Chậm tiến độ 90 tháng, dự án của Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát tại Hưng Yên vẫn không bị thu hồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong quá trình thực hiện dự án Trung tâm thương mại và khu tổ hợp sản xuất chế biến gỗ, lắp rắp đồ điện tử (xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát đã để xảy ra nhiều sai phạm. Từ việc chậm tiến độ quá thời gian pháp luật quy định tới tự ý san lấp mặt bằng không phép nhưng Dự án này vẫn chưa bị thu hồi. 
Dự án Trung tâm thương mại và khu tổ hợp sản xuất chế biến gỗ, lắp rắp đồ điện tử của Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát đã chậm tiến độ tới 90 tháng.
Dự án Trung tâm thương mại và khu tổ hợp sản xuất chế biến gỗ, lắp rắp đồ điện tử của Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát đã chậm tiến độ tới 90 tháng.

Chậm tiến độ 90 tháng

Ngày 2/4 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công khai Kết luận thanh tra số 525/TB - TTCP về việc thực hiện quy hoạch, xây dựng trung tâm thương mại, chuyển đổi chợ và việc chấp hành và việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2011-2018.

Thanh tra Chính phủ xác định: Cả 19/19 dự án trung tâm thương mại và 3/18 dự án chợ, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với quy hoạch ngành thương mại.

Đáng chú ý, trong số những dự án vướng vào sai phạm thì Dự án Trung tâm thương mại và khu tổ hợp sản xuất chế biến gỗ, lắp ráp đồ điện tử dân dụng của Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát (Cty Phúc Đại Cát) đã được gọi tên. Thanh tra Chính phủ đã kết luận: “Dự án chậm so với tiến độ được chấp nhận theo Giấy Chứng nhận đầu tư được cấp đến thời điểm thanh tra là 90 tháng”. 

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013 thì chủ đầu tư bị thu hồi đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư khi không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

Trong đó, thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm được quy định tại Khoản 12 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai như sau: “Trường hợp đến thời điểm kiểm tra, thanh tra mới xác định hành vi không sử dụng đất đã quá 12 tháng liên tục hoặc đã chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng thì thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định gia hạn. Quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền được ban hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm tra hoặc kết luận thanh tra nếu người sử dụng đất có văn bản đề nghị;

Người sử dụng đất không sử dụng đất đã quá 12 tháng hoặc đã chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng có nhu cầu gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng phải có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất xem xét quyết, định gia hạn”. 

Trường hợp sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có văn bản xác định hành vi vi phạm mà người sử dụng đất không có văn bản đề nghị được gia hạn thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định thu hồi đất theo quy định, trừ trường hợp bất khả kháng. Các trường hợp bất khả kháng được quy định bao gồm: Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường; Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh; Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh;Các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Từ thực tế vi phạm của Cty Phúc Đại Cát, Thanh tra Chính phủ khẳng định, đối với sai phạm trong dự án này thì trách nhiệm thuộc Chủ đầu tư dự án, UBND huyện Yên Mỹ, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hưng Yên. 

Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Hưng Yên đối với hành vi tự ý san lấp 2,7ha đất nông nghiệp của Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát vào tháng 3/2020.
Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Hưng Yên đối với hành vi tự ý san lấp 2,7ha đất nông nghiệp của Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát vào tháng 3/2020.  

Từng bị “tuýt còi” và yêu cầu dừng thi công

Theo tìm hiểu, vào ngày 9/3/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát. Theo quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát đã thực hiện hành vi vi phạm chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hành vi này đã vi phạm điểm g, khoản 3, Điều 9, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, ngày 7/01/2020, công ty này đã tự ý san lấp 2,7ha đất trồng lúa, một số diện tích đã san lấp tràn sang cả các thửa ruộng chưa nhận chuyển nhượng. Ngày 20/1/2020, UBND huyện Yên Mỹ đã có báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên về việc tự ý san lấp mặt bằng trái phép. 

Sau đó, ngày 19/2/2020, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Yên Mỹ kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tới ngày 9/3/2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Cty Phúc Đại Cát. 

Với hành vi trên, Cty Phúc Đại Cát bị phạt tiền 160 triệu đồng, đồng thời phải dừng ngay việc tự ý san lấp mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất để thực hiện dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Quyết định xử phạt được giao cho ông Bùi Trọng Nhân - Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát để chấp hành, nếu cố tình không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Được biết, sau đó tới ngày 12/3/2020, UBND huyện Yên Mỹ đã ra văn bản số 205/UBND-KTHT về viêc khắc phục vi phạm trật tự xây dựng đối với Công ty cổ phần Phúc Đại Cát. Theo đó, hiện trạng khu đất thực hiện dự án đã được Cty Phúc Đại Cát san lấp, xây dựng sân bãi, trồng lấn toàn bộ vào phạm vi quy hoạch đoạn tuyến đường quy hoạch ĐT.397 từ khu vực nút giao ĐT.397 với ĐT.381 đến nút giao Lý Thường Kiệt (Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).

Để bảo vệ mốc lộ giới, ranh giới đoạn tuyến đường ĐT.379 đã được quy hoạch, UBND huyện yêu cầu công ty cổ phần Phúc Đại Cát dừng ngay việc san lấp, khôi phục lại hiện trạng ban đầu và không được tự ý cải tạo bất cứ hạng mục nào trong phạm vi quy hoạch HLATGTĐB đoạn tuyến ĐT.397 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát được UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án ''Trung tâm thương mại và khu tổ hợp sản xuất chế biến gỗ, lắp rắp đồ điện tử'' với quy mô diện tích khoảng 100.000 m2 ở huyện Yên Mỹ. Mục tiêu của dự án là xây dựng trung tâm thương mại, sản xuất gỗ ván sàn, gỗ ghép thanh, gỗ xây dựng, đồ gỗ nội thất, ngoại thất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản xuất linh kiện và lắp ráp đồ điện tử dân dụng.

Bên cạnh đó, trong Kết luận Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng nêu ra rằng, ngoài việc chậm tiến độ dự án thì “công tác phối hợp của cơ quan chức năng huyện Yên Mỹ với chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt, ít nhiêu gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này”. 

Việc để dự án chậm tiến độ trong gần 8 năm, doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được chấp thuận, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý địa bàn. Liệu các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên có thiếu sát sao trong việc quản lý, kiểm tra các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn?

Chúng tôi sẽ còn tiếp tục trở lại vụ việc...

Đọc thêm