Chuyện được ghi lại từ Nhà Trưng bày Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chị Lê Na, thuyết minh tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa với nhiều năm công tác, đã ghi lại nhiều câu chuyện cảm động mình trải nghiệm và mong muốn được gửi tới độc giả Báo PLVN…
Tác giả bài viết đang thuyết minh cho học sinh khi đến tham quan, tìm hiểu về Nhà trưng bày Hoàng Sa
Tác giả bài viết đang thuyết minh cho học sinh khi đến tham quan, tìm hiểu về Nhà trưng bày Hoàng Sa

Nhà trưng bày Hoàng Sa được thành lập tháng 8/2017, tọa lạc tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Hiện nay, Nhà trưng bày có hơn 300 tư liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh… ,phản ánh quá trình lịch sử từ những ngày đầu khi các chúa Nguyễn khai phá, xác lập chủ quyền cho đến nay. Nơi đây còn là địa chỉ đỏ để người dân, du khách, nhất là thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, cảm nhận về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông bà đưa cháu từ Nghệ An và Đà Nẵng thăm Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Một ngày cuối tháng 10 năm 2020, trời mưa tầm tã, tôi gặp 3 bác cháu ở Nghệ An đến tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Một người đàn ông đeo kính, mặc áo sơ mi, quần tây đĩnh đạc cùng với người vợ và cháu. Tôi hỏi và được Bác trả lời bằng câu hỏi: “Đây chắc chắn là Nhà Trưng bày có nhiều tư liệu, bằng chứng về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của ta à cháu?”.

Bác tên là Lê Xuân Dũng, 64 tuổi, quê ở Nghệ An. Một công dân luôn đau đáu về máu thịt Hoàng Sa. Bác Dũng cho biết cảm xúc của mình khi những lần đọc báo, tin tức liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và vui mừng khi Đà Nẵng xây dựng Nhà Trưng bày để dân ta biết về sự thật lịch sử.

Bác Lê Xuân Dũng và vợ con từ Nghệ An lặn lội vào tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa

Bác Lê Xuân Dũng và vợ con từ Nghệ An lặn lội vào tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa

Khoảnh khắc nhìn bác Dũng chăm chú ngắm nhìn tài liệu, bản đồ được trưng bày, tôi chợt nghĩ về những con người Việt trăn trở, khắc khoải tiếng lòng với lãnh thổ được dựng lên bằng máu xương.

Nhìn về phía vợ và người cháu của mình, bác Dũng giải thích và như muốn truyền một ngọn lửa cháy bỏng về lòng yêu nước.

Bác Dũng giải thích lại những tư liệu, hình ảnh minh chứng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam cho vợ biết

Bác Dũng giải thích lại những tư liệu, hình ảnh minh chứng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam cho vợ biết

Có lẽ, với việc vừa đến Đà Nẵng, bác Lê Xuân Dũng thôi thúc cháu của mình đi đến Nhà Trưng bày để tận mắt chứng kiến tư liệu, bản đồ, hình ảnh minh chứng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, tôi biết bác đã trăn trở và mong ngóng chừng nào những ngày qua để được đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Hành động biết ơn

Cũng vào năm 2020, một chiều tháng 3, tại cơ quan, trong lúc sửa lại tờ giấy thông báo dán phía ngoài lan can, tôi nghe tiếng kêu hoà lẫn với âm thanh rì rào của sóng biển “Cháu ơi, xuống đây cho ông hỏi với”.

Đó là một cụ già hơn 70 tuổi vừa mới dừng chiếc xe đạp cũ bên đường. Tôi vội vàng chạy tới phía cụ và hỏi xem có chuyện gì. Cụ nhanh chóng đặt bao bánh ú vào tay tôi và nói “Cháu cầm lấy, cụ cho, hãy đưa cho các bạn của cháu nữa nhé”. Nói xong cụ chào và lên chiếc xe đạp cũ rời đi.

Tác giả với nhiều câu chuyện cảm động được ghi lại tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

Tác giả với nhiều câu chuyện cảm động được ghi lại tại Nhà trưng bày Hoàng Sa

Lúc đó, tôi chưa nhận ra cụ thuộc Trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng thành phố Đà Nẵng đã đến tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Tôi nhớ lại, lần đó sau khi rời Nhà Trưng bày, cụ đã cảm ơn vì sự đón tiếp nhiệt tình hay chia sẻ kiến thức bổ ích, thú vị và hỏi tôi có ăn bánh ú không. Tôi nghĩ rằng cụ nói giỡn cho đến khi đưa bánh đến tận cơ quan. Tôi biết, cụ dành tình cảm và mong muốn chúng tôi nỗ lực và phấn đấu hơn nữa vì chủ quyền biển, đảo của đất nước, vì máu thịt của Tổ quốc. Tôi trân quý và biết ơn nhường nào.

Trên đây chỉ là những câu chuyện nhỏ bởi những tâm tình của người con đất Việt tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa sẽ nhiều hơn thế nữa khi mãnh đất thiêng liêng đang thổn thức từng ngày trở về với đất mẹ Việt Nam.

Lòng nhiệt huyết tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Nhà Trưng bày thu hút hơn 60.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Tín hiệu đáng mừng là công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ hiệu quả hơn khi có Nhà Trưng bày.

Đồng nghiệp với tôi, chị Võ Thị Thuỳ Dung, thuyết minh viên tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết, những kiến thức lịch sử về biển, đảo, về Hoàng Sa, đặc biệt với câu chuyện giản dị, mộc mạc được chị lan toả tới du khách mỗi ngày là niềm hạnh phúc.

Chị tâm tình: “Tôi mong ngày càng nhiều du khách đến với Nhà Trưng bày Hoàng Sa hơn nữa. Từ những chứng cứ lịch sử chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đến câu chuyện các bậc tiền nhân đã khai phá, xác lập, gìn giữ và bảo vệ bằng máu xương sẽ lưu giữ lại trong lòng mỗi du khách khi đến tham quan, để từ đây tinh thần tự hào dân tộc, nhận thức gìn giữ và bảo vệ chủ quyền đất nước được vực dậy.”

Mỗi câu chuyện giản dị ở đây được thuyết minh viên gửi đến các bạn học sinh khi đến tham quan, tìm hiểu, học tập

Mỗi câu chuyện giản dị ở đây được thuyết minh viên gửi đến các bạn học sinh khi đến tham quan, tìm hiểu, học tập

Chị Dung kể cho tôi, đã từng bắt gặp nhiều cảm xúc của du khách khi đến tham quan, tìm hiểu tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Có lần, chị thấy đôi mắt của du khách ánh lên niềm tin khi chị mạnh mẽ khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với những vùng biển đảo. Cũng có lần, hai hàng mi ướt đẫm trực trào khi nghe về câu chuyện các bậc tiền nhân đã vượt vạn dặm hải lý gian nan, xa xôi đến xứ Hoàng Sa, Trường Sa để xác lập chủ quyền. Hay những chiến binh quả cảm vì nước quên thân bỏ mạng dưới đáy đại dương mãi mãi.

Tôi biết rằng chỉ những người tâm huyết và có tình yêu lớn lao đối với nghề mới chia sẻ được điều như vậy.

Đọc thêm