Tiếp vụ lùm xùm tại Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam: Không đạt tiêu chuẩn vẫn được làm trọng tài giải Quốc gia?

(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, đối tượng tham gia thi đấu tại giải Vô địch Bóng rổ trẻ Quốc gia (U23 VBF Audi Cup) vừa diễn ra đã có những vấn đề “đầu voi đuôi chuột” thì đối với lực lượng trọng tài - những người cầm cân nảy mực có vai trò cực kỳ quan trọng trong mỗi giải thi đấu bóng rổ cũng tái diễn câu chuyện “nói một đằng làm một nẻo” của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF).

 

Tiếp vụ lùm xùm tại Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam: Không đạt tiêu chuẩn vẫn được làm trọng tài giải Quốc gia?

Thông báo một đằng...

Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết nói đến vấn đề Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam ra thông báo về khóa đào tạo và thi phân cấp trọng tài bóng rổ cấp quốc gia vào tháng 3/2017 tại 2 địa điểm là TP Hồ Chí Minh (từ ngày 22 đến ngày 24/3/2017) và Hà Nội (từ ngày 26 đến ngày 28/3/2017). 

Khóa đào tạo và thi phân cấp trọng tài do VBF tổ chức, có thu phí học viên tham gia, có tổ chức thi với những nội dung (lý thuyết, thực hành, thể lực và thi tiếng Anh đối với những học viên có triển vọng thi trọng tài quốc tế). Những học viên đã hoàn thành khóa học, được Ban Tổ chức lớp trao giấy chứng nhận và công bố những học viên đạt qua các bài kiểm tra sẽ được Liên đoàn cấp thẻ Trọng tài.

Tuy nhiên đến thời điểm này, tất cả các học viên đều không được Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam công nhận và cấp thẻ Trọng tài (cấp I, cấp II) theo như Thông báo của VBF và cũng không có bất kỳ thông báo, văn bản nào của VBF đả động đến “số phận” của các học viên đã tham gia khóa đào tạo kể trên.

Với số lượng 27 học viên đăng ký tại khu vực TP Hồ Chí Minh và 26 học viên đăng ký tại khu vực Hà Nội, phóng viên đã liên hệ với những người có trách nhiệm trong VBF để phản ánh, nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng, tránh né, khiến cho số phận những học viên đủ điều kiện phong cấp của cả hai khu vực trên dường như “rơi vào quên lãng”.

Tưởng chừng như sau hơn 2 năm, qua thực tiễn về việc chậm trễ và bất cập trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ cho trọng tài bóng rổ thì VBF sẽ rút kinh nghiệm, hoàn thiện khâu tổ chức và có trách nhiệm hơn với các hoạt động chuyên môn của trọng tài. Nhưng không, có lẽ “nói một đằng làm một nẻo” đã trở thành “đặc sản” của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam.

Năm 2019, VBF tiếp tục phát đi thông báo số 244/TB-VBF vào ngày 11/6/2019, triệu tập 53 học viên để tổ chức khóa đào tạo kiểm tra cấp bằng chứng nhận trọng tài quốc gia theo yêu cầu của FIBA từ ngày 22 đến 24/7/2019 tại trường Đại học Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh. Khóa học có các nội dung bồi dưỡng lý thuyết, kiểm tra kiến thức và thể lực cùng ngoại ngữ dùng để phân loại và đào tạo trọng tài quốc tế...

Khóa đào tạo trọng tài diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ 22-24/7/2019 (Nguồn: VBF.vn)
Khóa đào tạo trọng tài diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ 22-24/7/2019  (Nguồn: VBF.vn)

Tại mục II Điều 3 của Thông báo số 244/TB-VBF này có lưu ý rất rõ ràng:  “Trọng tài quốc gia, trọng tài FIBA Active không hoàn thành khóa học hoặc không tham dự thì sẽ không được tiếp tục phân công nhiệm vụ tại các giải thuộc hệ thống giải quốc gia và chuyên nghiệp cho đến khi tham dự và vượt qua bài kiểm tra kế tiếp trong khóa học kế tiếp”.

Ngày 3/9/2019, Tổng thư ký VBF là ông Lê Hoàng Anh ký Quyết định số 278/QĐ-VBF về việc phê duyệt kết quả kiểm tra học viên Khóa đào tạo, kiểm tra, cấp Bằng chứng nhận trọng tài quốc gia theo yêu cầu của FIBA (gồm có 17 trọng tài hoàn thành khóa học). Sẽ không có gì đáng nói nếu các thông báo, quyết định được thực hiện đúng và các trọng tài được đào tạo, kiểm tra và cấp bằng chứng nhận.

...thực hiện một nẻo

Theo thu thập của phóng viên, trong danh sách Ban giám sát, trọng tài, nhân viên bàn thư ký, nhân viên thống kê làm nhiệm vụ tại giải Vô địch Bóng rổ trẻ Quốc gia U23 VBF Audi Cup (thuộc hệ thống giải Vô địch Bóng rổ trẻ 5x5) vừa diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22/12 đến ngày 29/12/2019 có một số trọng tài không hoàn thành khóa học, có kết quả thi không đạt (theo Quyết định số 278/QĐ-VBF) và có một số trọng tài không tham gia khóa học (theo Thông báo số 244/TB-VBF) của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam nhưng vẫn được mời tham gia điều hành các trận đấu của giải.

Điều đáng nói là những trọng tài này thi trượt trong phần thi thể lực. Trọng tài mà thể lực không bảo đảm nhưng vẫn được điều hành trên sân thì sẽ như thế nào? Một bài học kinh nghiệm đắt giá từ sự việc của trọng tài môn Bóng đá Dương Ngọc Tân đã đột tử vì sức khỏe không bảo đảm trong lúc kiểm tra thể lực.

Còn những trọng tài không tham gia khóa học mà vẫn được mời tham gia điều hành tại giải liệu chuyên môn, nghiệp vụ có đáp ứng được hay không? Thể lực chuyên môn có bảo đảm hay không? Khi những trọng tài này trong lúc làm nhiệm vụ có vấn đề gì thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Cách làm việc “tiền hậu bất nhất” như thế này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của VBF và cá nhân của từng người cầm còi trên sân bóng, làm cho sự tin tưởng vào cách làm việc của những người đang vận hành giải đấu bị giảm sút. Vậy câu hỏi đặt ra, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam tổ chức khóa học nhằm mục đích gì và ai được hưởng lợi từ những khóa học này?

Cuối cùng, những người làm bóng rổ trên cả nước, những người làm chuyên môn, các trọng tài không biết tin vào đâu khi một tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho họ lại “nói một đằng làm một nẻo” như vậy, và không chỉ một lần.

Câu hỏi về sự bất nhất trong các hoạt động của VBF vẫn còn lơ lửng và đến nay chưa có một người có thẩm quyền nào của VBF có thể đưa ra câu trả lời thích đáng... Cách làm việc như vậy của VBF khác xa với khẩu hiệu đưa Liên đoàn thành một tổ chức chuyên nghiệp và đưa môn bóng rổ thành môn thể thao số 2 được yêu thích tại Việt Nam?

Chúng tôi sẽ còn tiếp tục trở lại sự việc...

Đọc thêm