Hà Nội: Nỗ lực xây dựng một “bản mẫu” du lịch thông minh

(PLVN) - Tiếp nối thành công của công nghệ trí tuệ nhân tạo (TTNT) vào thuyết minh du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh (DLTM) năm 2019. Sở Du lịch Hà Nội ngày càng tích cực trong việc xây dựng TP thông minh, đáp ứng nhu cầu khách quốc tế tăng cao, tăng cường hiệu quả quản lý, mở rộng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. 
Robot  “phục vụ” khách ở sân bay
Robot “phục vụ” khách ở sân bay

 Áp dụng trí tuệ nhân tạo thành công

Những năm gần đây, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày một tăng cao, đặt ra những thách thức về năng lực và trình độ của hướng dẫn viên du lịch (HDVDL). Nếu nói HDV là “nhà phiên dịch văn hóa” thì thông tin ấy vẫn còn chưa thuyết phục, đơn điệu, thiếu hấp dẫn.

Ở nhiều điểm tham quan, bên cạnh các thứ tiếng phổ thông như Anh, Pháp, Trung Quốc…, du khách không thông thạo các ngôn ngữ trên do đến từ các quốc gia khác đều gặp khó khăn khi sử dụng  các dịch vụ.

Tháng 1/2018, Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với 8 ngôn ngữ khác nhau để du khách chủ động tìm hiểu thông tin, cùng kết nối tai nghe giúp họ tập trung tiếp nhận và không gây ảnh hưởng tới người xung quanh.

Nội dung thuyết minh được biên soạn kỹ lưỡng về lịch sử, các tích truyện giúp khách tham quan dễ dàng hình dung về điểm đến họ đang đặt chân tới, với giá cả phải chăng (30.000 đồng/lượt). 

Ứng dụng tại Quốc Tử Giám đã giảm tải hình ảnh “cồng kềnh” về việc du khách phải chờ đợi ghép đoàn cho đủ số lượng thuê HDV, hay HDV không truyền tải hết bài thuyết minh bởi không gian ồn ào làm khách xao lãng. Chưa kể hệ thống đem đến một chất lượng nội dung đồng bộ bất kể thời gian, tiết kiệm nguồn vốn và giảm tải áp lực đào tạo nhân sự cho các nhà quản lý.  

Thế nhưng, chỉ thuyết minh tự động thôi chưa đủ. Khảo sát từ Tập đoàn tư vấn BCG cho thấy, du khách chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, nhưng những công cụ thuyết minh mới chỉ đáp ứng việc truyền tải văn hóa, chưa đem lại sự trải nghiệm “tai nghe mắt thấy”.

Vì thế, ở một địa điểm du lịch “nóng” khác, là hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đã áp dụng công nghệ thực tế ảo (CNTTA) giúp những người hạn chế về thời gian và tiền bạc mà vẫn có trải nghiệm gần như thật; mà hệ sinh thái hang Sơn Đoòng cũng được giữ gìn, bảo tồn, do giảm thiểu tác động từ khách du lịch.

Bản mẫu thành phố du lịch thông minh

Phát triển DLTM đã trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà công nghệ hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. TTNT đã và đang tác động tới sâu rộng mọi ngành, lĩnh vực trong đó có du lịch.

Đầu năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai xây dựng hệ thống DLTM, góp phần cấu thành TP thông minh của Hà Nội. Hệ thống này cung cấp các giải pháp thông minh trên nền tảng công nghệ thông tin, hướng tới sự thuận tiện cho du khách, tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, mở rộng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nổi bật hơn cả là định hướng tới xây dựng phần mềm ứng dụng dùng trên thiết bị cầm tay, cho phép du khách thực hiện toàn bộ chương trình du lịch thông qua Internet: từ tra cứu đến đặt phòng, thanh toán, tìm kiếm địa điểm ẩm thực, sự kiện văn hóa,…

Thực tế hiện nay du lịch trực tuyến vẫn đang là một thị trường bỏ ngỏ ở Việt Nam, khi du khách đặt tour, đặt dịch vụ chủ yếu thông qua các ứng dụng của công ty ngoại quốc. Vì vậy, việc có một ứng dụng giúp đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, đặt phòng, giải đáp thắc mắc,… cho du khách là điều vô cùng cấp thiết. 

Ngoài thị trường trực tuyến, du lịch Việt Nam còn có thể áp dụng những ứng dụng TTNT như thế nào để phục vụ du khách? Ví dụ, tại Nhật Bản, nhân viên tiếp tân đã thay bằng những con robot thông thạo tiếng Anh và trang bị màn hình cảm ứng. Tại Hoa Kỳ, robot được đặt tại sảnh sân bay để hỗ trợ du khách lên cổng máy bay hoặc hỗ trợ an ninh.

Song, thách thức lớn nhất trong việc ứng dụng TTNT cho du lịch Việt Nam là nguồn kinh phí lâu dài. Để ứng dụng những robot du lịch cần tới kinh phí đầu tư lớn và nền tảng kỹ thuật, dữ liệu đồng bộ, nguồn nhân lực có trình độ cao – những yếu tố không thể nhanh chóng đạt được trong “một sớm một chiều”.

Bên cạnh đó, hiện nay mới chỉ có 3 TP lớn là TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng mới triển khai ứng dụng DLTM thông qua một số phần mềm cơ bản hỗ trợ thuyết minh, chỉ dẫn qua tin nhắn (chatbot), tiện ích chỉ đường,…

Sở Du lịch Hà Nội định hướng trong những năm tới Hà Nội có thể đạt được đồng bộ về cơ sở vật chất – kỹ thuật để khai thác tốt hơn mặt tiềm năng của Thủ đô, cũng tạo ra một “bản mẫu” để những tỉnh, thành khác có thể học theo, áp dụng, nhằm nâng cao chất lượng du lịch một cách đồng đều, đặc biệt là những địa điểm du lịch đang phát triển vượt bậc, thu hút đông đảo du khách. 

Đọc thêm