng năng lượng Mặt trời; máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt áp dụng công nghệ của Hàn Quốc, có thể mang lại 20 lít nước mỗi ngày, đảm bảo đủ nước dùng liên tục trong một năm và giàn rau thủy canh hồi lưu tiết kiệm nước.

Những tấm pin mặt trời được vận chuyển lên đảo Cô-lin để cung cấp năng lượng cho đảo. Mỗi bộ máy phát điện có độ tích điện là 3,6 KW, có thể dùng trong 12 tiếng ban đêm, còn ban ngày dùng năng lượng Mặt trời; máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt áp dụng công nghệ của Hàn Quốc, có thể mang lại 20 lít nước mỗi ngày, đảm bảo đủ nước dùng liên tục trong một năm và giàn rau thủy canh hồi lưu tiết kiệm nước.

Sau những cuộc xuống đường phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trên vùng chủ quyền của Việt Nam tại Hàn Quốc, những chàng trai trẻ ấy đã làm được nhiều việc hơn thế: "Làm phiền" những chuyến xuồng chuyển tải trong chuyến trở lại Trường Sa 2016, mang theo những món quà thiết thực.

Những hạt giống rau đã được ươm lên mầm, trồng theo giàn, có thể chống chịu muối mặn, sử dụng công nghệ tưới tự động. Những tấm pin mặt trời để chủ động cung cấp nguồn năng lượng. Hơn hết thảy, là những chiếc máy hút độ ẩm không khí để tạo ra nước ngọt.

Nguyễn Trung Kiên, chàng trai trẻ đến từ đất Cảng, đang là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc kể rằng, họ đã phải cùng nhau tính toán rất nhiều để lựa chọn những món quà thiết thực nhất mang ra tới Trường Sa lần này. Và Cô lin, Đá Lát, nhà giàn DK1/17 là những điểm họ chọn để trao tặng.

Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái trên đảo Cô-lin đang trao đổi về các hoạt động của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma đối diện.
Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái trên đảo Cô-lin đang trao đổi về các hoạt động của Trung Quốc trên đảo Gạc Ma đối diện.

Kiên kể rằng, ở Hàn Quốc, độ ẩm không khí rất thấp, nhưng công nghệ cho phép có những chiếc máy hút độ ẩm không khí để tạo ra nước ngọt. Trong chuyến đi năm trước, họ thấy độ ẩm không khí ở Trường Sa luôn từ 60%-80%, và đó là cách họ đã chọn lựa quà.

Ít ai biết, tại điểm đảo đầu tiên, Cô-lin, khi lắp đặt hoàn thiện mọi thiết bị, thì những cuộc liên lạc vội vàng về Hà Nội đã được thực hiện. Nguyễn Văn Chính (thành viên Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam), người lên đảo không phải để ngắm hay nhìn, mà việc chính là lọ mọ chui lủi để lắp đặt thiết bị, phát hiện ra chiếc máy lọc nước bị đấu nhầm dây, nên phải "mổ" máy ngay tại chỗ, đấu nối lại dây điện.

Mất gần 2 tiếng đồng hồ, toàn tàu KN490 neo đậu để.. chờ, khi buổi Lễ tưởng niệm những người lính Hải quân Việt Nam đã nằm lại ở vùng biển Gạc Ma - Cô lin - Len đao - Huy gơ trang trọng đã sẵn sàng. Khi toàn bộ thiết bị đã lắp đặt xong, dòng nước ngọt chảy ra từ vòi hứng, thì những kiều bào về từ Hàn Quốc là những người cuối cùng rời đảo.

"Cô-Lin, một đảo chìm gắn liền với sự kiện lịch sử “Hải chiến Gạc Ma 1988” không phải là điểm đến đầu tiên trong chuyến đi đầy ý nghĩa của chúng tôi: đoàn kiều bào từ Hàn Quốc, những sứ giả của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, nhưng có lẽ đây là điểm đảo đã lấy đi của chúng tôi và những người trong đoàn công tác số 6, năm 2016 nhiều giây phút xúc động nhất, nơi có những tình cảm dâng trào và ý nghĩa nhất trong cả hành trìn.

(...) Đã 6 tháng trời không mưa và lượng nước sinh hoạt (không kể nước dự phòng chiến đấu) chỉ còn lại cho mỗi người 1,5 lít nước mỗi ngày. Đã 6 tháng nay rau không trồng được vì không có nước và muối mặn.

Khi thiết bị lắp đặt hoàn chỉnh, là "sự ngỡ ngàng không tin được là có một loại máy lại hút được độ ẩm không khí để tạo ra nước ngọt của Chỉ huy trưởng của Đảo; sự bừng tỉnh khi dòng điện từ hệ thống máy phát điện công suất cao dùng năng lượng mặt trời chạy những thiết bị điện đầu tiên của anh lính kỹ thuật; vẻ rạng rỡ đón nhận những mầm rau, những túi hạt giống rau có đặc tính ưu việt và hệ thống thủy canh tuần hoàn khép kín, tiết kiệm tối đa lượng nước dùng để tưới rau của chàng quân y kiêm tổ trưởng hậu cần.

Niềm vui rạng ngời, cảm xúc vỡ òa của những con người nơi đây là cả một gia tài chúng tôi nhận được", Trần Hải Linh ghi lại.

Linh cũng nói thêm rằng, những món quà trị giá 28.000 USD mà các anh mang theo trong chuyến đi này, chỉ là bước thử nghiệm đầu tiên cho một ước mơ xa hơn: Nếu phù hợp với thời tiết ở Trường Sa, có hiệu quả, sẽ vận động tài trợ để tiếp tục nâng cấp công suất thiết bị và trang bị cho toàn bộ các điểm đảo ở Trường Sa.

Lễ tượng niệm các anh hùng liệt sỹ đã nằm xuống ở Gạc Ma, trên tàu HQ 604... vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lễ tượng niệm các anh hùng liệt sỹ đã nằm xuống ở Gạc Ma, trên tàu HQ 604... vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trên boong KN 490, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái đã ra mệnh lệnh: Chờ mọi người về đủ, buổi lễ bắt đầu.

Khi tiếng nhạc bài "Hồn tử sỹ" cất lên: "... Nhân dân đau thương/ Ghi nhớ ơn của bao người/ Chiến đấu dâng tấm thân cho nước nhà, cho giống nòi/ Nhìn gương xưa liệt sỹ nêu cao/ Lòng sôi lên cương quyết noi theo/ Nước mắt rớt xuống/ Bao xót thương bên nấm mồ/ Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ/ Chưa nguôi máu những con yêu thác vì nước non/ Ngàn muôn năm Tổ Quốc ghi ơn...", đã không còn nhiều người trên tàu kiềm được cảm xúc.

Đảo Cô-lin hôm nay.
Đảo Cô-lin hôm nay.

Ở Cô-lin gian khổ là vậy, thiết bị cũng thiếu thốn và thường xuyên bị hỏng do độ mặn của nước biển, nhưng những tập "nhật ký quan sát" dày cộp nằm xếp chồng lên nhau đang ngày một cao hơn, khi qua ống kính quan sát, những hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Gạc Ma đang ráo riết mỗi ngày.

"Bất chấp công lý và lẽ phải, biết không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm các đảo đá ngầm tại Trường Sa. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sỹ (...) trong tay chỉ có cuốc xẻng, xà beng và súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc, có trang bị vũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng (...).

Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng trước sự đe dọa, cũng như những hành động dã man của Trung Quốc, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng", lời Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái vang vọng trước khi vòng hoa viếng và chiếc ban thờ được thả xuống biển, xuôi chiều sóng trôi về phía Gạc Ma.

Quyền Vụ trưởng Vụ thông tin-báo chí (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) Lê Thị Thu Hằng và các thành viên trên tàu xúc động trong buổi lễ tượng niệm những liệt sỹ đã nằm xuống ở vùng biển Gạc Ma, Cô-lin.
Quyền Vụ trưởng Vụ thông tin-báo chí (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) Lê Thị Thu Hằng và các thành viên trên tàu xúc động trong buổi lễ tượng niệm những liệt sỹ đã nằm xuống ở vùng biển Gạc Ma, Cô-lin.
Kiều bào không nén được cảm xúc lần đầu đến với Cô-lin, Trường Sa.
Kiều bào không nén được cảm xúc lần đầu đến với Cô-lin, Trường Sa.

... Bóng tối ập xuống rất nhanh trên biển, Cô-lin rực sáng ánh đèn. Đã nhiều tháng nay anh em trên đảo phải thắp đèn dầu. Máy phát điện chỉ chạy cầm chừng theo giờ. Ba lần đèn trên đảo nháy sáng chào tàu KN 490 khi tàu kéo neo, tiếp tục cuộc hành trình.

Đại tướng Lê Đức Anh.
Đại tướng Lê Đức Anh.
"Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.

Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau:

"Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Đại tướng Lê Đức Anh tuyên thệ tại đảo Trường Sa lớn trong chuyến thị sát quần đảo Trường Sa năm 1988, ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma rạng sáng 14/3/1988, khiến 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam hy sinh.

(Còn tiếp) 

Đọc thêm