Chuyên gia cảnh báo nạn châu chấu sa mạc có khả năng tràn đến Trung Quốc

(PLVN) - Trong khi đang căng thẳng với dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (COVID-19), Trung Quốc gần đây lại tiếp tục hứng chịu thêm một khủng hoảng nghiêm trọng nữa, khi hàng triệu con châu chấu sa mạc từ châu Phi có thể tiến đến khu vực phía Nam của đất nước này.
Châu chấu sa mạc bay ngập tràn ở Châu Phi
Châu chấu sa mạc bay ngập tràn ở Châu Phi

Mối đe dọa mới của Trung Quốc

Hiện tại, hàng triệu người châu Phi đang rơi vào một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, châu chấu gây ra đợt mất mùa tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, hủy diệt đồng cỏ và mùa màng chỉ vài giờ sau khi có mặt.

Dịch châu chấu đang tấn công khu vực phía nam Ethiopia thuộc miền Đông châu Phi và một phần của Kenya với số lượng châu chấu được xem là lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Tại Ấn Độ, 400 tỷ con châu chấu đã tấn công đất nước này, khiến một lượng lớn cây trồng bị phá hủy. Quân lương của 700.000 đại quân Ấn Độ đóng trú gần Pakistan đã bị châu chấu ăn sạch, Ấn Độ buộc phải rút quân.

Các quan chức Pakistan nói rằng lũ châu chấu hiện đang diệt sạch khoảng 35.000 khẩu phần ăn mỗi ngày và nếu tình hình không được kiểm soát thì quốc gia này sẽ không còn lương thực để thu hoạch. Do đó Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi đây là “dịch châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ”, phá hủy nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực quốc gia này. Dự đoán, mối đe dọa này sẽ tiếp tục đe dọa đến các tỉnh phía Nam Trung Quốc vào mùa hè này.

Vì Pakistan và Ấn Độ nằm giáp với Trung Quốc, dịch châu chấu này là mối đe dọa cho Trung Quốc. Hiện tại điều khiến người ta lo lắng nhất là, một khi Ấn Độ không cách nào khống chế châu chấu, các nước Đông Nam Á có thể đều sẽ bị ảnh hưởng.

Theo tờ Thông tin khoa học Trung Quốc, kênh truyền thông chính thức của Trung tâm Thông tin Tài liệu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc chỉ ra, 400 tỷ con châu chấu bắt đầu từ châu Phi, sau đó bay qua Hồng Hải tiến vào châu Âu và châu Á, hiện đã đến Pakistan và Ấn Độ, “có thể nói chỉ cách Trung Quốc một bước”.

Các chuyên gia của Viện Động vật học, Viện Hàn lâm Khoa học cùng các nhà khoa học trên khắp Trung Quốc đã tập trung bàn luận về mối đe dọa mới này. Theo ông Zhang Zehua, nhà nghiên cứu tại Viện Bảo vệ Thực vật (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc) chia sẻ, các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, cũng như khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây sẽ là những nơi đầu tiên bị ảnh hưởng. “Rất khó có khả năng châu chấu sa mạc sẽ di cư trực tiếp vào khu vực nội địa của Trung Quốc, nhưng nếu bệnh dịch châu chấu sa mạc ở nước ngoài vẫn tồn tại, xác suất châu chấu xâm nhập vào Trung Quốc vào tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ tăng mạnh”, ông Zhang nói.

Châu chấu đang di chuyển dần sang Trung Quốc
Châu chấu đang di chuyển dần sang Trung Quốc 

Theo tìm hiểu, trong lịch sử Trung Quốc chưa từng có ghi chép xảy ra dịch châu chấu sa mạc, nguyên nhân chủ yếu là loài châu chấu rất khó vượt qua được khu vực núi cao lạnh giá. Trước đó, loài châu chấu thường thấy ở Trung Quốc có nguồn gốc từ Đông Á, Tây Tạng. Tuy nhiên năm ngoái, tỉnh Vân Nam từng xuất hiện kỷ lục về châu chấu sa mạc hoành hành. Nếu nhóm châu chấu này tiếp tục di chuyển theo hướng Đông thì mức độ nguy hại đối với Trung Quốc sẽ tăng thêm.

Được biết, châu chấu sa mạc là loài châu chấu hung dữ nhất, cũng là một trong những loài châu chấu có sức phá hoại mạnh nhất trên thế giới, nó có thể sống từ 3 đến 6 tháng, mỗi con châu chấu cái có thể đẻ 300 trứng mỗi năm, mỗi năm có thể sinh sôi ra 2-5 thế hệ châu chấu, tốc độ sinh sôi vô cùng nhanh. Châu chấu sa mạc là một trong những “loài di cư nguy hiểm nhất thế giới”. Một con châu chấu đơn lẻ có thể bay được 150 km, và một đàn nhỏ có thể lấy đi lượng thức ăn đủ cho 35.000 người trong một ngày.

Các chuyên gia nói rằng, “Sự xuất hiện của dịch châu chấu có liên quan mật thiết đến tập tính sinh học của bản thân loài gây hại này cũng như môi trường sinh thái và khí hậu địa phương. Châu chấu có khả năng sinh sản rất mạnh, một khi phát sinh dịch thì mật độ châu chấu sẽ tăng cao bất thường, làm thành một đàn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ con châu chấu gây hại đang bay. Khả năng di chuyển của chúng rất mạnh, lại thêm đặc tính ăn phức tạp do đó gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch”.

Ngoài ra, điều đáng chú ý là, do sự phát triển nhanh chóng của việc đô thị hóa nông thôn ở Trung Quốc, một số vùng đất bị bỏ hoang và quản lý môi trường lỏng lẻo đã dẫn đến cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi sinh sống lý tưởng cho châu chấu. Đây chính là nguy cơ của dịch châu chấu ở Trung Quốc.

Dùng 10.000 con vịt để bắt châu chấu

Hiện tại, các chuyên gia đang kêu gọi sự hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia khác, đặc biệt là Pakistan, Ấn Độ và Nepal để ngăn chặn “thảm họa châu chấu sa mạc” và chia sẻ thông tin mới nhất về sự di cư của bầy đàn.

Bà Maria Semedo (Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc) cũng đã phát đi cảnh báo: “Các quốc gia cần lập tức phối hợp cùng nhau hành động, châu chấu sẽ không chờ đợi, nó sẽ đến một cách rợp trời và tạo ra thảm họa hủy diệt”.

Trung Quốc phải chi 200 triệu USD để ngăn ngừa châu chấu từ Châu Phi
Trung Quốc phải chi 200 triệu USD để ngăn ngừa châu chấu từ Châu Phi 

Ngoài ra mới đây, theo một đoạn video được Mạng lưới Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) chia sẻ cho thấy, hơn 100.000 con vịt khỏe mạnh, được huấn luyện bài bản đã được gửi tới Tân Cương để đối phó với dịch châu chấu. Chúng chạy trên dọc một con đường. Chúng ăn những con châu chấu bay qua.

Sau một ngày đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter của CGTN, video nhận được 350.000 lượt xem. Người dùng mạng quốc tế bày tỏ ngạc nhiên trước cảnh tượng này. Sáng kiến sử dụng vịt diệt châu chấu đã nhân được sự ủng hộ từ cộng đồng mạng. “Hãy quay video dài hơn, ý tưởng này thật tuyệt vời”, một cư dân mạng viết, trong khi một người khác bình luận: “Tiến lên những chú vịt phi thường!”.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng cho biết, năm 2018, một tập đoàn ở Tân Cương cũng từng dùng gà và vịt để đối phó với nạn châu chấu. Một con vịt có thể “kiểm soát” 4m2 và ăn châu chấu trong đó - một giải pháp thân thiện với kinh tế và môi trường so với dùng thuốc trừ sâu.

Năm 2017, dịch châu chấu đã xảy ra ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, vì châu chấu chiên là một món ăn truyền thống trong ẩm thực địa phương, một số nông dân đã chuyển sang bắt châu chấu để bán. “Thu hoạch ngô của chúng tôi chắc chắn sẽ giảm, nhưng việc bắt châu chấu mang lại cho tôi nhiều tiền hơn”, một người dân nói.

Thậm chí châu chấu còn được nuôi bởi một số trang trại ở Sơn Đông, tỉnh Vân Nam của vùng Tây Nam và tỉnh Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, khi dịch châu chấu hoành hành năm 2017, Sơn Đông đã phải sử dụng trực thăng và máy bay không người lái để ngăn chặn và kiểm soát. Sản xuất nông nghiệp ở một số vùng giảm 20 đến 30%.

Đọc thêm