Mở lớp học “chắp cánh ước mơ”để các em nhỏ đi chữa bệnh mà không quên kiến thức

(PLVN) - Hàng ngày, ngoài việc “làm bạn” với dây truyền và giường bệnh, hàng chục bệnh nhi tại Trung tâm Huyết học - truyền máu tỉnh Nghệ An sẽ được các y bác sỹ và tình nguyện viên dạy học.

Các bệnh nhi lấy niềm vui học hành để thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật.
Các bệnh nhi lấy niềm vui học hành để thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật.

Đây là lớp học đặc biệt dành cho các em nhỏ phải điều trị bệnh dài ngày. Ở nơi đây dù luôn phải nỗ lực để chiến thắng bệnh tật nhưng các em vẫn chăm chỉ học hành, nắm bắt kiến thức.

Thầy thuốc kiêm thầy giáo

Năm nay bước sang tuổi thứ 7, cũng là từng ấy năm em Ngân Thái Sự (quê xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) là “người quen” của Khoa Bệnh máu tổng hợp 2, Trung tâm huyết học - Truyền máu Nghệ An. Em vào đây từ khi mới 3 tháng tuổi trong tình trạng thiếu máu nặng. Sau khi kiểm tra, các bác sỹ phát hiện em bị Thalassemia bẩm sinh (bệnh tan máu bẩm sinh). Từ đó, cứ đều đặn hàng tháng, emlại vượt chặng đường dài cả trăm cây số xuống Trung tâm truyền máu để thải sắt, duy trì sự sống, mỗi đợt điều trị kéo dài 10 - 12 ngày.

Liên tục nhập viện truyền máu nên việc học của em cũng vì thế mà gián đoạn, nhớ về thầy cô Sự chia sẻ. “Con nhớ các bạn, nhớ cô, nhớ thầy lắm. Con chỉ ước khỏe mạnh, không phải đi truyền máu nữa để đi học đầy đủ như các bạn”, cậu bé tâm sự.

Lớp học đặc biệt tại Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An có sự đứng lớp của những người khoác áo Blouse trắng.
Lớp học đặc biệt tại Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An có sự đứng lớp của những người khoác áo Blouse trắng. 

Cách đây khoảng 3 tháng, khi biết có lớp học ở trong Trung tâm huyết học - Truyền máu Nghệ An, Sự đã háo hức vào lớp.Những bỡ ngỡ ban đầu dần tan biến trong cậu bé này. Em nhanh chóng hòa nhịp cùng các bạn để tô màu, vẽ tranh. Nhìn con háo hức học cùng các bạn đồng trang lứa, cũng mắc bệnh tan máu bẩm sinhđang điều trị tại bệnh viên, mẹ cậu bé phần nào cũng thấy nhẹ lòng hơn.

Với tên gọi “Chắp cánh ước mơ”. Lớp họcnằm trong căn phòng nhỏ khoảng 20m2 được sửa lại từ một phòng làm việc tại Trung tâm Huyết học - truyền máu tỉnh Nghệ An. Lớp học được duy trì mỗi ngày, thu hút sự tham gia của khoảng 20 học sinh là những bệnh nhân đang điều trị ở đây. Giáo viên đứng lớp là các tình nguyện viên tại Trung tâm và các y bác sỹ. Thời gian lớp học hoạt động thường từ 19 giờ đến 21 giờ,thời điểm đó các bác sĩ cũng ít việc hơn. Dù mới tổ chức khoảng 3 tháng nay nhưng lớp học “Chắp cánh ước mơ” luôn giúp các em thích thú. 

Vậy là sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, các y bác sĩ tại Trung tâm lạilên lớp bổ túc lại văn hóa, kiến thức cho chính bệnh nhân do mình điều trị.Mục đích của lớp học là giúp các em không quên con chữ trong quá trình điều trị dài ngày tại Trung tâm. Theo các bác sỹ, ban đầu lớp chỉ hướng đến các em nhỏ có thời gian điều trị dài ngày ở Trung tâm, về sau có nhiều người lớn tuổi chưa biết chữ cũng tham gia.

 

Do bị bệnh Hemophilia, nên em Nguyễn Văn Vinh (SN 2011) luôn được một bác sỹ bế tới lớp học. Lần đầu, em rất rụt rè, nhưng với cách dạy truyền cảm của các y bác sỹ cũng như anh chị tình nguyện viên nên Vinh mong được đến lớp thường xuyên vào mỗi buổi tối. Nhìn Vinh chăm chú với con chữ, bảng tô, không chỉ phụ huynh mà các bác sỹ, tình nguyện viên cũng thấy ấm lòng.

Bác sỹ Phạm Quốc Hội, Trường khoa Bệnh máu tổng hợp 2 chia sẻ: “Dù chỉ một khoảng thời gian 2 giờ vào mỗi tối nhưng cháu rất háo hức, cứ mong đến tối để đi học. Đó là động lực để các y bác sỹ tại Trung tâm duy trì lớp học đặc biệt này”, bác sỹ Hội tâm sự.

Giúp các em lạc quan, chiến đấu với bệnh tật

Thuộc diện anh cả của lớp tại Trung tâm, em Vi Thanh Nhật (16 tuổi, quê xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương,tỉnh Nghệ An) tâm sự, mỗi năm em phải vào Trung tâm điều trị từ 6 đến 7 lần, mỗi lần thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày. Dù vậy, em tự sinh hoạt và điều trịmột mình vì bố mẹ phải đi làm kiếm tiền. “Ở đây, ngoài được điều trị bệnh, em coi đây như ngôi nhà của mình. Các bác sỹ rất thương em. Không những thế, mỗi tối em lại được anh chị dạy thêm kiến thức, bổ túc cho em những bài toán và kỹ năng sống mà em bị thiếu hụt do phải đi điều trị bệnh”, Nhật tâm sự. 

Riêng đợt điều trị lần này, Nhật vào từ hôm mồng 6 Tết và vẫn đang tiếp tục truyền máu. Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không thể sát cánh cùng em trong những ngày ở bệnh viện, nhưng cậu bé luôn tỏ ra chững chạc, sống tự lập.

Bác sỹ Nguyễn Đình Khuê, Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Nghệ An chia sẻ, lớp học “Chắp cánh ước mơ” ra đời xuất phát từ thực tế nhiều bệnh nhi vắng lớp dài ngày mỗi khi xuống điều trị bệnh. Biết được điều đó, Trung tâm đã phối hợp các cô giáo trên địa bàn và một nhóm thiện nguyện mở lớp dạy cho các bé ngay tại khoa vào mỗi tối.

Tại lớp học đặc biệt này, các bác sĩ là thầy giáo, bệnh nhi là học sinh.
Tại lớp học đặc biệt này, các bác sĩ là thầy giáo, bệnh nhi là học sinh.  

Để có bàn ghế, sách vở, đồ dùng, loa máy... các bác sỹ đã kêu gọi hỗ trợ từ các y bác sỹ đang làm việc tại Trung tâm cũng như kêu gọi sự hỗ trợ bên ngoài. Đơn cử như 10 bộ bàn ghế được một Giáo xứ trên địa bàn ủng hộ. Các đồ dùng học tập như sách vở, bút mực là do các y bác sỹ trong Trung tâm đóng góp. Nhờ sự chung tay giúp sức của nhiều cá nhân, tổ chức có tấm lòng hảo tâm lớp học dần đủ đầy các dụng cụ cần thiết, phục vụ các bệnh nhi điều trị dài ngày tại Trung tâm.

Bác sỹ Hội cho biết thêm: “Bên cạnh việc bổ túc văn hóa, dạy chữ, lớp học “Chắp cánh ước mơ” còn là nơi để đội ngũ y bác sỹ mong muốn giúp tâm trạng của các con luôn được thoải mái. Từ đó nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị, gắn kết giữa bác sỹ và bệnh nhân.

Để mỗi lần đi khám, các em có cảm giác ấm áp, tạo môi trường gần gũi. Đó cũng là nền tảng tự tin cho các em khi tiếp xúc môi trường mới. Các y bác sỹ và tình nguyện viên phụ trách lớp học còn hy vọng rằng những bài học về kỹ năng sống, những câu chuyện về thế giới xung quanh sẽ giúp các bé lạc quan, tự tin hơn về bản thân mình và có thêm nguồn động viên để chiến đấu với bệnh tật.

Đọc thêm