Phân biệt “ví điện tử” và “tiền di động”: Liệu thực sự cần thiết?

(PLVN) - Việc phân biệt hai loại hình “ví điện tử” và “tiền di động” bị lo  ngại có thể dẫn tới các cơ chế quản lý riêng cho mỗi loại, khiến doanh nghiệp bị đặt ở thế cạnh tranh khác biệt, đồng thời cũng làm phức tạp hơn hoạt động quản lý nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoản 13 và khoản 14 Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt quy định: “Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động” và “Ví điện tử là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phát hành và định danh khách hàng thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng”.

Như vậy, theo quy định trên thì “tiền di động” và “ví điện tử” được phân loại căn cứ theo chủ thể phát hành và phương thức định danh.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp khi trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì việc phân biệt này có lẽ không cần thiết. Bởi việc phân biệt chủ thể phát hành (có kinh doanh dịch vụ viễn thông hay không) và phương thức định danh (theo thuê bao viễn thông hay tài khoản ngân hàng) không làm ảnh hưởng tới bản chất hoàn toàn giống nhau của hai hình thức trung gian thanh toán này (cho phép người sử dụng có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet).

Về tiêu chí chủ thể phát hành đối với hai loại này, dù là chủ thể phát hành nào thì vẫn phải có quyền cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, cũng không có điều kiện gì khác nhau giữa hai chủ thể từ góc độ quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, dù phương thức định danh nào trong hai loại thì kết quả vẫn giống nhau – khách hàng được định danh với các thông tin cơ bản về nhân thân.

Trong khi đó, việc phân biệt hai loại hình này lại dẫn tới các cơ chế quản lý riêng cho mỗi loại, khiến doanh nghiệp bị đặt ở thế cạnh tranh khác biệt, đồng thời cũng làm phức tạp hơn hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước. 

Do vậy, để thể hiện đúng bản chất của phương thức, đồng thời tạo thế cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán và tạo điều kiện để quản lý nhà nước đối với vấn đề này được đơn giản và hiệu quả hơn, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng không phân biệt giữa “ví điện tử” và “tiền di động” mà chỉ cần 1 loại duy nhất. 

Góp ý vào Dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp đề xuất chỉ dùng chung một khái niệm “ví điện tử”. Ví điện tử có thể được định danh bằng tài khoản ngân hàng hoặc các dữ liệu định danh của các công ty viễn thông. Tùy theo mức độ định danh có thể phân cấp ví điện tử thành các loại khác nhau và có những giới hạn giao dịch phù hợp theo mỗi loại, ví dụ theo hướng mức định danh càng chi tiết thì hạn mức giao dịch càng cao. 

Đọc thêm