Chuyện đời người chinh phục "Đệ nhất hùng quan"

Người lái tàu Lê Ngọc Sơn có sáng kiến lắp thêm ống xả cát phụ trợ nhằm tăng độ bám để đầu máy leo đèo được tốt hơn, góp phần giảm thiểu trở ngại gây chậm tàu do lên đèo không đạt tốc độ trong nhiều năm qua.

“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi…”. Đã có rất nhiều thế hệ người Việt Nam biết và yêu thích bài hát vốn được xem là “ngành ca” của ngành đường sắt này. Nhưng, đã có mấy ai hiểu rằng, cái nghề của những người thường xuyên có hành trình đi dọc Việt Nam, cầm lái những con tàu, là một nghề vô cùng vất vả …

27 năm chạy tàu, 2 lần nghỉ Tết

Tháng 5/1983, anh Lê Ngọc Sơn, hiện là Đội trưởng Đội lái tàu 6, Phân đoạn vận dụng Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng, Liên hiệp sức kéo đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, về công tác tại Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng, bắt đầu chặng đường gần 30 năm cầm lái những chuyến tàu của mình. Cũng như các đồng nghiệp khác, người công nhân lái tàu bậc 3/3 Lê Ngọc Sơn luôn ý thức được rằng công việc mình đang đảm đương, trong tay lái của mình là tài sản lớn của quốc gia, là tính mạng của hàng trăm con người trên mỗi chuyến tàu. 

 
Nhưng, anh cũng không quên, nghề lái tàu chính là nghề mang đến niềm vui sum vầy cho mọi người, mọi nhà cho những ngày lễ, tết. Thế nên, việc đảm bảo an toàn giao thông được anh đặt lên hàng đầu, nhất là trong trình trạng chung của Việt Nam hiện nay khi các đường ngang dân sinh mọc lên như nấm sau mưa, đòi hỏi người lái tàu không những phải quan sát bằng mắt mà phải “nhìn” cả bằng những kinh nghiệm bản thân, để không thể dù chỉ một phút lơ là khi cầm tay lái.

28 năm lái tàu, trong anh mãi khắc sâu một kỷ niệm mà cũng là một bài học. Anh kể,  “năm 1998, tôi lái chuyến tàu SE1 Hà Nội – TPHCM. Lúc đó vào khoảng 23h30, sương mù dày đặc. Tôi đang chạy tốc độ 70 km/h, thấy từ xa có ánh đèn pin nhấp nháy chạy theo đường ray. Theo kinh nghiệm đường trường, tôi phán đoán chắc chắn phải có vấn đề gì xảy ra phía trước.

Hình như người đánh tín hiệu không biết tín hiệu của ngành đường sắt là ánh sáng xoay tròn thì sẽ phải dừng tàu khẩn cấp nên họ chỉ nhấp nháy đèn. Bản năng người cầm lái lâu năm mách bảo tôi rằng, phải hãm, giảm tốc độ. Tàu phanh kít lại vừa đúng trước mặt một chiếc xe ô tô nằm ngang đường ray. May một vụ tai nạn nghiêm trọng đã không  xảy ra. Lần đó, tôi đã được Ủy ban an toàn giao thông quốc gia tặng bằng khen…”.

Đọc bài báo “Một gia đình gặp hoạn nạn cần lắm sự giúp đỡ” viết về chị Phạm Thị Phương một mình nuôi 4 con bị bệnh phải nằm viện, Đội lái tàu 6 của anh Lê Ngọc Sơn (người mặc áo vét đen) đóng góp được 3,3 triệu đồng chia sẻ với chị Phương.
Thực trạng đường ngang dân sinh tự mọc lên vô kể, việc vi phạm hành lang đường sắt phổ biến khắp nơi, đó là điều vô cùng nguy hại, rất dễ xảy ra tai nạn nên người lái tàu buộc phải thuộc đường. 28 năm chạy tàu, anh Sơn đã  4 lần được phong tặng danh hiệu Kiện tướng an toàn chạy tàu. Hễ ngành đường sắt Việt Nam chạy tàu thử nghiệm tốc độ cao thì anh luôn là người được chọn đầu tiên. Không chỉ thế, suốt 28 năm qua, số nhiên liệu mà anh Sơn đã tiết kiệm được trong quá trình lái tàu là hơn 40.000 lít, làm lợi cho Nhà nước một số tiền khá lớn.

Nhưng có mấy ai biết rằng, 28 năm chạy tàu, người lái tàu Lê Ngọc Sơn mới chỉ được nghỉ phép tết vỏn vẹn có 2 lần. Kể từ khi anh bắt đầu cầm lái những con tàu cho đến 15 năm sau, anh mới được nghỉ phép Tết lần đầu tiên. Trong anh vẫn vẹn nguyên hình ảnh những thời khắc giao thừa trước đây, con tàu chạy dọc suốt hành trình trong tiếng pháo giòn giã. Cảm giác nhớ nhà đến tha thiết, chỉ ước mơ được ở nhà để chở vợ con đi chơi tết tràn ngập tâm hồn người lái tàu. Một ước mơ quá đỗi bình thường ấy nhưng với người lái tàu như anh nào đâu dễ có được…

Sáng kiến chinh phục “Đệ nhất hùng quan”

Sinh ra trên mảnh đất nghèo xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một gia đình công nhân, cái nghèo như số mệnh mãi vận vào cuộc đời anh. Gần 30 năm công tác trong ngành đường sắt nhưng đối với gia đình, anh vẫn luôn là “đầu kéo 3 xe rỗng và 1 xe trưởng tàu bó hãm nên không bao giờ lời được nhiên liệu, chỉ có lỗ và may mắn lắm được hòa” – như chính lời tự trào của bản thân. Người vợ tôi không có công ăn việc làm, 3 đứa con đang ăn học, cả gia đình anh chỉ trông chờ vào đồng lương lái tàu. Với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, cả nhà anh vô cùng vất vả trước cuộc sống bộn bề đầy nỗi lo toan.

Trong 28 năm cầm lái những con tàu, người công nhân lái tàu Lê Ngọc Sơn đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công đoàn Đường sắt Việt Nam và UBND Thành phố Đà Nẵng tặng nhiều bằng khen; 2 lần đạt giải  cao nhất hội thi lái tàu giỏi ngành Đường sắt Việt Nam; danh hiệu kiện tướng an toàn chạy tàu của ngành Đường sắt…; danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc…
“Nhưng, không vì thế mà anh Sơn quên đi nhiệm vụ của mình. Trong quá trình công tác anh luôn gương mẫu chấp hành các quy định về kỷ cương an toàn chạy tàu, đảm bảo tốt các chỉ tiêu sản xuất, chỉ tiêu tiết kiệm nhiên liệu, thực hiện xuất sắc các biện pháp chạy tàu qua đèo, qua các đường ngang, điểm nóng, các điểm thường xuyên có nguy cơ tai nạn xảy ra”, một đồng nghiệp đã nói về anh như thế.

Từ lời mách bảo của mọi người, tôi hỏi anh về “bí quyết chinh phục “Đệ nhất hùng quan”. Anh cười, bảo có gì đâu. Đèo Hải Vân là một trong những đoạn đường chạy tàu khó khăn nhất bởi vậy người lái tàu mỗi khi qua "đệ nhất hùng quan" này phải dồn toàn tâm toàn lực tập trung chú ý tăng cường quan sát. Nhưng khi mưa gió, đất đá từ trên cao rơi xuống đường sắt, việc lái tàu leo đèo, dốc đòi hỏi ở người lái tàu một bản lính phi thường. 

Nhưng cực nhọc, lo toan, khó khăn ấy đã thôi thúc người lái tàu Lê Ngọc Sơn sau bao phen đường trường,  nảy sinh ra sáng kiến lắp thêm ống xả cát phụ trợ nhằm tăng độ bám để đầu máy leo đèo được tốt hơn. Sáng kiến này của anh đã áp dụng thực tiễn rất hiệu quả, góp phần giảm thiểu trở ngại gây chậm tàu do lên đèo không đạt tốc độ trong suốt nhiều năm qua.

Không chỉ lái, người lái tàu Lê Ngọc Sơn còn coi mỗi đoàn tàu, mỗi đầu máy cho tới từng khoang tàu như đứa con của mình. Không một hư hỏng nào lọt qua mắt anh trong giờ khám máy trước những chuyến đi. Bên cạnh đó, qua năm tháng cầm lái, anh Sơn đã tự xây dựng được sổ tay vẽ mặt cắt dọc có ghi đầy đủ về tốc độ, độ dốc, đường cong, km dốc, chân dốc của những cung đường nguy hiểm để các cá nhân trong tổ lái cùng học tập và thực hiện. Kết quả là các thành viên trong tổ anh đã đảm nhận chạy tàu từ Hà Nội - Sài Gòn quen tay như chạy trong khu đoạn của mình.

Ngoài nhiệm vụ lái tàu, anh Lê Ngọc Sơn còn là một tài xế trưởng, tổ trưởng sản xuất gương mẫu của tổ lái tàu "Thanh Niên". Anh thường xuyên động viên anh em rằng, nghề lái tàu của mình phải luôn nói "không" với rượu chè, chơi bời trác táng và các hiện tượng tiêu cực, làm bừa, làm ẩu.

Anh em trong tổ lái cảu anh tất thảy đều biết đùm bọc lẫn nhau, người có tay nghề khá giỏi kèm người yếu để cùng nhau nâng cao tay nghề, trau đồi nghiệp vụ, không xảy ra trở ngại dọc đường do non kém về chuyên môn. Sống là làm việc giứa một tập thể như vậy nên cũng không có gì ngạc nhiên khi tại Đại hội tôn vinh các điển hình thi đua yêu nước toàn quốc diễn ra cuối năm ngoái, anh Lê Ngọc Sơn trong bản báo cáo thành tích của mình, đã dành rất nhiều lời tri ân cho các đồng nghiệp của mình.

Dương Hồng Minh

Đọc thêm