Be có giành lợi thế khi “đi chợ hộ” giữa dịch Covid-19?

(PLVN) - Trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Công ty cổ phần beGroup - đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be ra mắt tính năng “Đi chợ hộ” để mua đồ giúp phục vụ các khách hàng hạn chế tiếp xúc và ra ngoài trong bão dịch Covid-19.
Ứng dụng "Đi chợ hộ" của Be vẫn đang trong quá trình hoàn thiện
Ứng dụng "Đi chợ hộ" của Be vẫn đang trong quá trình hoàn thiện

Nắm bắt kịp thời xu thế chuyển động của thị trường 

Be vừa cho ra mắt tính năng mới trong bối cảnh nhiều người làm việc trực tuyến, hạn chế tiếp xúc và ngại ra ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Theo đó, bên cạnh hai tính năng cũ là Gọi xe và Giao hàng, Be ra mắt tính năng “Đi chợ hộ” (Shopping) để mua đồ giùm cho khách hàng. 

Với tính năng này, sau khi nhập điểm mua hàng, khách hàng sẽ tự tay nhập món đồ cần mua, Be sẽ tính toán tổng số tiền khách hàng phải thanh toán. Be lưu ý với khách hàng khi sử dụng tính năng “Đi chợ hộ”, cần thanh toán đúng giá trị theo hóa đơn bán lẻ mà tài xế đưa lại khi giao hàng, tài xế cũng có quyền từ chối các đơn hàng giá trị trên 500.000 đồng. Đây là tính năng khá hữu ích trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường. 

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)  

Tuy nhiên, tính năng mới có vẻ vẫn trong quá trình hoàn thiện. Một hạn chế của tính năng “Đi chợ hộ” trên Be là người dùng phải nhập tay toàn bộ, từ điểm mua hàng đến món hàng muốn mua. Be cũng không hiển thị chi tiết món hàng hay giá cả món hàng, mà chỉ hiển thị tổng chi phí phải thanh toán cuối cùng. Bên cạnh đó, tính năng “Đi chợ hộ” hiện chỉ áp dụng cho các tài khoản dùng thẻ và khách hàng Công ty. 

Ngoài việc bổ sung tính năng “Đi chợ hộ”, Be còn bổ sung tính năng “Đi tỉnh” và “Thuê theo giờ” đối với lĩnh vực Di chuyển. Có điều, “Đi chợ hộ” không phải là một “sân chơi” dễ dàng, khi những ứng cử viên sáng giá hiện tại là Now và Chopp đang làm khá tốt. Năm ngoái, VinMart và VinMart+ cũng tham gia cuộc chơi với lợi thế mạng lưới điểm bán dày đặc, nhưng dường như đã dừng bước. Có thông tin Grab sẽ tham gia cuộc đua “Đi chợ hộ” với tính năng GrabAssistant hồi tháng 4 năm ngoái, song đến nay vẫn chưa có thêm thông tin cập nhật. 

Đi chợ hộ cũng là một trong những tính năng GoJek muốn triển khai khi vào Việt Nam, nhưng hiện ngoài các tính năng cơ bản như Di chuyển 2 bánh, Giao đồ ăn và Giao hàng, GoViet chưa triển khai thêm tính năng mới. 

“Quyết đấu” mảng gọi xe công nghệ 

Là startup non trẻ mới được hơn một năm tuổi, Công ty cổ phần beGroup đã đạt được những thành công đáng được ghi nhận. Đến nay, dù sinh sau đẻ muộn, nhưng ứng dụng gọi xe Be đã được tải xuống hơn 5,5 triệu thiết bị di động với 60.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và hoàn thành hơn 38 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018. 

Tính đến hiện tại, ứng dụng gọi xe Be đã có mặt tại 10 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang và Quảng Ninh với các dịch vụ là beBike, beCar, beDelivery, beExpress, beLoyalty. Đầu năm 2020 vừa qua, beGroup đã điều chỉnh nhân sự để đáp ứng chiến lược phát triển giai đoạn mới. Theo đó, bà Nguyễn Hoàng Phương lên nắm giữ vị trí CEO beGroup. 

Chia sẻ với báo chí, bà Phương cho biết, doanh nghiệp sẽ tập trung mạnh mẽ vào mảng gọi xe cốt lõi. Be sẽ tiếp tục giữ vững vị trí trên thị trường, đồng thời trở thành ứng dụng gọi xe có chất lượng hàng đầu Việt Nam. 

Theo đó, để tập trung “quyết đấu” cho mảng gọi xe công nghệ nhằm rút ngắn khoảng cách với đối thủ cạnh tranh số 1, beGroup sẽ tiếp tục gia tăng địa bàn hoạt động và tăng cường chính sách tuyển dụng, đào tạo đội ngũ tài xế và tuyển dụng nhân sự chất lượng trong năm 2020. Đồng thời, beGroup cũng đã sẵn sàng kế hoạch để đón đầu Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 86 sửa đổi. Điểm thuận lợi của Công ty khi tập trung cho vận tải công nghệ chính là Nghị định số 10. Bởi ngay từ ngày đầu thành lập, beGroup đã đăng ký kinh doanh là công ty vận tải ứng dụng công nghệ. Nhờ đó, ứng dụng Be sẽ hạn chế được tối đa việc xáo trộn cách thức hợp tác với các tài xế và phương tiện của họ, mà vẫn giữ được quyền điều xe và quy định giá cước. Đây chính là điểm mạnh lớn nhất về chính sách của beGroup so với các đối thủ trên thị trường. 

Bà Phương cũng như chia sẻ: “Năm ngoái chúng tôi cần mở rộng thị trường và chiếm lĩnh thị phần trong thời gian ngắn để be có sức lan tỏa mạnh mẽ và được nhiều người biết tới. Trong năm 2020, thay vì phát triển ồ ạt như năm đầu tiên, chúng tôi sẽ ưu tiên chú trọng chiều sâu chất lượng dịch vụ, tinh gọn cơ cấu tổ chức, hướng đến việc phát triển bền vững lâu dài”. Chiến lược của beGroup có thể chia làm hai khía cạnh: Tài chính và phi tài chính. Về tài chính, thị trường gọi xe Việt Nam đủ lớn để có ít nhất 3 người chơi. beGroup đang giúp “miếng bánh” thị trường nở ra, tạo ra tệp khách hàng mới, hướng đi mới để cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Thị trường vận tải Việt Nam tăng trưởng rất hấp dẫn với mức trung bình 38%/ năm. Be chỉ cần tăng trưởng theo sự phát triển của ngành đã là rất tốt và chắc chắn sẽ rút ngắn dần khoảng cách với đối thủ về doanh thu và số chuyến. Bên cạnh các sản phẩm lõi như beBike và beCar, beGroup đã và đang không ngừng cho ra đời những sản phẩm vận tải mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. 

Các sản phẩm bổ trợ như beLoyalty, beFinancial vẫn được duy trì để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Về chiến lược phi tài chính, năm 2020, beGroup sẽ đặt mục tiêu cao nhất, dốc nhiều sức lực để nâng cao chất lượng dịch vụ. Be mong muốn sẽ trở thành ứng dụng gọi xe có chất lượng tốt nhất Việt Nam. Để làm được điều đó, ngoài quyết tâm nội tại, Công ty rất cần sự đồng tình, ủng hộ và quyết tâm cao độ của cộng đồng tài xế.

“Be chưa bao giờ định hướng là một sản phẩm giá rẻ và chúng tôi sẽ không ngừng tạo ra những giá trị thực: Khách hàng sẽ nhận được những giá trị tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra, còn tài xế sẽ có thu nhập xứng đáng khi tạo ra chất lượng dịch vụ tốt nhất” – bà Phương cho biết và cam kết mức thu nhập năm 2020 sẽ tốt hơn năm 2019, không thua kém các công ty đối thủ. Với việc tuân thủ chặt chẽ các quy định, chính sách của Nhà nước về thuế, pháp luật lao động…, beGroup đảm bảo sự công bằng cho người tài xế về thu nhập và phúc lợi cũng như tiếp tục minh bạch hoạt động kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước.

“Chỉ khi nào minh bạch, doanh nghiệp mới có khả năng phát triển mạnh mẽ và bền vững” – bà Phương tin tưởng. Đại diện của beGroup khẳng định, năm 2020, Công ty sẽ làm tất cả những gì có thể để nâng cao chất lượng hơn nữa. Còn về mục tiêu dài hạn, Công ty vẫn tiếp tục phát triển mạnh mảng công nghệ để trở thành một nền tảng công nghệ số có chọn lọc kỹ lưỡng, dựa vào nhu cầu thực sự của khách hàng.

Đọc thêm