Sở Thông tin và Truyền thông phải là hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số tại địa phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại hội nghị trực tuyến “Nâng cao năng lực quản lý và thực thi triển khai chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng tại địa phương”, diễn ra sáng ngày 14/5, tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến “Nâng cao năng lực quản lý và thực thi triển khai chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng tại địa phương” diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến “Nâng cao năng lực quản lý và thực thi triển khai chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng tại địa phương” diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.

Chuyển đổi số là chủ trương lớn, được nhắc đến 22 lần trong Văn kiện Đại hội XIII, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Đất nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hoá, của ứng dụng CNTT. Trước đây, khi làm tin học hoá, làm ứng dụng CNTT, tư duy của chúng ta chủ yếu chỉ giới hạn trong các cơ quan nhà nước. Giờ đây, các Sở hãy là hạt nhân dẫn dắt chuyển đổi số tại địa phương mình, không chỉ giới hạn trong cơ quan nhà nước, mà rộng ra cả doanh nghiệp và xã hội.

Chuyển đổi số tại địa phương gồm 3 trụ cột chính, lần lượt là, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tin học hoá là tối ưu quy trình đã có. Chuyển đổi số không chỉ là tối ưu quy trình đã có, mà còn là thay đổi quy trình đã có, thay đổi mô hình đã có, bằng quy trình mới, bằng mô hình mới.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng yêu cầu, sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cần thực hiện 3 việc cụ thể:

Thứ nhất, mỗi sở thông tin và truyền thông ngay lập tức được tăng cường 4 cán bộ, gồm 2 lãnh đạo cấp cục, và 2 cán bộ chuyên môn cao (từ Cục Tin học hóa và Cục An toàn thông tin).

Cục trưởng Cục Tin học hóa và Cục trưởng Cục An toàn thông tin thông báo cho các sở Thông tin và Truyền thông cụ thể về từng lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phối hợp với từng sở. Nếu hai cục chức năng trên chậm trễ, hoặc không hiệu quả trong việc phối hợp với sở thì giám đốc sở trực tiếp phản ánh với lãnh đạo Bộ. Việc phối hợp hai chiều như vậy sẽ gián tiếp bổ sung nhân lực cho cả các cục và các sở.

Thứ hai, về lực lượng triển khai chuyển đổi số, do đang bị hạn chế về biên chế và không thể giải quyết được ngay, nên buộc phải có giải pháp mới, đột phá. Đó là ngành Thông tin và Truyền thông hiện có lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo (60.000 doanh nghiệp) trên toàn quốc. Vì vậy, có thể huy động các doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết vấn đề của quốc gia và của địa phương đúng với chuyển đổi số. Do vậy, các sở cần huy động nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia giải quyết vấn đề của địa phương.

Thứ ba, cũng liên quan đến vấn đề tổ chức, bộ máy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện có một công cụ mạnh là Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia (theo Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia).

Vì vậy, các sở có thể thiết lập Mạng lưới chuyển đổi số và ứng cứu sự cố của tỉnh, huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng tham gia giải quyết các vấn đề của tỉnh dưới sự điều phối chung của sở thông tin và truyền thông.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu rõ quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề an toàn, an ninh mạng. Theo đó, trước hết cần xác định đâu là những hệ thống thông tin phải tuyệt đối bảo đảm an toàn, an ninh mạng bằng mọi giá, đâu là những hệ thống thông tin mà chúng ta bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo hình thức quản trị rủi ro.

Thay vì coi bị tấn công là kém, bị tấn công là tội, thì coi rằng bị tấn công và phát hiện sớm là tốt, bị tấn công và kịp thời khắc phục sự cố là tốt, bị tấn công và kịp thời rút kinh nghiệm để chia sẻ, cảnh báo cho người khác không bị tấn công một cách tương tự là tốt.

Đọc thêm